Nhọc nhằn đời “thợ săn”
Sớm tinh mơ một ngày đầu xuân, từng cơn gió bấc chướng nghịch mùa vẫn thổi bần bật dọc bãi biển xã Tri Hải (H.Ninh Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) mang theo hơi lạnh tê người của tiết giao mùa. Trên ghềnh đá lởm chởm sát mép nước, 5 thanh niên tuổi 23-25 ngồi quây quần hút thuốc lá và chia nhau từng tách trà nóng, đặc quánh. Cạnh đó, chiếc máy bơm hơi loại nhỏ và những ống nhựa cỡ ngón tay trỏ dài đến vài trăm mét, được cuộn tròn gọn ghẽ. Họ là những “thợ săn” tôm hùm giống vùng biển này. Khi chúng tôi đến, cũng là lúc những chàng trai bắt đầu một ngày làm việc mới.
Bốn người trong số họ lặng lẽ đứng dậy, mặc chiếc áo nhái bó sát, gọn ghẽ, nịt thêm chiếc thắt lưng chì (khoảng 5-6 kg), trong lúc người còn lại nhanh chóng khởi động máy bơm hơi và điều chỉnh “ga-răng-ti”. Khi những ống nhựa được lần lượt gắn vào bình cấp khí ô-xy của máy, bốn “thợ săn” tôm, mỗi người một đầu ống, luồn vào thắt lưng, đưa lên miệng và chỉnh lại chiếc kính lặn trên đầu rồi nhanh chóng đi thẳng ra biển, bất chấp cả rét buốt của gió và băng lạnh của từng con sóng vỗ bờ trắng xóa. Hai phút... ba phút... năm phút, bóng dáng những người “thợ săn” càng lúc càng xa, thấp dần rồi mất hút giữa mênh mông trời nước. Hỉ - chàng trai trẻ ở lại canh chừng máy - nói đùa với chúng tôi rằng các bạn anh giờ đang “chiến đấu” để truy bắt lũ tôm hùm con ẩn nấp quanh các rạn san hô.
Theo một số ngư dân, từ đây đến cuối tháng 2 (âm lịch) là thời gian để những “thợ săn” tôm ra quân. Muốn bắt được tôm, “thợ săn” phải lặn sâu xuống nước khoảng 3-4m, luồn lách vào những rạn đá, dùng que sắt nhỏ có móc nhẹ nhàng chọc vào từng kẽ đá, luồn dưới bụng tôm, kéo ra ngoài, bắt gọn. Tùy theo sức khỏe, mỗi “thợ săn” có thể ngâm mình dưới nước hơn 2 giờ, thậm chí 2-3 giờ. |
Gần giữa buổi, cách mép biển độ 30m, một thanh niên “đội nước” đứng lên, chậm rãi lội sóng vào bờ. Từ trên gộp đá, Hỉ nhảy phóc xuống doi cát bên dưới, đón người vừa... từ trùng dương trở về, hỏi dồn: “Được không Tư?”. Nụ cười khá tươi, chàng “thợ săn” trẻ tên Tư đưa cao chai nước - bên trong là hai con tôm hùm cỡ bằng đầu đũa, dài khoảng hơn hai phân - hồ hởi: “Thắng rồi, một chú sao và một thằng xanh” (tôm hùm sao, tôm hùm xanh - PV). Tư quê Phú Yên, sống ở Ninh Hải hơn 10 năm nay với người chú họ. Anh có thâm niên hơn 3 năm trong nghề lặn tôm hùm giống, mặc dù chỉ mới 24 tuổi. Nhóm “săn tôm” của Tư có 3 người, làm thành một “hội - ăn đồng chia đều với nhau”. Với “chiến lợi phẩm” trong tay, Tư đi thẳng về phía một thương lái đang ngồi đón hàng trên gộp đá cao, cách mép biển không xa.
Khi trúng mánh, lúc trắng tay
Từ tinh mơ đến gần đứng bóng, mỗi thợ thực hiện ít nhất 2 chuyến săn bắt. “Bữa nào ai bắt được vài con sao (giá bình quân 90.000 - 100.000 đồng/con), xem như trúng mánh, hay đôi con hùm xanh, hùm đỏ (40.000 - 50.000 đồng/con) cũng đủ sở hụi. Bằng không chỉ cần vài người trong nhóm trắng tay thì ngày đó coi như húp cháo vì phải chi phí cho việc đi lại, ăn ở trọ...”, Hùng - thành viên nhóm của Tư - không giấu giếm. Theo lời Hùng, nghề lặn tôm hùm giống được một số thanh niên vùng Tri Hải, Nhơn Hải học được từ bạn chài ở các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên từ gần chục năm trước. Lúc đầu, những người như Tư, Hỉ, Nam... lặn bắt tôm giống ven ghềnh đá của xã, chủ yếu bán cho người nuôi tôm hùm bằng lồng bè ở huyện Vĩnh Hải, tỉnh Ninh Thuận; một số ít giao cho thương lái một số tỉnh như Khánh Hòa, Phú Yên.
“Hồi đó, mỗi tháng đứa nào cũng kiếm được 3-4 triệu đồng. Bây giờ khó sống lắm, tôm con thì ngày càng ít đi, nhưng người lặn thì gấp đôi, gấp ba. Nhưng thôi, chim trời cá nước mà...”, Hỉ phân bua như tự an ủi mình.
Vũ Lê
Bình luận (0)