Tối 30.5 (giờ Mỹ), Ủy ban Quy tắc Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu để đưa dự luật nâng trần nợ công ra toàn Hạ viện. Đây là ủy ban quyền lực quyết định quy tắc mà các dự luật được trình lên Hạ viện.
Dự luật được thông qua với tỷ lệ 7 phiếu thuận và 6 phiếu phản đối. Theo Bloomberg, toàn bộ thành viên đảng Dân chủ (4 người) của ủy ban nói trên bỏ phiếu chống. Các nghị sĩ thuộc phe bảo thủ của đảng Cộng hòa Chip Roy và Ralph Norman đã chỉ trích thỏa thuận và bỏ phiếu phản đối.
Như vậy, dự luật đã vượt qua ải đầu tiên và sẽ đối diện thách thức lớn hơn trong cuộc bỏ phiếu của toàn Hạ viện trong ngày 31.5. Nếu được thông qua, dự luật cần vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện trước khi được trình lên Tổng thống Biden để ký ban hành.
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tuần trước đạt thỏa thuận đình chỉ trần nợ công 31.400 tỉ USD trong hai năm sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng, giữa lúc chính quyền cảnh báo Mỹ đang tiến gần nguy cơ vỡ nợ vào đầu tháng 6 do hết tiền trả nợ.
Để đi đến thỏa thuận, hai bên cũng chấp nhận nhiều điều kiện khác như kiểm soát chi tiêu trong cùng thời gian nói trên, thay đổi một số chính sách về trợ cấp, nợ sinh viên…
Tổng thống Biden và Chủ tịch McCarthy đều đang nỗ lực vận động các nghị sĩ trong đảng thông qua dự luật trước ngày 5.6, thời điểm mà Bộ Tài chính cảnh báo là có nguy cơ vỡ nợ, dù một số thành viên đảng Cộng hòa bác bỏ khả năng này.
Các lãnh đạo của cả hai đảng đều đang đối diện với sự phản đối từ một số thành viên vì những sự nhượng bộ mà ông Biden và ông McCarthy đã chấp nhận để có được thỏa thuận. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lạc quan về việc dự luật sẽ nhanh chóng được Hạ viện thông qua. Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện với 222 ghế so với 213 ghế của đảng Dân chủ.
"Chúng tôi sẽ đảm bảo nước Mỹ không vỡ nợ. Chúng tôi sẽ có thể đưa dự luật này về đích trong ngày mai", lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries nói ngày 30.5.
Văn phòng Ngân sách quốc hội, cơ quan độc lập của quốc hội Mỹ, ngày 30.5 cho rằng nếu dự luật được thông qua mà không có sửa đổi nào khác, nó sẽ giúp giảm chi tiêu chính phủ 1.500 tỉ trong 10 năm, tính từ năm 2024.
Bình luận (0)