Ngoài tính khả thi quá kém, hầu hết mọi người đều có chung tâm trạng, đề án này nếu có được triển khai thì cũng không tránh khỏi tình trạng "đầu voi đuôi chuột".
Bởi dự án lớn nhất, được kỳ vọng nhiều nhất để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp là gói hỗ trợ lãi suất trị giá 30.000 tỉ đồng sau hơn 6 tháng triển khai cũng mới chỉ giải ngân được khoảng 1,6% trong tổng giá trị. Vướng mắc của gói này hoàn toàn là thủ tục. Nay thì chưa có tiền lệ công chứng mua bán với nhà ở hình thành trong tương lai; mai thì địa phương không chịu xác nhận "chưa có chỗ ở" cho người có nhu cầu... Họp hành, thảo luận tới lui, vướng mắc vẫn hoàn vướng mắc. Cứ tháo được chỗ này thì lại tắc chỗ kia. Nơi kêu thừa nhà, ế căn hộ, chỗ lại than không đủ nhà giá rẻ. Từ 2 bên ngồi lại đến 3 bên rồi 4 bên (ngân hàng, chủ đầu tư, người mua và cơ quan quản lý)... cũng đã cùng ngồi lại, vậy mà tình hình vẫn không khả quan hơn.
Đó, tiền có sẵn, nhà cũng sẵn, đối tượng được mua đủ vốn đối ứng cũng không thiếu nhưng chỉ vì một "tờ giấy", việc sở hữu một căn nhà còn bị ách lại. Huống hồ chi việc người dân tự tiết kiệm bằng cách gửi ngân hàng rồi được vay lại như mô hình đề án Ngân hàng tiết kiệm nhà ở đang đề xuất...
Thở dài... không có nghĩa là VN không cần mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở, mô hình hoạt động khá hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới. Mà thở dài bởi việc triển khai, thực thi của chúng ta còn quá chậm chạp, còn "đầu voi đuôi chuột", nhất là những chương trình cho người nghèo, người có thu nhập thấp. Với cách làm thế này, người ta có quyền nghi ngờ về động cơ của những bên tham gia chương trình này.
Còn nhớ trước khi triển khai gói 30.000 tỉ, rất nhiều ý kiến phản đối việc đổ tiền "cứu" bất động sản. Để khẳng định mục tiêu giúp người thu nhập thấp có nhà ở, Chính phủ đã yêu cầu 70% giá trị gói 30.000 tỉ đồng là dành cho cá nhân vay, chỉ 30% là cho doanh nghiệp. Nhưng cá nhân vay lại vướng đủ đường như nói trên, liệu có phải vì không đạt được những mục đích riêng, gói này đã bị kìm chững lại?
Thủ tục là do con người tạo ra, tiền lệ cũng là do chính chúng ta tạo ra. Tại sao lại để nó cản trở một chương trình thiết thực của Chính phủ dành cho người dân? Vậy thì thay vì xây dựng thêm các đề án, các cơ quan có thẩm quyền nên tập trung giải quyết những vướng mắc hiện tại để đẩy nhanh việc giải ngân vốn cho người có đủ điều kiện vay ưu đãi mua nhà ở. Dự án này "chạy" hiệu quả thì việc xây dựng các đề án khác mới khả thi. Còn trong bối cảnh trì trệ này, rất khó để thuyết phục người dân về lợi ích của một dự án cùng chung mục tiêu về nhà ở khác.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)