Sau gần 2 thập niên đàm phán, các thành viên Liên Hiệp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận lịch sử nhằm bảo vệ biển cả, kho báu trọng yếu nhưng mong manh với diện tích bao phủ gần phân nửa bề mặt địa cầu.
"Con tàu đã cập bờ", AFP dẫn lời chủ tịch hội nghị Rena Lee thông báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York vào ngày 5.3 giữa tiếng hoan nghênh nhiệt liệt kéo dài của các đại biểu.
Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) quy định quy chế pháp lý của 7 vùng biển, trong đó 5 vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia (nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) và 2 vùng biển quốc tế (biển cả và vùng đáy biển quốc tế).
Theo đó, biển cả (high seas) bao gồm "tất cả các vùng biển không thuộc vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia, hoặc thuộc vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo".
Chưa rõ nội dung của thỏa thuận nhưng nhiều người cho rằng đó là bước đột phá trong việc bảo vệ đa dạng sinh học biển sau thời gian dài thảo luận.
"Đây là một ngày lịch sử về bảo tồn và dấu hiệu cho thấy rằng trong một thế giới phân hóa, việc bảo vệ thiên nhiên và con người có thể chiến thắng địa chính trị", theo nhà hoạt động môi trường Laura Meller thuộc tổ chức Greenpeace.
Ủy viên môi trường Liên minh châu Âu (EU) Virginijus Sinkevicius gọi thỏa thuận là "bước trọng yếu hướng đến việc bảo vệ sinh vật biển và đa dạng sinh học có ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta và nhiều thế hệ tiếp theo".
Sau 2 tuần thảo luận, bao gồm phiên thảo luận kéo dài vào tối 4.3 đến sáng 5.3, các đại biểu đã đồng ý về một văn bản giờ đây sẽ không còn khả năng bị sửa đổi nhiều. Theo bà Lee, sẽ không còn việc xem xét lại hay thảo luận về căn bản.
Thỏa thuận sẽ chính thức được thông qua sau, một khi được đọc lại bởi các luật sư và dịch sang 6 ngôn ngữ chính thức của Liên Hiệp Quốc, gồm tiếng Ả Rập, Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha và Trung Quốc.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres khen ngợi các đại biểu, theo một phát ngôn viên, người cho rằng thỏa thuận bảo vệ biển cả là "thắng lợi của chủ nghĩa đa phương hóa và cho nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại những xu hướng hủy hoại sức khỏe đại dương".
Bình luận (0)