Có gì trong thỏa thuận nâng trần nợ công tại Mỹ?

29/05/2023 08:03 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói đã không nhượng bộ quá nhiều để đạt thỏa thuận nâng trần nợ công với đảng Cộng hòa, giúp nước Mỹ tránh nguy cơ vỡ nợ.

Tổng thống Joe Biden ngày 28.5 nói rằng thỏa thuận kiểm soát ngân sách và nâng trần nợ công đạt được với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã giúp mối đe dọa vỡ nợ thảm họa qua đi, theo AP.

"Thỏa thuận là một sự thỏa hiệp, đồng nghĩa không bên nào có tất cả những thứ họ muốn. Nhưng đó là bổn phận của việc điều hành đất nước. Thỏa thuận ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiềm năng tồi tệ nhất và vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử nước ta", Tổng thống Biden nói.

Có gì trong thỏa thuận nâng trần nợ công tại Mỹ? - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 28.5 về việc đạt thỏa thuận nâng trần nợ công

REUTERS

Thỏa thuận đạt được chỉ vài ngày trước thời hạn nước Mỹ hết tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn, theo cảnh báo của Bộ Tài chính là ngày 5.6. Dự luật nâng trần nợ cần được lưỡng viện quốc hội thông qua trước khi Tổng thống Biden ký ban hành.

Các nghị sĩ đang trong kỳ nghỉ lễ và dự kiến quay lại quốc hội sớm nhất là ngày 30.5. Họ sẽ có 72 giờ để đọc qua dự luật trước khi bỏ phiếu.

Có gì trong thỏa thuận?

Theo AP, việc chi tiêu chính phủ, trừ quốc phòng, trong năm tài chính 2024 sẽ giữ nguyên và tăng 1% trong năm kế tiếp. Hai bên đồng ý tăng trần nợ để hoạt động trong 2 năm, nghĩa là sẽ không đối diện tình huống tương tự cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Thỏa thuận tài trợ toàn bộ chi phí chăm sóc y tế cho cựu chiến binh ở mức như đề xuất ngân sách 2024 của Tổng thống Biden, gồm một khoản chi 20,3 tỉ USD cho các cựu binh bị phơi nhiễm chất độc hoặc môi trường độc hại.

Thỏa thuận gia tăng một số điều kiện về việc làm đối với người trưởng thành đang xin trợ cấp từ Chương trình viện trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP), trước đây gọi là chương trình tem phiếu thực phẩm.

Theo The Conversation, trước nay, người muốn hưởng trợ cấp phải đang làm việc được trả lương, đang được đào tạo nghề hoặc là người tình nguyện và không có người phụ thuộc. Độ tuổi đối với người chịu quy định này là từ lúc trưởng thành đến năm 49 tuổi. Người trên 49 tuổi không cần thỏa mãn điều kiện này để được hưởng trợ cấp.

Tuy nhiên, thỏa thuận mới tăng độ tuổi của những người phải tuân thủ quy định trên từ 49 lên 54, theo đề xuất của đảng Cộng hòa. Thay đổi này sẽ hết hiệu lực vào năm 2030. Người yếu thế như cựu binh và người vô gia cư được miễn trừ quy định trên.

Lý lẽ của đảng Cộng hòa là việc tăng cường quy định về việc làm sẽ khuyến khích người trưởng thành có thể lao động kiếm thêm nhiều tiền hơn và có thể tự túc, tự đóng thuế và không phụ thuộc vào nguồn trợ cấp nữa, qua đó giúp tăng tỷ lệ lao động và thu nhập.

Người hưởng trợ cấp bảo hiểm y tế từ chương trình Medicaid không phải chịu thêm điều kiện mới về việc làm theo thỏa thuận giữa hai bên.

Mỹ đạt thỏa thuận trần nợ công

Thỏa thuận cũng giúp thu hồi khoảng 30 tỉ USD tiền cứu trợ chưa sử dụng trong đợt dịch Covid-19 mà quốc hội đã thông qua trước đó, trừ phần phân bổ cho chăm sóc y tế cho các cựu chiến binh, hỗ trợ nhà ở, Cơ quan Dịch vụ y tế người Mỹ bản địa, và khoảng 5 tỉ USD cho chương trình phát triển nhanh vắc xin và thuốc trị Covid-19 thế hệ mới.

Theo thỏa thuận, những thay đổi sẽ được thực hiện lần đầu tiên trong gần 4 thập niên đối với Đạo luật chính sách môi trường quốc gia. Theo đó, một cơ quan sẽ được chỉ định để đưa ra các đánh giá về môi trường.

Ngoài ra, Tổng thống Biden đồng ý khôi phục việc thu nợ của sinh viên. Trước đó, nhà lãnh đạo đã có nỗ lực hỗ trợ tiền vay và trợ cấp hàng triệu USD cho sinh viên trong giai đoạn Covid-19, đồng thời tạm ngừng việc trả nợ.

Giai đoạn tạm ngừng này sẽ chấm dứt sau 60 ngày sau khi Tổng thống Biden ký dự luật về thỏa thuận mới. Đảng Cộng hòa đã đề xuất hủy bỏ kế hoạch của Nhà Trắng về việc xóa các khoản nợ từ 10.000 - 20.000 USD cho gần như toàn bộ sinh viên nhưng đề xuất này không có trong thỏa thuận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.