Thỏa thuận do thám bí mật giữa Nhật và Mỹ

26/04/2017 08:55 GMT+7

Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) bị nghi thỏa thuận với Nhật trong các hoạt động do thám trên diện rộng từ nhiều năm qua.

Loạt tài liệu do chính cựu nhân viên NSA Edward Snowden tiết lộ cho biết NSA đã cung cấp các công cụ do thám tối tân và chia sẻ các thông tin với tình báo Nhật. Đổi lại, NSA được duy trì hoạt động ít nhất 3 căn cứ ở Nhật và còn được nước chủ nhà góp hàng tỉ USD xây dựng các cơ sở này.
Theo các tài liệu được tiết lộ bởi trang The Intercept và Đài NHK ngày 24.4, quan hệ giữa NSA và Tokyo được cho là đã bắt đầu từ thập niên 1950 khi Mỹ duy trì sự hiện diện tại Nhật sau Thế chiến 2. Một tài liệu năm 2007 cho rằng cơ quan này có vỏ bọc là một văn phòng tại căn cứ Hardy Barracks của Mỹ ở khu Minato tại Tokyo suốt nhiều năm liền. Chính nhờ văn phòng này mà NSA thường xuyên duy trì mối liên hệ mật thiết với Cơ quan Tình báo tín hiệu (SIGINT) của Nhật. Đến năm 2007, NSA quyết định chuyển văn phòng chính tại Nhật đến Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo. Theo một tài liệu khác, NSA lúc đó cũng dự định nâng Nhật lên tầm “đối tác tình báo” của Mỹ.
Biến cố rơi máy bay
Một trong những lần phối hợp quan trọng giữa NSA và Nhật liên quan đến vụ Liên Xô bắn hạ máy bay của Hãng hàng không Korean Airlines (Hàn Quốc) vào năm 1983 khi đang chở theo 269 người trên đường từ New York đến Seoul và bay chệch hướng vào không phận Liên Xô. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đều thiệt mạng và đây được cho là một trong những biến cố lớn nhất thời Chiến tranh lạnh sau vụ khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Theo các tài liệu, giữa Tokyo và Washington đã xảy ra tranh cãi về các thông tin do thám mật liên quan đến vụ việc, sau khi Nhật có các đoạn băng ghi âm được cho là bằng chứng về việc Liên Xô thực hiện vụ bắn hạ.
Cơ quan Do thám G2 Annex của Nhật đồng ý giao đoạn băng cho Washington và nó được chuyển đến tay Đại sứ Mỹ tại LHQ Jeane Kirkpatrick. Có chứng cứ trong tay, bà Kirkpatrick đã mạnh miệng chỉ trích Liên Xô nói dối tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời tuyên bố đã thu thập chứng cứ sau khi “hợp tác với chính quyền Nhật”. Việc tiết lộ thông tin đã để lộ khả năng do thám của Nhật, khiến chính phủ nước này tức giận. Cơ quan G2 Annex lập tức được chỉ đạo hợp tác có chừng mực hơn với Mỹ, từ đó quan hệ giữa NSA và giới tình báo Nhật bị ảnh hưởng, ít nhất là đến giai đoạn kết thúc Chiến tranh lạnh.


Vừa hợp tác, vừa nghe lén
Theo The Intercept, NSA và tình báo Nhật “chung lưng đấu cật” trong nhiều thập niên nhưng họ vẫn hoài nghi lẫn nhau. Theo một tài liệu năm 2008, một quan chức cấp cao của NSA lúc đó kể rằng các nhân viên tình báo Nhật rất thành thạo trong việc do thám tín hiệu nhưng lại rất hay giữ kẽ và “hành động như thời Chiến tranh lạnh”. Tuy nhiên, sự hoài nghi của Nhật không phải vô căn cứ. Một tài liệu năm 2006 cho rằng Tây Âu và một cơ quan thuộc NSA đã ngầm theo dõi Nhật để lấy thông tin về các chính sách ngoại giao và hoạt động thương mại.

Tuy nhiên, hợp tác giữa hai bên sau đó dần được cải thiện và các cơ sở của NSA ngày nay được cho là hiện diện tại nhiều nơi trên đất Nhật, trong đó có cơ sở tại sân bay quân sự Misawa của quân đội Mỹ nằm tại tỉnh Amaori của Nhật, cách Tokyo khoảng 640 km. Theo The Intercept, Trung tâm chiến dịch an ninh Misawa tại sân bay này là nơi NSA tiến hành các sứ mệnh theo dõi với mật danh Ladylove nhằm thu thập các cuộc gọi, bản fax và dữ liệu internet được truyền qua vệ tinh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến năm 2009, trung tâm này đã theo dõi hơn 8.000 dải tín hiệu từ 16 vệ tinh.
Chi phí của Nhật
Sân bay quân sự Yokota tại thành phố Fussa cách Tokyo chỉ khoảng 90 phút lái xe cũng được cho là vị trí then chốt phục vụ hoạt động của NSA tại Nhật. Đây là cơ sở cung cấp thiết bị phục vụ cho các hoạt động do thám trên toàn cầu của NSA với tòa nhà rộng hơn 3.000 m2. Tòa nhà này là nơi sản xuất và sửa chữa các ăng-ten do thám từng được sử dụng tại nhiều nơi như Afghanistan, Hàn Quốc, Thái Lan, Iraq, Trung Mỹ, Nam Mỹ, đảo Síp và các nước vùng Balkan.
Theo một tài liệu năm 2004, chi phí xây dựng cơ sở rộng lớn này vào khoảng 6,6 triệu USD (150 tỉ đồng) và chính phủ Nhật hầu như đã chi trả toàn bộ. Các tài liệu cho thấy phía Nhật cũng trả khoảng 375.000 USD hằng năm cho nhân viên tại đây bên cạnh chi phí 500 triệu USD để xây một cơ sở khác trên đảo Okinawa.
Cựu quan chức Nhật phụ trách bảo mật dữ liệu Hiroshi Miyashita nói rằng có rất ít thông tin về những thỏa thuận như thế này vì đó là bí mật quốc gia. Hoạt động của NSA ở Nhật cũng nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật pháp nước này do thỏa thuận miễn trừ ngoại giao.
Trong khi đó, theo các tài liệu thì NSA được cho là đã đáp lại sự hào phóng của Nhật bằng cách cung cấp các thiết bị do thám và huấn luyện lực lượng tình báo nước này. Một tài liệu năm 2013 cho thấy NSA đã lắp đặt hệ thống Xkeyscore cho Cơ quan Tình báo tín hiệu Nhật. Đây là hệ thống có khả năng thu thập dữ liệu từ các mạng máy tính trên phạm vi rộng lớn nhất của NSA. Theo The Intercept, NSA và Bộ Quốc phòng Nhật đều từ chối bình luận về các tài liệu vừa bị tiết lộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.