Chính quyền địa phương đau đầu vì không biết xử lý ra sao, cho đến khi những thợ săn trâu hoang chuyên nghiệp xuất hiện...
Người dân ở nhiều vùng bán sơn địa của Quảng Trị từ xưa có thói quen chăn thả rông trâu nhà. Nhiều nhất là ở khu vực rừng núi thâm u thuộc xã Mỹ Chánh (H.Hải Lăng), xã Triệu Ái (H.Triệu Phong), xã Cam Tuyền (H.Cam Lộ) hay khu vực Khe Lấp (P.3, TP.Đông Hà)... Tại đó, trâu không bị xỏ mũi mà được sống tự do, buổi tối ngủ luôn ngoài rừng. Rất nhiều con trong số đó bị lạc hoặc tách đàn và trở thành trâu hoang.
Cuộc vây ráp trên đồi máu
Đàn trâu hoang 9 con từng xuất hiện tại khu vực rừng núi thuộc đồi Máu (xã Cam Tuyền, H.Cam Lộ) hồi tháng 5.2016 đã gây chấn động dư luận, khi liên tục tấn công người đi rừng. Có 5 nạn nhân, trong đó một người bị trâu húc đến thủng phổi, vỡ gan...
UBND xã Cam Tuyền đã phải ra văn bản chưa có tiền lệ: “cầu cứu” cơ quan chức năng xử lý trâu hoang. Các phương án xử lý đều “vướng”: xua đi nơi khác thì chúng vẫn tấn công người, dùng súng bắn thuốc mê lại quá tốn kém (3 triệu đồng/liều), dùng súng bắn đạn thật thì khi nghe tiếng nổ chúng sẽ bỏ chạy đi nơi khác hoặc hung tợn hơn... Sau nhiều cuộc họp, phương án tìm thợ săn đặt bẫy trâu hoang nhận được sự đồng thuận cao nhất.
|
Nhưng vấn đề là tìm thợ săn ở đâu?
Khi chính quyền đang vừa lo tìm thợ săn vừa lo đàn trâu hoang sẽ tiếp tục gây họa, thì một nhóm người tình nguyện xin “đối đầu” với trâu. Họ đến từ TT.Ái Tử (H.Triệu Phong, Quảng Trị), gồm Lê Minh (khi đó 56 tuổi), Lê Văn Cảnh (29 tuổi, con trai ông Minh), Trần Đức Hùng (44 tuổi) và Trần Đức Hiếu (33 tuổi). Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền lúc đó là ông Hoàng Liên Sơn khi đặt bút ký vào hợp đồng với nhóm thợ săn đã không quên cảnh báo: “Đây là đàn trâu rất hung tợn, các anh nhắm có làm được không? Chết người chúng tôi không chịu trách nhiệm”.
Đáp lại, ông Minh, trưởng nhóm thợ săn, nói chắc nịch: “Trâu càng dữ chúng tôi bắt được càng... sướng. Bắt được, chúng tôi lấy 60% giá trị, nếu thất bại sẽ tự động thu dọn ra về, tự chịu mọi phí tổn bỏ ra”.
Một buổi sáng đầu tháng 8.2016, nhóm thợ săn lầm lũi tiến vào đồi Máu, mang theo dây cáp sắt, bẫy sắt hình chóp, mỏ neo, búa tạ, xẻng, cuốc... Họ đặt khoảng 50 cái bẫy tự chế gần nguồn nước, nơi đàn trâu hoang dễ tìm đến. Khi trâu giẫm trúng bẫy, càng giãy giụa thì dây cáp càng rút lại, siết chặt hơn.
Sau 7 ngày rình rập, 2 con trâu đầu tiên sa lưới, con lớn nặng 6 tạ, con nhỏ 4 tạ. Một tháng sau đó, nhóm thợ săn lần lượt bẫy được thêm 5 con trâu hoang. Cuối tháng 9 năm đó, họ rút khỏi đồi Máu khi vẫn còn 2 con trâu hoang lẩn khuất. Ông Minh cho rằng cặp trâu hoang 1 đực, 1 cái ấy đã đi khỏi khu vực.
|
Đừng nghĩ “ngu như trâu”
4 năm sau cuộc săn ở đồi Máu, phóng viên gặp lại ông Minh và ông Hùng, 2 trong 4 thợ săn dạo nọ, vào những ngày cận kề năm Tân Sửu. Lão thợ săn Minh đang phụ vợ bán quán bún nhỏ ven quốc lộ 1 đoạn qua TT.Ái Tử. Cách nhà ông Minh không xa, ông Hùng hiện là chủ một tiệm bánh mì.
Mẹo thoát hiểm khi gặp trâu dữÔng Lê Minh “bật mí” kinh nghiệm cho những người đi rừng không may gặp trâu hoang, hung dữ: mặc 2 lớp áo. “Cứ tưởng tượng như đấu bò tót thôi. Khi nó lao đến, ta sẽ cởi và tung cái áo bên ngoài lên, nó sẽ nhắm vào cái áo để húc chứ không húc ta. Đây là thời gian để ta leo lên cây nào ở gần đó và thoát thân”, ông Minh nói.
|
Riêng với ông Minh, máu nghề vẫn hừng hực. Ông lớn lên ở Ba Lòng (H.Đakrông), vùng núi rừng rậm rạp, nên từ nhỏ đã chuyên “làm Thạch Sanh”, sáng sáng vác rìu vác nỏ đi rừng. Đến năm 1996, ông đưa vợ cùng 5 con về Ái Tử sinh sống, xa chốn rừng rú.
Nhưng cái nghiệp vận vào thân. Năm 1999, ông trở lại làm thợ săn lần đầu tiên khi hành quân vào Mỹ Chánh (H.Hải Lăng) và tóm gọn 5 con trâu hoang. Những năm sau đó, ông Minh và nhóm cộng sự của mình đã quần thảo nhiều vùng rừng núi để buộc hàng chục con trâu hoang “quy phục”. Suốt ngần ấy thời gian, nhóm của ông chưa bao giờ bị thương tuy cũng lắm bận phải chạy trối chết, phải leo lên ngọn cây mới thoát được sự tấn công của bầy trâu hung dữ.
“Câu “ngu như trâu” chỉ có thể đúng với trâu nhà, chứ trâu hoang thì hoàn toàn sai. Chúng thực sự rất khôn và mình phải hiểu được chúng mới bắt được. Nghĩ nó ngu và chủ quan là mình sẽ chết với nó”, ông Minh chia sẻ.
“Nhưng trâu hoang có khôn đàng giời thì cũng phải uống nước. Mình cứ đặt bẫy ở khu vực nguồn nước, bẫy nằm dưới bùn khoảng 4 phân, rồi chúng sẽ mất cảnh giác và sa chân”, ông Minh bật mí. Tuy vậy, trâu mắc bẫy là một chuyện, khống chế được chúng hay không lại là chuyện khác. “Đây là công đoạn nguy hiểm, phải lựa thế để cột sừng, cột chân chúng lại. Nếu sơ hở chúng lồng lên húc chết...”, ông nói.
Chia sẻ thêm về “nghề”, ông Minh bảo 4 năm trở lại đây phần vì lớn tuổi, phần vì tính pháp lý của nhiều vụ nhờ bắt trâu hoang chưa đảm bảo (chỉ thực hiện khi chính quyền đồng ý) nên ông cùng cộng sự không “xuất chiêu” nhiều, dù lời mời đến từ nhiều nơi, kể cả bên nước bạn Lào. “Nghề nào thì cũng để mưu sinh, riêng nghề bắt trâu hoang của tôi ít nhiều cũng nghĩ tới cộng đồng. Chỉ khi đàn trâu hoang quá hung bạo, hại người... chúng tôi sẽ đến trừ họa cho dân”, ông Minh nói.
Bình luận (0)