Thổ Nhĩ Kỳ ngừng phản đối Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO

29/06/2022 06:48 GMT+7

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28.6 đồng ý ủng hộ việc kết nạp hai nước Bắc Âu vào NATO, đột phá giúp phá vỡ tình thế bế tắc bao trùm hội nghị của các nhà lãnh đạo liên minh ở Madrid .

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển ký kết thỏa thuận trước sự chứng kiến của lãnh đạo chính phủ các nước này và tổng thư ký NATO ngày 28.6

dpa

Sau nhiều tuần nỗ lực ngoại giao và nhiều giờ đàm phán trong ngày 28.6, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết lãnh đạo Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận chung nhằm giải quyết những điều kiện của Ankara để hai nước Bắc Âu có thể gia nhập NATO, AP đưa tin.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã "có được những gì mình muốn" bao gồm "sự hợp tác đầy đủ… trong cuộc chiến chống lại" các nhóm nổi dậy.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cùng ngày thông báo "hiện chúng tôi đã có được một thỏa thuận mở đường cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO", gọi đây là "quyết định lịch sử".

Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO

Theo ông Stoltenberg, các nhà lãnh đạo của liên minh 30 quốc gia sẽ chính thức đưa ra lời mời gia nhập đối với hai nước vào ngày 29.6. Quyết định này phải được quốc hội tất cả các quốc gia thành viên NATO phê chuẩn, nhưng ông cho biết ông "hoàn toàn tin tưởng" Phần Lan và Thụy Điển sẽ trở thành thành viên, việc có thể xảy ra trong vòng vài tháng.

Phần Lan và Thụy Điển đã đệ đơn gia nhập NATO, từ bỏ lập trường trung lập lâu nay, vì những lo lắng về an ninh quốc gia nảy sinh sau khi Nga đưa quân sang Ukraine từ cuối tháng 2. Tuy nhiên, họ đã vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, một trong 30 thành viên hiện tại của NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ ca ngợi thỏa thuận ngày 28.6 là một chiến thắng, nói rằng hai quốc gia Bắc Âu đã đồng ý trấn áp các nhóm mà Ankara coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, bao gồm đảng Lao động người Kurd, hay PKK, và một nhánh của nhóm này ở Syria, tức YPG.

Việc mà Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Phần Lan và Thụy Điển chứa chấp thành viên các nhóm này là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến Ankara phản đối hai nước gia nhập NATO, theo các tuyên bố công khai.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Phần Lan và Thụy Điển cũng đồng ý "không áp đặt các hạn chế trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng" đối với Ankara và thực hiện "các bước cụ thể về việc dẫn độ tội phạm khủng bố".

NATO tăng quân số lực lượng phản ứng nhanh lên gấp 7 lần

Trước đó, Ankara đã yêu cầu Phần Lan và Thụy Điển dẫn độ các cá nhân bị truy nã và dỡ bỏ các hạn chế vũ khí được áp đặt sau cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào đông bắc Syria năm 2019.

Các lãnh đạo của 30 quốc gia NATO sẽ nhóm họp tại Madrid, Tây Ban Nha, trong hai ngày 29-30.6.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.