Giáo viên phải có giáo án riêng cho từng trẻ
Từ ngày 17.11.2016, Trường Giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Ngãi có quyết định chính thức chuyển đổi thành Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Quảng Ngãi. Từ năm học 2017- 2018, trung tâm bước vào hoạt động với các chức năng mới.
Cơ cấu hiện tại của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh gồm có 35 cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động. Tổ chức dạy học và giáo dục bậc tiểu học tại trung tâm theo phương thức giáo dục chuyên biệt cho 118 học sinh khuyết tật với loại hình bán trú, trong đó có 47 em ăn ở nội trú tại trung tâm.
Giáo dục cho trẻ khuyết tật là công việc khó khăn đòi hỏi sự kiên trì, tình yêu thương với đối tượng trẻ, mong đạt tới những thành quả khiêm tốn. Qua mỗi năm dạy trẻ học cả kiến thức và kỹ năng, trung tâm lại có thêm kinh nghiệm và trải nghiệm. Những em bé khuyết tật học ở trung tâm có những khiếm khuyết khác nhau về tâm trí và cơ thể, nên gần như phải có những giáo án riêng với từng loại khuyết tật.
Giáo án lại đi kèm với giáo viên. Vì thế, tuy trung tâm chỉ nuôi dạy 118 em, nhưng phải có biên chế gần 30 giáo viên. Các cô giáo, thầy giáo dạy trung tâm thật sự vất vả, vì đây không chỉ dạy, mà còn dỗ, còn dành phần tâm huyết nhất của cô thầy để chăm sóc các em.
Giáo dục chuyên biệt ở trung tâm, nghĩ cho cùng, còn khó hơn dạy trường chuyên nên giáo viên ở trung tâm đều tự nhắc nhở mình phải hết sức cố gắng.
Mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều gia đình có trẻ khuyết tật
Guồng máy dạy học ở trung tâm đã hoạt động rất tốt trong nhiều năm nay. Trung tâm đã thực hiện phát hiện, phân loại, tư vấn và tổ chức can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trong cộng đồng với 15 trẻ ở độ tuổi mầm non. Tổ chức hướng nghiệp (nghề may công nghiệp, chế biến đồ uống) và hỗ trợ việc làm (phục vụ bán cà phê, rửa xe máy) cho người khuyết tật. Thực hiện thống kê số học sinh khuyết tật đang học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh. Hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho các học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục ở các huyện, thị, thành phố. Những em học sinh khuyết tật như khiếm thính… của trung tâm có khả năng học nghề tốt, thành nghề và làm việc để có thu nhập.
Ban giám hiệu và giáo viên ở trung tâm thầm lặng với công việc của mình. Hàng năm, hết cho học sinh cũ ra trường thì lại đón lớp học sinh mới. Cứ thế trung tâm mang lại niềm vui và hạnh phúc cho rất nhiều gia đình có trẻ em khuyết tật.
Tổng số học sinh khuyết tật trên toàn tỉnh tính đến đầu năm 2024 bậc giáo dục bậc mầm non, tiểu học, THCS là 1.927. Trong đó, số đang học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục là 1.501 học sinh. Số đang học tại Trung Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, Trung tâm Võ Hồng Sơn, Trung tâm Tâm Việt, Trung tâm Ước Mơ Xanh là 426 học sinh.
Công cuộc hòa nhập trẻ em khuyết tật vào cộng đồng vẫn đang tiếp tục. Sự nghiệp giáo dục của trung tâm là một sự nghiệp nhân đạo lớn. Ngày 20.11 hàng năm là dấu mốc để giáo viên ở trung tâm nhìn lại những việc mình đã làm và chuẩn bị tốt nhất cho những việc sẽ làm.
Bình luận (0)