Hãng Reuters ngày 29.7 dẫn một báo cáo cho thấy thỏa thuận giữa Mỹ - Anh - Úc (thỏa thuận AUKUS) sẽ đem lại tác động từ năm 2027, sớm hơn dự kiến và tăng cường tính răn đe, gia tăng số lượng tàu ngầm ở Tây Thái Bình Dương nhằm có thể ứng phó khủng hoảng.
Theo thỏa thuận, 3 nước sẽ hợp tác để chuyển giao một hạm đội gồm 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị vũ khí thông thường cho Úc trước năm 2050.
Với mức giá 244 tỉ AUD trong 3 thập niên, AUKUS đã nhận được sự chấp thuận của Mỹ để chia sẻ công nghệ nhạy cảm vào tháng 12.2023. Tuy nhiên, vẫn có những nghi ngờ về tính thực tế của dự án quốc phòng tốn kém nhất của Úc, theo báo cáo nhà phân tích quốc phòng Ross Babbage tại Viện nghiên cứu Lowy (trụ sở tại Sydney, Úc).
Báo cáo cho rằng thỏa thuận sẽ đem lại nhiều lợi ích chiến lược trong khu vực sẽ từ năm 2027, khi 5 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với thủy thủ đoàn chung của Úc, Anh và Mỹ, bắt đầu các hoạt động thường xuyên tại Úc để tăng cường huấn luyện.
Đến giữa thập niên tới, các thành viên AUKUS sẽ tăng gấp đôi số lượng tàu ngầm hạt nhân được triển khai có thể hoạt động trong 10 ngày đầu tiên nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng ở Tây Thái Bình Dương.
Các tàu ngầm có căn cứ tại Úc sẽ đến được nơi xung đột nhanh hơn so với các tàu ngầm ở Hawaii hoặc San Diego (Mỹ) và nằm ngoài tầm bắn của tên lửa Trung Quốc, không giống như các căn cứ của Mỹ ở Guam hoặc Nhật Bản.
Chi phí cho chương trình AUKUS của Úc trung bình sẽ là 10 tỉ AUD/năm, nâng chi tiêu quốc phòng lên mức từ 2% lên 2,5-3% tổng sản phẩm quốc nội.
Úc sẽ mua 3 tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ vào đầu thập niên 2030, mặc dù lớp tàu ngầm AUKUS mới do Úc chế tạo dự kiến sẽ chưa hoàn thành cho đến đầu thập niên 2040.
Nhờ AUKUS, viễn cảnh Úc phải đơn độc đối mặt với sự cưỡng ép hoặc các cuộc tấn công quân sự - cơn ác mộng sau Thế chiến 2 - giờ đây gần như không cần nghĩ đến, theo chuyên gia Babbage viết trong báo cáo.
Bình luận (0)