Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh - một dòng sông mưa (*)

30/09/2018 09:27 GMT+7

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đưa ta về một dòng sông mưa. Mưa dịu dàng. Mưa mù mịt. Và đôi khi mưa nguồn chớp biển. Những cơn mưa của tình yêu giăng mắc sợi nhớ, sợi thương lại cuộn trào buồn đau và hạnh phúc.

Những cơn mưa theo sông xuôi về biển lớn và có những cơn mưa xoa dịu lòng ta, an ủi, vỗ về. Để rồi khi cơn mưa đã tạnh, chỉ còn lại trời xanh: “Em đi qua như áng mây bay/Không rực rỡ cầu vồng bảy sắc/Mây in đời em vào tôi xanh biếc”...
Sau dòng sông mưa là quê hương, là mẹ, là em. Một quê hương nghèo, gian khó. Một người mẹ tảo tần “Bóng mẹ gầy/lặn lội bờ sông/Đêm giá lạnh/ẵm bồng ru tiếng khóc/Nỗi niềm trôi xuôi/theo con đò dọc/Trôi cả thời thiếu nữ mẹ tôi”. Một người yêu lặng lẽ âm thầm phận bạc, vậy mà ám ảnh hồn thơ anh đến kiệt cùng trăn trở: “Em đâu phải hồng nhan/Mà trời trao phận bạc/Thơ tôi không làm thêm nhan sắc/Em cứ lặng thầm mà chín vào trong...”.
Mỗi nhà thơ đều có một khởi điểm vui buồn. Nỗi niềm quê trĩu nặng đã khơi dậy hồn thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: “Xin nối sợi dây gàu cho lòng bớt cạn/Tôi múc ánh trăng về làm thơ...”. Ánh trăng quê và những cơn mưa quê đã mang tới cho anh thứ ánh sáng dịu dàng và tắm mát tình yêu thương của con người.
Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh thường không nói lý mà chỉ nói tình; không làm mới câu thơ bài thơ bằng nhịp điệu lạ hay ngôn ngữ mới mà nó chảy ra tự nhiên trên một cái nền gần như quen thuộc vốn có như lục bát đồng dao... Vậy mà nhiều bài thơ của anh cứ đi vào hồn ta ứa lệ. Những đề tài, tứ thơ anh chọn cũng nào có lạ gì đâu, đấy là bến quê con đò, mẹ cha, tình yêu, lời ru, bầu bạn, nhưng nhiều câu thơ cứ ngọt ngào kết mật khiến tôi nhớ đến cái chảo nấu mật mía một lần ngang qua xứ Quảng. Những câu thơ như đang hát bên một dòng sông xa xăm đâu đó: “Mưa nào buồn như mưa trên sông/Lúa nào xanh như lúa trên đồng” hay “Con đường quê dài như đời mẹ/Tuổi thơ buồn trôi giữa mù khơi”...
Những câu thơ ùa ra từ một cái ngõ quê nho nhỏ đến nỗi chỉ một người đi mà ai đã từng là người nhà quê hẳn vẫn còn ám ảnh: “Em có về quê tôi em nhớ/Mỗi con đường chỉ vừa đủ em đi”. Những câu thơ như thế cứ ùa vào ta một cách tự nhiên rồi ở lại cùng ta bao giờ chẳng biết. Riêng khi đọc bài thơ Dưới trăng cùng Kazik “khang khác” của Nguyễn Ngọc Hạnh đăng trên báo Văn Nghệ, tôi rất thú vị với cuộc trò chuyện dưới trăng của nhà thơ cùng kiến trúc sư người Ba Lan bên chân tháp trong một không gian huyền thoại trữ tình với cấu trúc đa chiều, độc thoại.
Đến tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh có sự sắp xếp giản dị, tinh gọn, bớt đi những đồ vật thừa, những đồ chưng diện không cần thiết, thơ cách tân hơn so với trước. Dám vứt bỏ là dám đi tới mình, mặc dù điều ấy là không dễ dàng.
(*) Đọc Phơi cơn mưa lên chiều - Nguyễn Ngọc Hạnh (NXB Hội Nhà văn 2018)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.