Thơ gì làm nấy

10/02/2016 07:00 GMT+7

Trong quá trình khai phá mở mang, định hình nên một vùng đất mới, thời gian dâu bể đã khiến nhiều từ ngữ khi phát âm đã bị biến đổi so với lúc ban đầu, trở thành bản sắc riêng của vùng đất ấy.

Trong quá trình khai phá mở mang, định hình nên một vùng đất mới, thời gian dâu bể đã khiến nhiều từ ngữ khi phát âm đã bị biến đổi so với lúc ban đầu, trở thành bản sắc riêng của vùng đất ấy.

Minh họa: DADMinh họa: DAD
Bình Định là một trong những vùng đất như vậy.
Tôi có anh bạn là nhà thơ kiêm chủ doanh nghiệp. Anh kể, trong một lần phỏng vấn một bạn trẻ quê Bình Định, anh hỏi: “Trước khi quyết định nộp đơn xin vào công ty của tôi, em đã làm gì?”. Anh bạn trẻ hiên ngang trả lời: “Dạ, em làm… thơ ạ”.
Vốn là một nhà thơ cũng có nhiều người biết đến nên khi có người tự xưng là làm thơ, anh bạn trong lòng rộn ràng vui sướng, liền nêu tên mình ra và hỏi: “Em cũng làm thơ vậy có biết nhà thơ H. không?”. Anh bạn trẻ trả lời dứt khoát: “Không”. “Vậy em có thuộc tên nhà thơ nổi tiếng nào không?”. “Cũng không ạ”.
Tuy thất vọng nhưng anh cũng thầm khen, rõ ràng đây là một nhà thơ trẻ có cá tính, bởi các nhà thơ mới nổi thường chỉ thuộc mỗi thơ mình, không biết thơ người khác và không coi thơ người khác là cái đinh gì. Rồi anh hỏi sang chuyện khác: “Cha em làm nghề gì?”. “Dạ, làm thơ”. “Còn mẹ em?”. “Cũng làm thơ nốt!”.
Nghe đến đây anh bạn tôi tá hỏa. Thì ra một đại gia đình làm thơ! Anh vội đề nghị: “Em đọc cho tôi nghe một bài thơ của em xem sao?”. Anh bạn trẻ lại hiên ngang trả lời: “Em không có thuộc bài thơ nào hết”. “Thế thì em làm thơ là làm cái gì?”. “Dạ, ai thơ gì làm nấy”.
Đến lúc này, anh bạn nhà thơ mới vỗ đùi vỡ lẽ, thì ra ở một số vùng Bình Định, người ta phát âm vần Ê thành Ơ. Chẳng hạn: con dê - con dơ; con bê - con bơ; dê gái - dơ gái, đi về - đi vờ, kể chuyện - kở chuyện… Anh bạn trẻ kia "làm thuê" nhưng phát âm đúng giọng Bình Định chuẩn nên đã thành "làm thơ". Kể xong, thay vì cười hê hê như mọi lần thì anh bạn cười hơ hơ, kết luận: Cái tiếng Bình Định nhà ông hay đáo đở (đáo để).
Nghe anh kể, tôi sực nhớ trưa nọ đi ngang nhà ông kia, thấy ổng ôm micro ngồi bệt dưới đất hát karaoke giọng Bình Định không lẫn vào đâu được: "Con đường xưa im đi/Dàng lơn mái tóc thờ/Ngõ hồn dâng tái tơ..." (tạm dịch: Con đường xưa em đi/Vàng lên mái tóc thề/Ngõ hồn dâng tái tê). Hơ hơ, nghe hát thiệt là phơ, làm tôi lại nhớ bài hát “Trái tim bên lờ” quá chừng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.