Thổ Nhĩ Kỳ du ký - Kỳ 1: Thủ đô của thế giới

06/10/2014 02:20 GMT+7

“Nếu thế giới này là một đất nước, Istanbul sẽ là thủ đô”, câu nói đó của hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte bây giờ không chỉ được người Istanbul mà cả Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ nhắc đến như slogan của ngành du lịch.

  Xe ngựa, phương tiện đi lại chủ yếu trên đảo Hoàng tử
 Xe ngựa, phương tiện đi lại chủ yếu trên đảo Hoàng tử - Ảnh: N.T.T

Đó là cách nói của Napoleon Bonaparte, còn dựa trên các tiêu chí đề ra, lần lượt qua các năm, Istanbul nhận được các danh hiệu: Thủ đô văn hóa thế giới, Thành phố toàn cầu, Đứng đầu danh sách 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới...

Chuyến bay của Turkish Airlines khởi hành từ Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lúc 20 giờ 25, đúng 10 tiếng sau đã đến Istanbul. Theo giờ Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) lúc đó vừa rạng sáng nhưng chẳng ai thấy mệt mỏi, trái lại, háo hức muốn đi đến các điểm tham quan ngay dù ở đây bắt đầu làm việc từ 9 giờ sáng.

Á sang Âu chỉ cách một cái cầu

Không háo hức sao được khi Istanbul là thành phố lớn nhất của TNK, và là một trong những thành phố lớn nhất thế giới với 13,5 triệu dân. Hơn thế, Istanbul nguyên là kinh đô thứ hai của đế quốc La Mã - Hy Lạp, có một nền văn hóa cổ xưa thâm hậu. Ngày nay, thành phố này vẫn là nơi giàu có thịnh vượng về kinh tế - thương mại, theo thời gian càng có nhiều danh hiệu được gắn thêm.

Istanbul nằm về phía đông bắc TNK, trên trục giao thương hàng hải bận rộn nhất ở giữa biển Marmara và biển Đen, nối liền hai lục địa Âu và Tiểu Á (Asia Minor). Vì vậy, đến Istanbul, chúng ta có thể ngủ khách sạn ở châu Âu và chỉ qua một cái cầu là có thể đến khu mua sắm ở châu Á.

Từ sân bay về thành phố, đi qua một chiếc cầu có rất nhiều người đứng câu cá trong ánh bình minh. Ở đây, người ta cho xe dừng lại trên cầu một thời gian nhất định để du khách có thể thuê cần câu và câu cá. Tất nhiên là để chụp ảnh nhiều hơn để… câu. Cầu Galata chỉ dài chừng 500 m, không có gì đặc sắc về kiến trúc nhưng tràn đầy cảm xúc, người ta nói rằng các nghệ sĩ mê mải sáng tác về cầu Galata bởi cảm hứng mà Galata tạo ra không bao giờ cạn.

 Du khách trên đảo Hoàng tử
 Du khách trên đảo Hoàng tử

Qua cầu, tức là từ Á sang Âu, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt du khách là những tòa nhà mái vòm kinh điển nguy nga; nhìn trên sông và bờ biển, du thuyền đậu san sát; ngoài xa, tàu trọng tải lớn đi lại như con thoi. Chúng tôi phải chờ xếp hàng để vào điểm tham quan đầu tiên vì đã có rất nhiều người đến trước. Quảng trường Hippodrome-Egyptian Obelisk được xây dựng năm 203 bởi hoàng đế La Mã Septime Sévèse có sức chứa 40.000 chỗ ngồi cho khán giả. Xưa kia, đây là nơi diễn ra những trận đấu của các võ sĩ, những cuộc đua xe ngựa, những buổi lễ tôn vinh các hoàng đế.

Tiếp đến là cung điện Topkapi nằm trên đồi cao. Đây là nơi cư ngụ và thiết triều của đế quốc Ottoman trong khoảng 400 năm trị vì của họ. Hầu như mọi thứ trong hoàng cung vẫn còn nguyên vẹn. Đây là một nơi cực kỳ thú vị cho chúng ta hình dung cuộc sống của những vị quốc vương xứ Hồi giáo đầy quyền uy từng làm chủ cả một vùng rộng lớn của đế quốc Ottoman từ Trung Đông tới Bắc Phi. Muốn xem cho tường tận chắc phải tốn vài ngày để đi từ hậu cung, cung điện, thánh đường… chiêm ngưỡng các hiện vật cổ quyền uy và mỗi hiện vật là một kiệt tác của con người. Xin điểm qua: các ngai vàng làm bằng vàng khối; thanh gươm của quốc vương Suleyman Magnificent có nạm ba viên ngọc lục bảo; hai chân đèn to lớn làm bằng vàng, mỗi cây nặng khoảng 50 kg; một rổ ngọc lục bảo gồm mấy chục viên ngọc lớn; viên kim cương nặng 86 carat tên Spoon Maker’s, xung quanh có thêm 49 viên nhỏ khác… Thích nhất, phòng trưng bày các loại đồng hồ cổ, chỉ tiếc ở đây không cho chụp ảnh và lúc nào cũng có một người bảo vệ đeo súng ngắn đi kè kè. Khó có thể ghi lại hết những điều thú vị về thành phố mà mỗi nơi đều là một điểm du lịch này.

Điều làm du khách thấy khoáng đạt nhất có lẽ là khi đi du thuyền trên sông để ngắm hai bờ Âu - Á và chuyến đi ra quần đảo Hoàng tử. Đó là một nhóm 9 đảo trong biển Marmara. Đảo lớn nhất là Buyukada, xung quanh biển xanh ngắt, trên là đồi thông, hai bên những con đường uốn lượn đều có biệt thự. Trên đảo phương tiện đi lại gồm xe ngựa, xe điện và xe đạp. Chỉ có ô tô cấp cứu và xe hơi của cảnh sát nhưng rất hạn chế.

Khó có thể ghi lại hết những điều thú vị về thành phố mà mỗi nơi đều là một điểm du lịch này.

Nguyễn Thế Cường  
Trong buổi tiếp xúc với đoàn các công ty du lịch VN và đối tác là Turkish Airlines, Tập đoàn Dorak, Đại sứ VN tại TNK Nguyễn Thế Cường (ảnh) hoan nghênh sự hợp tác của hai bên trong lĩnh vực du lịch khi tour du lịch được các công ty chào bán với giá tốt nhất có thể (chưa đầy 40 triệu đồng với khách sạn 5 sao).

Đại sứ nhận định, chúng ta nên học cách làm du lịch của TNK vì có những sự tương thích nhất định về con người và văn hóa. Ông cũng khẳng định, Đại sứ quán VN làm hết sức để TNK sẽ là cầu nối trực tiếp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang thị trường vùng Nam Âu - Tây Á.

Đó là một thị trường rộng lớn mà chúng ta nên có chiến lược để “chia sẻ” với thị trường Trung Quốc nhằm chủ động hơn trong xuất khẩu.

Nguyễn Thế Thịnh

>> Nỗ lực Thổ Nhĩ Kỳ
>> Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đắc cử tổng thong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.