Thỏa thuận “cấm làm việc” có hợp pháp?

12/08/2012 03:50 GMT+7

TAND TP.HCM cho biết đang thụ lý đơn của Công ty CP Trường doanh nhân Đắc nhân tâm (Trường Đắc nhân tâm) khởi kiện ông Lê Như Hiếu, nguyên giảng viên của trường. Vụ việc liên quan đến thỏa thuận cấm không cho người lao động làm công việc tương tự trong một khoảng thời gian - hiện đang rất phổ biến ở các công ty có vốn nước ngoài. Liệu điều này có phù hợp với pháp luật VN?

>> Đắc nhân tâm" sẽ đến TP.HCM
>> Đắc nhân tâm" và "Quẳng gánh lo đi và vui sống" bị 6 nơi in lậu

Nghỉ việc chỗ này không được làm chỗ khác

Năm 2006, Dale Carnegie chuyển nhượng thương hiệu cho Trường Đắc nhân tâm tại VN. Ngày 1.6.2007, ông Lê Như Hiếu và trường này ký kết hợp đồng huấn luyện với các nội dung: người huấn luyện không được sao chép một phần hoặc toàn bộ tài liệu liên quan đến “chương trình đào tạo”; trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấm dứt hợp đồng (23.11.2011), người huấn luyện không tham gia vào bất kỳ chương trình nào về mặt phát triển, xúc tiến thương mại, mua bán, công bố, cung ứng, tổ chức hoặc hướng dẫn mà chương trình đó có tính chất cạnh tranh với “chương trình đào tạo”.

 Thỏa thuận “cấm làm việc”
Minh họa: DAD

Theo Trường Đắc nhân tâm thì trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực, ông Hiếu thực hiện một số khóa huấn luyện liên quan đến “chương trình đào tạo” cho một số khách hàng đang đàm phán hợp đồng với nhà trường. Sau khi chấm dứt hợp đồng, ông Hiếu vẫn sử dụng các tài liệu trong “chương trình đào tạo” cũng như logo của Dale để thực hiện các khóa huấn luyện. Vì vậy, Trường Đắc nhân tâm kiện yêu cầu ông Hiếu xin lỗi, bồi thường thiệt hại gồm các khoản: tổn thất phí nhượng quyền, mức sút giảm thu nhập, phí luật sư gần 400 triệu đồng và thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận (không được dạy trong 2 năm).

Ông Lê Như Hiếu cũng xác nhận, tháng 6.2007, ông và Trường Đắc nhân tâm có ký hợp đồng. Công việc của ông là giảng dạy kỹ năng mềm cho nhân viên của các công ty mà trường nhận đào tạo. Đó là những kỹ năng về giao tiếp, quan hệ khách hàng, bán hàng… Tháng 9.2011, thấy sức khỏe không đảm bảo được yêu cầu đào tạo của trường, ông chủ động xin chấm dứt hợp đồng lao động ký ngày 1.4.2011 (thời hạn 1 năm). Ngày 23.9.2011, ông Hiếu chính thức nghỉ việc ở trường.

Ông Hiếu thừa nhận để có thêm thu nhập ông có nhận dạy riêng cho một số khách hàng. “Tuy nhiên, nếu không cho tôi đi dạy trong 2 năm thì tôi sống như thế nào khi không có nguồn thu nhập nào khác, trường không trả lương cho tôi trong khoảng thời gian này thì làm sao cấm tôi làm công tác đào tạo. Bản thân tôi chỉ là người lao động đi làm thuê bằng chất xám của mình”, ông Hiếu nói.

Các chuyên gia nói gì?

Chuyện doanh nghiệp nước ngoài ràng buộc nhân viên không làm cho công ty đối thủ trong thời gian nhất định sau khi nghỉ việc vẫn xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là thỏa thuận hoàn toàn có lý bởi nếu sản phẩm, công nghệ, bí mật kinh doanh bị nhân viên tiết lộ cho đối thủ thì coi như công ty phá sản.

Ở góc độ pháp lý, một luật sư am hiểu vụ việc cho rằng ông Hiếu vi phạm cam kết dân sự và vi phạm các điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ. Dale nhượng quyền cho Trường Đắc nhân tâm nên tên thương mại, nhãn hiệu, giáo trình của Dale được bảo hộ tại VN. "Tận dụng giá trị thương hiệu để làm lợi ích cá nhân là vi phạm sở hữu trí tuệ. Sử dụng giáo trình của trường là vi phạm quyền tác giả, đối tượng của sở hữu trí tuệ", vị luật sư này nói.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng “chất xám thuộc về sở hữu của cá nhân mỗi người”. Theo luật sư Phạm Văn Minh (Đoàn luật sư TP.HCM), điều 5, bộ luật Lao động quy định: Quyền và nghĩa vụ của người lao động là được làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp, học nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp. “Như vậy, thỏa thuận cấm người lao động làm việc hoặc hạn chế lĩnh vực làm việc là vi phạm quyền của người lao động, vi phạm pháp luật VN và không có giá trị”, luật sư Minh nói.

Cũng theo luật sư Minh, kiến thức là quá trình tự tích lũy của mỗi người, nếu ông Hiếu sử dụng kiến thức, chất xám của mình để giảng dạy thì không vi phạm. “Trong trường hợp “chương trình đào tạo” của Trường Đắc nhân tâm có đăng ký sở hữu trí tuệ, có văn bằng bảo hộ mà ông Hiếu sử dụng để giảng dạy không được sự đồng ý của trường là vi phạm”, luật sư Minh phân tích.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.