Thơ chắt từ bão dông của Phan Xuân Luật

Đào Đức Tuấn
Đào Đức Tuấn
21/11/2024 09:30 GMT+7

Từ thơ tình, thế sự đến thơ thiếu nhi. 'Tiếng làng' như một tổng tập của tâm hồn thơ Phan Xuân Luật.

thơ đăng từ khi còn học phổ thông ở Nghệ An, rồi bùng lên dữ dội khi học văn khoa tổng hợp Hà Nội. Thế mà mải miết bươn chải báo chí, qua tuổi 60, Phan Xuân Luật mới rụt rè góp in tập thơ Tiếng làng (Nhà xuất bản bản Hội Nhà văn, 2024) với trên 70 bài.

Thơ chắt từ bão dông của Phan Xuân Luật- Ảnh 1.

Nhà báo, nhà thơ Phan Xuân Luật (Giám đốc Đài Phát thanh và truyền hình Phú Yên)

ẢNH: ĐÀO ĐỨC TUẤN

Tôi gặp lại trong Tiếng làng bài thơ đã giăng mắc từ lâu trong giới học sinh, sinh viên:

Nhớ quá đi thôi Hà Nội

Hoa sữa thơm giấc ngủ thu về

Hàng sấu ngó những người chiều thả bộ

Lá bàng buồn sấp ngửa dọc đường đê

(Hà Nội)

Thơ Phan Xuân Luật có những phác họa ngập hương thanh, sắc màu của mong manh tình yêu và nỗi nhớ:

Em mở cửa vườn thu nhiều cỏ lạ

Và màu thu còn lại đến bây giờ

(Mùa thu 2)

Mùi hoa dẻ âm thầm thơm đến lạ

Mách anh rằng nơi đó là em

(Hoa dẻ)

Thật ấn tượng với tứ tuyệt Phan Xuân Luật, nhất là tứ tuyệt lục bát. Dồn nén, lắng đọng đến vu vơ:

Ta về đánh giậm cuộc tình

Bọt bèo mùa lũ phận mình tép tôm

Giữa đồng đốt một đống rơm

Hong cho đỡ ướt tình tôm tép mình

(Đánh giậm)

Một đời cười một tái tê

Cười nghiêng ngả giữa bốn bề chông chênh

Cười hỉ hả giữa buồn tênh

Cười trong giông bão thấy mình lặng yên

(Cười)

Một ngày là bấy nhiêu cay

Là từng ấy đắng là này ngọt thơm

Đi qua một kiếp tủi hờn

Bát cơm phiếu mẫu tạ ơn cuộc đời

(Một ngày)

Tôi đối diện những ngọn thơ chắt từ bão dông. Chắc chắn rồi, không bão dông thì không thi sĩ. Có lẽ thơ mới nói hết cay cực đời người. Những dòng thơ tình chất chứa của họ Phan:

Nhiều đêm không ngủ

Nhớ em

Ngồi như cây nến cháy

Gọi

Một vì sao im

(Nhớ 1)

Cúi đầu trước cõi hư vô

Dâng em một nén tỏ mờ hoàng hôn

Xòe tay

chớp giật

sóng dồn

Trái tim treo

nốt lặng buồn

tháng năm

(Nhớ 2)

À ơi mình lại ru mình

Lời ru đem cả bóng hình vào nôi

Ru tôi xa xót một người

Ru tôi cái bóng một thời lẻ em

(Không đề 2)

Phan Xuân Luật viết về dải đất miền eo rao rát:

Mẹ ru con qua mùa đói à… ơi…

Giấc ngủ trẻ một thời trong đạn lửa

Giấc ngủ trẻ một thời xen sóng vỗ

Cây lúa mang thai vất vả nhọc nhằn

(Miền Trung)

Phan Xuân Luật ấp iu từng chữ về mẹ, về xứ Nghệ quê đẻ:

Mẹ vẫn manh áo vá

Quanh năm dưa với cà

Sương giăng thành sợi bạc

Nắng nỏ thành màu da

(Mẹ)

Tháng ba rồi tiếng sấm cũng khác hơn

Trời đang nắng cơn mưa chiều chợt đến

Hoa gạo đỏ chưa một lần lỗi hẹn

Lại bừng bừng cháy dọc triền sông

(Tháng ba)

Thầu đâu rắc tím chiều lối ngõ

Em hai mươi ngược gió trên đường

(Đất)

Thơ chắt từ bão dông của Phan Xuân Luật- Ảnh 2.

Tập thơ “Tiếng làng” của nhà báo, nhà thơ Phan Xuân Luật

ẢNH: ĐÀO ĐỨC TUẤN

Thi sĩ hơn nhau ở độ dày cảm xúc. Với đất quê đang ở mấy mươi năm, Phan Xuân Luật đã viết được bài thơ "trả nợ":

Tuy Hòa

mỗi ngày

vẫn gió

Như nốt nhạc trời xanh

tháp cổ

Như giai điệu biển xanh

em tung tăng

sóng vỗ

(Tuy Hòa gió)

Một ước mơ thiện lương cho cái đẹp, cho loài người quá nhiều xung đột:

Đất dịu lại sau một ngày sôi sục

Có lẽ loài người đã quên chuyện đao binh

Nhìn em đẹp anh bỗng thành thi sĩ

Và run lên trong giai điệu trăng

Và ao ước loài người mãi mãi

Ngủ ngon trong tiếng đàn của Beethoven

(Trăng)

Chẳng những thơ đời thơ tình, Phan Xuân Luật còn là cây bút viết thơ thiếu nhi. Anh viết từ tâm thức tuổi thơ mình, tâm thức một người cha ru con:

Tròn xoe mắt bé

Tinh khôi muôn màu

Nụ hoa vừa hé

Cánh diều nghiêng chao

(Viên bi của bé)

Bé chờ, hai mắt đỏ hoe

Mẹ thì tận nơi vô tận

Ba bao công việc bộn bề

Bà đã lưng còng, tóc trắng

(Bé chờ ba)

Xin giới thiệu với bạn đồng điệu tập thơ Tiếng làng của thi sĩ Phan Xuân Luật.

Nhà báo, nhà thơ Phan Xuân Luật sinh năm 1964 tại Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An. Tốt nghiệp ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hiện là Giám đốc Đài Phát thanh và truyền hình Phú Yên.

Sách đã in: Tiếng làng (tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2024); sắp in: Võ Văn Và… (tập bút ký, phóng sự), Chuyện làng (tập tản văn).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.