Thơ và mì Quảng

05/05/2015 05:46 GMT+7

Thoạt nghe, hai món thơ và mì Quảng thật khó dung hợp nhau. Thế nhưng với ông chủ quán mì sau đây thì hai món đó lại là một.

Thoạt nghe, hai món thơ và mì Quảng thật khó dung hợp nhau. Thơ thuộc phạm trù hình nhi thượng, nói lên tình cảm và trí tuệ của con người thông qua ngôn ngữ nghệ thuật; mì Quảng thuộc phạm trù hình nhi hạ, chỉ nhằm đáp ứng đòi hỏi của cái bao tử. Thế nhưng với ông chủ quán mì sau đây thì hai món đó lại là một.
>> Đậm đà tô mì Quảng ếch
>> Mì Quảng “sợi nhớ, sợi thương” và những quán ngon ở Đà Nẵng

Ông tên là Phạm Thanh Phương, sinh năm 1958, có vợ là Phạm Thị Thu Thủy; có một mẹ già, hai người con, hai người cháu; cùng ngụ thôn Long Bình (xã Tam Nghĩa, Núi Thành, Quảng Nam). Học xong lớp 9, ông nghỉ học, xin đi làm nhân viên ngành đường sắt.

Làm vài năm, ông Phương bèn xin nghỉ, về quê mở quán mì Quảng. Cái quán nghèo trên trảng cát Long Bình ngày nào không ngờ lại hanh thông thời vận. Huyện Núi Thành phát triển, nhà nước mở thêm tuyến bay Chu Lai. Quán mì chỉ cách sân bay trên dưới 1 cây số. Các cơ quan đoàn thể của xã Tam Nghĩa lại thường đến ăn trưa. Vậy là quán mì Long Bình phát đạt.

 Thơ và mì Quảng 1
Ông Phương và bà Thủy bưng mì cho khách

Khởi đầu, ông Phương… làm thơ. Thơ của ông chơn chất, giản dị như lời ăn tiếng nói của người Quảng Nam, chủ yếu là thơ lục bát, chỉ nhằm… quảng cáo cho mì Quảng của mình. Bưng tô mì ra cho khách, ông Phương đọc ngay: “Về đây, thăm quán Long Bình/ Ăn tô mì Quảng cho mình thêm vui/ Dù đi công chuyện ngược xuôi/ Chu Lai về nhớ tới lui Long Bình”. Ban đầu, thực khách còn ngỡ ngàng với chuyện thơ phú, nhưng nghe ông đọc miết thấy quen, quen rồi lại đâm ghiền. Khách hỏi mì Quảng có những nguyên liệu ngon gì, ông ứng tác ngay tại chỗ: “Long Bình mì Quảng ngon ghê/ Ăn rồi thử hỏi còn chê chỗ nào/ Tôm rim cùng với thịt xào/ Gà ta chặt miếng món nào cũng ngon/ Rau sống tươi, bánh tráng giòn/ Quán ăn đặc biệt tiếng đồn gần xa”.

Quả thật, mì quán này khá ngon, có thể trở thành số 1 ở Núi Thành. Vừa ăn mì, vừa nghe chủ quán đọc thơ, khách cao hứng nên nhiều khi cũng làm thơ với chủ quán cho xôm trò. Một người khách sau khi kiểm chứng các vật liệu ngon của quán, làm thơ đề nghị: “Mì Quảng có chút giấm nuôi/ Ăn vào nó… xả cái xui trong mình”.

Ông Phương nghe đúng quá, bèn bổ sung thêm món giấm nuôi. Ông giám đốc sân bay Chu Lai – khách ruột của quán này, có khi cũng đã định đổi món. Đổi món vài lần, ông phải công nhận: “Sáng nay định đổi thực đơn/ Loanh quanh vài chỗ chẳng hơn Long Bình!”. Ông Phương sướng tê cả người, làm thơ tặng… vợ: “Long Bình vợ nấu chồng bưng/ Mì Quảng ngon miệng chủ mừng, khách vui”. Rồi ông khẳng định uy tín “thương hiệu” của mình: “Khách hàng là thượng đế/ Đi trễ không có ghế!”.

Trước nhà, ông Phương trồng một cây sanh, dáng cây khá đẹp. Có vị khách đi xe hơi vào ăn mì, ngỏ ý muốn mua đem về thành phố trồng với cái giá khá cao. Ông Phương dứt khoát không bán cây sanh: “Có người từ thành phố/ Hỏi mua cây sanh già/ Cây sanh của làng ta/ Bao năm rồi vẫn hát/ Cây sanh che bóng mát/ Cho tuổi thơ nhảy dây/ Cây sanh của làng ta/ Cây sanh nay đã già/ Mua chi về thành phố/ Thành phố thiếu gì hoa?”. Ông khách chưng hửng, ra đi.

Sự nghiệp buôn bán hanh thông, nhưng lâu lâu cũng xảy ra chuyện tức cười. Huyện Núi Thành có thêm một bệnh viện mới do các bạn Hàn Quốc xây dựng. Có bệnh viện, ông Phương yên tâm hơn về… mì Quảng của mình.

Khách đến ăn thấy rau sống tươi nhưng sợ nước rửa rau không được sạch, ông Phương động viên họ: “Chào mừng du lịch quốc gia/ Chu Lai điểm đến ghé qua Long Bình/ Về đây với cả tâm tình/ Ăn tô mì Quảng đời mình lên hương/ Núi Thành lên viện trung ương/ Ăn lỡ… đau bụng, nhà thương cũng gần”. Tuy nhiên, ông Phương cũng không quên nhắc nhở khách thận trọng khi ăn món mì gà, bởi thịt gà còn xương: “Trong tô có mấy cục xương/ Khi ăn cẩn thận, nhà thương không cần”.

Có những sự cố đậm hơn khiến ông Phương bối rối. Ông vẫn luôn tự động viên mình: “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho… lòi tiền ra” nhưng có nhiều khách quên đem tiền, lấy cái gì mà lòi? Trong trường hợp đó, ông Phương bó tay, không làm chi được: “Quán nghèo thấy khách bước vào/ Là mừng khấp khởi như đào gặp tiên/ Uống ăn kêu réo liên miên/ Ăn rồi thiếu chịu muốn điên cái đầu”. Thơ ông Phương phải xuống thang một bậc: “Bán mì mà nói chuyện vui/ Thì ai cũng thích tới lui quán này”.

Thế nhưng, cũng có vị khách chê mì, cho rằng ông nấu quá dở. Ông Phương tự trào: “Thèm mì, ghé xuống Long Bình/ Ăn rồi, đứng dậy làm thinh… ra về/ Nói ra thì sợ bị quê/ Mì làm quá dở mà mê nỗi gì”. Còn trường hợp sau đây thì ông nhận được tiền mà lòng không vui lắm: “Thương nhau múc bát chè xanh/ Làm tô mì Quảng mời anh ăn cùng/ Ăn xong, cái bụng lùng bùng/ Trả tiền nóng mặt, nổi khùng muốn gây”.

Thơ của ông Phương khá giàu tính hài hước. Hôm tôi đến quán mì gặp lúc ông bưng mì mời mẹ ăn sáng. Ông đọc thơ: “Mẹ già như chuối chín cây/ Mẹ còn mấy chỉ đưa đây cho rồi”. Bà cụ nghe con trai giỡn, cười xòa. Anh Sơn – cán bộ Văn phòng thành phố Tam Kỳ, giới thiệu tôi với ông Phương: “Ông này là Vũ Đức Sao/ Biển là nhạc sĩ, người nào cũng thương”.

Ông Phương vui vẻ bắt tay tôi, rồi đọc: “Đi đâu nhạc sĩ cứ đi/ Về Chu Lai nhớ ăn mì của em”. Tôi cẩn thận, gài một nước cờ: “Đôi khi, trong túi không tiền/ Ăn xong ghi chịu, đừng phiền tôi nghe”. Ông Phương cười ha hả: “Ăn xong, nhớ uống nước chè/ Đi xe đời mới (mà) nói nghe thất cười”.

Năm 2013, ông Phương và vợ tân trang quán mì, xây cái sảnh 105 mét vuông, giá trên trăm triệu đồng. Ông giám đốc sân bay Chu Lai khen: “Quán mì xây lại khang trang/ Cốt là phục vụ khách hàng tốt hơn”. Mà ở đây tốt thiệt, cứ tô lớn 20.000 đồng, tô nhỏ 15.000 đồng; khách ra vào nườm nượp.

Thấy mình có tuổi, ông Phương và vợ truyền nghề lại cho hai người con. Bà Thủy thấy hai con chăm chỉ theo nghề bán mì Quảng thì lòng rất mừng. Bà cũng… làm thơ: “Chồng tôi rất thích làm thơ/ Lúc nào cũng thấy ngẩn ngơ thế nào/ Từ nay, tôi rất tự hào/ Các con tôi chẳng đứa nào làm thơ”.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.