Thỏa thuận mật giúp đặc vụ Trung Quốc tự do hành động ở Thụy Sĩ

Ngọc Mai
Ngọc Mai
10/12/2020 17:36 GMT+7

Thỏa thuận cho phép đặc vụ Trung Quốc tới Thụy Sĩ và tự do hành động. Nó bí mật đến nỗi Quốc hội Thụy Sĩ cũng không hay biết.

Tờ The Guardian ngày 9.12 đưa tin một thỏa thuận bí mật giữa Thụy Sĩ và Trung Quốc với nội dung cho phép các đặc vụ an ninh Trung Quốc tới Thụy Sĩ bằng tiền thuế của người dân Thụy Sĩ đã lần đầu tiên được tiết lộ khi chính phủ Thụy Sĩ muốn gia hạn thỏa thuận.
Mang tên “thỏa thuận tái tiếp nhận”, thỏa thuận được có thời hạn 5 năm, được ký hồi năm 2015 và mới hết hiệu lực vào ngày 7.12 vừa qua. Thỏa thuận này cho phép đặc vụ Trung Quốc đến Thụy Sĩ để thẩm vấn những công dân Trung Quốc nằm trong diện mà giới chức Thụy Sĩ muốn trục xuất.
Khác với hơn 50 thỏa thuận mà Thụy Sĩ từng ký kết với các quốc gia khác, thỏa thuận với Trung Quốc chưa từng được chính phủ Thụy Sĩ công khai, cho đến tháng 8 vừa qua.
Nhóm vận động nhân quyền Safeguard Defenders mới đây có được bản dịch tiếng Anh chính thức của thỏa thuận giữa Trung Quộc – Thụy Sĩ và đã tiết lộ những điều khoản bí mật có thể khiến dư luận quan ngại.

Vô cùng bí mật

Theo tờ The Guardian, các “chuyên gia” từ Bộ Công an Trung Quốc (MPS) sẽ được mời đến Thụy Sĩ để “làm nhiệm vụ” trong vòng 2 tuần. Sau khi nhận lời mời, Trung Quốc có thể lựa chọn và gửi đặc vụ đến Thụy Sĩ mà không cần đợi chính phủ nước sở tại phê duyệt, tức không cần qua các thủ tục thị thực thông thường.
Những đặc vụ này có thể nhập cảnh Thụy Sĩ không cần thân phận chính thức và được Thụy Sĩ cam kết giữ kín danh tính. Các báo cáo mà họ cung cấp cho giới chức Thụy Sĩ cũng được giữ bí mật.
Thỏa thuận tái tiếp nhận là điều thường thấy trong luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, theo nhóm Safeguard Defenders, thỏa thuận giữa Trung Quốc và Thụy Sĩ năm 2015 “hoàn toàn khác biệt” so với những văn kiện mà Bern ký kết với các quốc gia khác.
Theo The Guardian, có rất nhiều điều bất thường ở thỏa thuận nói trên, không chỉ là sự bí mật của thỏa thuận mà còn là công việc của các đặc vụ Trung Quốc, sự hiện diện của các đặc vụ Bắc Kinh trên đất Thụy Sĩ và cả việc lựa chọn MPS – được xem là một siêu bộ về an ninh không chỉ gồm cảnh sát mà còn cả đặc vụ tình báo.
“Chỉ trong một vài trường hợp, các bên ký thỏa thuận tái tiếp nhận mới cho phép đại diện sang nước đối tác để đưa cá nhân nào đó về nước. Trong những trường hợp đó, người đại diện được cử đến phải bị giới hạn phạm vi hoạt động và phải thực hiện các nhiệm vụ một cách công khai”, theo nhóm Safeguard Defenders.
Giáo sư luật Margaret Lewis tại trường Seton Hall ở Mỹ nhận xét, thỏa thuận nói trên quá có lợi cho phía Trung Quốc và vượt qua những thỏa thuận chia sẻ thông tin về di cư trái phép thông thường. “Tôi thấy thật kỳ lạ khi chỉ vì một ai đó ở lại trái phép tại Thụy Sĩ lại khiến Trung Quốc phải bận tâm đến độ phải cử cả quan chức sang”, bà nói.
Những không chỉ các nước khác, bản thân nội bộ Thụy Sĩ cũng không biết về thỏa thuận này cho tới tháng 8 vừa qua. Theo tờ The Guardian, thông tin về thỏa thuận được một trang tin địa phương tiết lộ giữa lúc có sự lo ngại quốc tế về việc Trung Quốc đang nhắm vào các nhân vật đối lập và người bất đồng chính kiến.
Bản thỏa thuận được giữ kín đến mức ngay cả Quốc hội và Ủy ban Đối ngoại của Thụy Sĩ cũng không hề hay biết. Ủy ban Đối ngoại mới đây đã bỏ phiếu để bổ sung thủ tục tham vấn trước khi chính phủ gia hạn thỏa thuận này.
Ban Thư ký về Di cư Thụy Sĩ (SEM) bảo vệ thỏa thuận này và coi đây là biện pháp cần thiết để đối phó với tình trạng di cư bất hợp pháp. SEM khẳng định vẫn kiểm soát việc cung cấp thông tin cho các quan chức Trung Quốc và cho hay thực tế thỏa thuận mới chỉ được sử dụng tới một lần vào năm 2016 khi 4 người xin tị nạn ở Thụy Sĩ năm trong 13 người bị trục xuất.

Nhiều lo ngại

Trong khi đó, các nhóm vận động cho rằng với thỏa thuận trên, Thụy Sĩ có nguy cơ vi phạm các nguyên tắc “không gửi trả” nhằm bảo vệ những người tị nạn có nguy cơ bị đe dọa nếu quay trở về nước. Các nhóm này lo ngại không có cơ chế giám sát nhằm đảm bảo an toàn cho những người tị nạn bị trả về Trung Quốc.
Theo một số nhà hoạt động, thỏa thuận nói trên có thể gây khó xử cho Thụy Sĩ khi xử lý vấn đề Hồng Kông.
Theo The Guardian, trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng chủ động sử dụng các hình thức song phương và đa phương (như Interpol) cũng như tới các nước khác một cách không chính thức để truy tìm công dân đang ở nước ngoài.
Theo ông Peter Dahlin, Giám đốc nhóm Safeguard Defenders, thỏa thuận nói trên không có điều khoản nào quy định việc giám sát hoạt động của các đặc vụ Trung Quốc ngoài những việc họ hợp tác với giới chức Thụy Sĩ. Điều đáng nói hơn là các đặc vụ không công khai danh tính có thể sử dụng thị thực du lịch và nếu vậy họ có khả năng tiếp cận toàn bộ khối Schengen và tiến hành hoạt động tình báo.
“Những gì các đặc vụ Trung Quốc làm trong 2 tuần hoàn toàn không bị giám sát. Về lý thuyết, việc cho phép như vậy rất đáng lưu tâm. Nếu điều này được giữ bí mật, chính phủ các nước khác sẽ hề hay biết”.
Giáo sư Lewis cho rằng điều này càng trở nên báo động khi Thụy Sĩ cho phép quan chức MPS tới nước mình với quá ít sự giám sát. Bà cảnh báo: “Thường thì chính phủ các nước đều muốn kiểm soát chặt chẽ đặc vụ nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ của mình. Nếu Thụy Sĩ tiếp tục ưu ái đặc vụ Trung Quốc, e rằng các cuộc thẩm vấn công dân Trung Quốc một cách không công khai thế này sẽ diễn biến theo chiều hướng tiêu cực”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.