Bằng, 37 tuổi, quê Sơn La kể: “Bọn tôi mới sang đây được một tháng. Ở nhà anh em ký 260 USD lương thợ, 8 tiếng một ngày. Bây giờ công ty lại trả 260 LYD (đồng dinar Libya), tương đương 208 USD. Ký tiền đô, lại nhận tiền LYD, còn bị trừ thuế vùng 20%”.
Trại Ahua (Tripoli) nơi 91 công nhân VN đang làm thuê cho Công ty Ahua, chủ Bồ Đào Nha, công nhân Đại, 26 tuổi, quê Ninh Bình cho biết: “Khi bay, chúng tôi ký là 260 USD lương thợ, làm 8 tiếng một ngày. Làm 4 tháng 11 tiếng 1 ngày thì 2 tháng công ty giữ lương, 2 tháng trả gộp được đúng 600 LYD, tính ra bằng 240 USD một tháng, chưa được lương cơ bản. 3 tiếng làm thêm mỗi ngày không được trả”.
Một trường hợp khác: làm việc được 7 tháng mà có đến 3, 4 tháng anh Quyền, thợ ống nước công trường Souq Al Ahad, phải đi đòi tiền công bị tính thiếu. Tháng 2.2010, anh mất công 2 ngày chủ nhật. Tháng 3 đi đòi không được thì tháng 4 lại mất liền 6 ngày. “2 ngày chủ nhật là gần 40 USD, 6 ngày kia là gần 80 USD. Hỏi đốc công Tây thì không biết tiếng. Hỏi điều phối viên VN thì họ “Ừ!” rồi thôi”. Tháng 5 sau đó, bất lực nhìn bảng chấm công, Quyền trở về phòng trách “giời ở xa”: “Thôi, hết cách rồi. Số đen thì phải chịu vậy”.
Chuyện thường gặp là khi công ty hết việc, người lao động bị chủ doanh nghiệp thuê sang tay. “Tất cả có 19 công nhân VN. Chúng tôi làm ở trại bên Benghazi được năm rưỡi hợp đồng thì công ty hết việc, hằng ngày đi ra công trường chỉ nhặt rác và dọn dẹp vệ sinh. Công trường bị đình chỉ thi công, bên A không rót vốn. Sau đó công ty đang làm đưa về. Bây giờ lương của tôi phải chuyển qua 2 chặng mới về đến VN, từ công ty bên này, lại chuyển sang công ty bên ấy, công ty bên ấy lại chuyển về VN. Hợp đồng chưa được bán hẳn cho công ty này. Làm công việc như nhau nhưng vì ký hợp đồng khác nên mình kém lương anh em tầm 100 USD” - anh Đẩu, hiện đã chuyển về trại Souq Al Ahad được 4 tháng, kể.
|
“Nói chung đi Tây này nó như đánh bạc. May thì được vào trại ngon, lương cao, số đen thì lương kém, hết 2 năm về không ra gì mấy.” Câu nói này của công nhân tên Trọng, 24 tuổi, thợ trát trại Souq Al Ahad. Nhưng có thực là do số?
Đục nước béo cò
Cấn Văn Chiến, 24 tuổi, quê Hà Tây cũ, hiện đang là thợ mộc tại công trường Souq Al Ahad, kể lại chuyện đi xuất khẩu lao động hệt như... trèo núi Ba Vì.
Năm 2006, Chiến định đi Malaysia, rục rịch đi học tiếng 3 tháng, xong rồi lại không được. Chuyển sang chạy đi Đài Loan theo cửa một công ty ở đường Láng, Hà Nội. Chờ mãi lâu quá, bỏ. Một đợt chạy mất 10 triệu cho “cò” giả, bảo là có suất đi Tiệp. Năm 2007, Chiến thi thợ sắt đi Dubai. Thi đậu và nộp 25 triệu đồng nhưng cầu cạnh, thấp thỏm chờ đợi suốt không được gì. Ở nhà vay lãi mỗi tháng hết 1 triệu đồng mà 4, 5 tháng không bay được, sau Chiến lên công ty đòi rút tiền về không đi nữa. Lúc ấy môi giới mới bảo hợp đồng đi Algeria của Chiến bị hủy rồi, chuyển sang đơn hợp đồng đi Libya thì nhanh. Ừ thì đi, thế là Chiến “được bay”.
Đầu tháng 10.2009, trong 3 ngày liên tiếp, toàn bộ 500 công nhân VN, chiếm 80% nhân công toàn Công ty STFA, tổ chức đình công. Ban ngày không đi làm, buổi tối công nhân kéo lên trước cửa văn phòng công ty đòi gặp giám đốc, gặp điều phối viên VN. Mọi người thắc mắc tại sao cứ chuyển tiền về cho thân nhân ở nhà lại bị thiếu từ 10 - 100 USD? Tại sao trừ 3 tháng công ty giữ lương rồi mà người ta làm 5 tháng sau nữa, tức là 8 tháng liên tiếp vẫn chưa nhận được tiền? Điều phối viên và công ty đổ lỗi cho nhau. Nhưng nguyên nhân thực sự nằm ở chỗ công ty môi giới ở VN đã ép tỷ giá đô la, và cố tình trả chậm. Công nhân đòi được trả tiền trực tiếp tại Libya nhưng không thành, theo lời kể của một đốc công làm việc tại đây từ tháng 8.2008. |
Và công ty môi giới, người thay mặt lao động, liên hệ trực tiếp và trước nhất với những công ty nước ngoài, lại là những cái "túi mười hai gang". “20 người trong đoàn bay sang trại này tháng 11.2009 cùng tôi ai cũng mất 4 triệu đồng cho Công ty V. Thi đỗ nghề rồi, công ty gọi lên đóng 3 triệu, trong phiếu thu có ghi lý do: Đã trúng tuyển đi lao động tại Libya theo chỉ tiêu của Công ty V... Một tuần trước khi bay lên công ty đóng 22,3 triệu và phiếu thu kia bị thu lại. Trong 22,3 triệu có chia làm 2 phiếu thu. Một phiếu thu dành cho 19,3 triệu, và một phiếu thu nữa dành cho khoản tiền 3 triệu với lý do y hệt phiếu thu 3 triệu lần đầu. Đến ngày bay lại đóng 1,2 triệu tại nơi tập trung không hóa đơn. 19 người còn lại đều đóng, tôi hôm ấy không đóng, cuối cùng vẫn được bay”, anh Quyền nhớ lại rành rọt. Còn nữa, ngày mai lên máy bay, khi đã nộp xong xuôi hết tất cả các khoản tiền rồi, hôm nay mới biết hợp đồng. Lúc ấy có bất lợi cho thì mình đã gần như bị ép phải ký tên vào đó rồi. Hỏi bảo là bây giờ không ký, không đi nữa, họ bảo là không được.
Nhưng nước đục lại là cơ hội cho những con cò béo. 7 người cùng đi với công nhân Khương, thợ trát trại Souq Al Ahad, đều theo con đường của một cán bộ Công ty V. tại Tripoli, Libya. Nhân vật này đã ở Libya 10 năm, biết rõ về các công ty không chỉ ở Libya mà cả khu vực Trung Đông, Bắc Phi. Anh Khương có người quen cũng làm ở Libya biết vị này, mách Khương nên nhờ ông ấy để có thể ký hợp đồng làm việc với doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ thì tốt hơn. Ngoài các khoản đóng cho Công ty V., mỗi người lót tay thêm cho vị này 2 triệu nữa là xong. Khi vị này về VN nghỉ phép năm 2009, nhóm 7 người lên khách sạn Hà Nội đưa tiền trực tiếp, thế là được phân vào đúng trại đã định trước...
Phan Nhân
Bình luận (0)