Thỏa thuận trần nợ công Mỹ trước cửa ải chính

Bảo Vinh
Bảo Vinh
01/06/2023 07:11 GMT+7

Các nhà lãnh đạo quốc hội Mỹ đang vận động sự ủng hộ dành cho thỏa thuận nâng trần nợ công trước ý kiến phản đối từ giới nghị sĩ bảo thủ lẫn cấp tiến.

Hôm qua, Ủy ban Quy tắc Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu phê chuẩn quy tắc cho phép dự luật trần nợ công được đưa ra toàn Hạ viện để thảo luận và bỏ phiếu trong tối 31.5 (sáng nay 1.6, theo giờ VN), theo CNN.

Thỏa thuận trần nợ công Mỹ trước cửa ải chính - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trả lời báo chí tại Điện Capitol về dự luật trần nợ ngày 30.5

Reuters

Thử thách quyết định

Dự luật có tên chính thức là Đạo luật trách nhiệm tài khóa, đạt được sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng giữa đại diện của Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.

Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ đình chỉ trần nợ công 31.400 tỉ USD trong 2 năm, đổi lại phải kiểm soát chi tiêu trong cùng thời gian nói trên, cùng một số thay đổi về chính sách trợ cấp, nợ sinh viên và các nội dung khác. Dù đã vượt qua cửa ải đầu tiên nhưng dự luật cần được Hạ viện và Thượng viện khẩn cấp thông qua trước ngày 5.6, thời điểm mà Bộ Tài chính cảnh báo là Mỹ có thể vỡ nợ.

Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện khi chiếm 222/435 ghế và cần ít nhất 218 phiếu để thông qua. Giới lãnh đạo đảng Cộng hòa dự đoán số thành viên của đảng này phản đối là 40 - 60 người. Về phía đảng Dân chủ, các nghị sĩ cấp tiến đã bày tỏ sự không hài lòng về những tiêu chuẩn mới liên quan các chương trình trợ cấp, nhưng các lãnh đạo đảng cho rằng họ có đủ số phiếu ủng hộ cần thiết để dự luật được thông qua trong trường hợp sự phản đối tại đảng Cộng hòa là đáng kể, theo AFP.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries nói: "Tôi kỳ vọng đảng Cộng hòa tại Hạ viện sẽ giữ lời hứa và có ít nhất 150 phiếu, bởi nó liên quan thỏa thuận mà chính họ đàm phán. Đảng Dân chủ sẽ đảm bảo nước Mỹ không vỡ nợ".

Thỏa thuận trần nợ công Mỹ trước cửa ải chính - Ảnh 2.

Nhóm hạ nghị sĩ bảo thủ của đảng Cộng hòa họp báo bên ngoài Điện Capitol về dự luật trần nợ ngày 30.5 Ảnh:

Reuters

Ông McCarthy lung lay ghế Chủ tịch Hạ viện ?

Ngày 30.5, một nhóm hơn 20 hạ nghị sĩ bảo thủ của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ phản đối dự luật và cáo buộc ông McCarthy đã thỏa hiệp mà không giành được những mục tiêu như đã hứa. "Không nghị sĩ Cộng hòa nào nên bỏ phiếu cho thỏa thuận này. Đây là thỏa thuận tồi tệ", hạ nghị sĩ Chip Roy tuyên bố trong một cuộc họp báo.

Thậm chí, ông Roy và các đồng minh còn đe dọa sẽ yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm để loại ông McCarthy khỏi ghế Chủ tịch Hạ viện nếu dự luật được thông qua. Theo quy định mới được ông McCarthy chấp nhận để có chức Chủ tịch Hạ viện hồi đầu năm, chỉ cần một nghị sĩ Cộng hòa yêu cầu là cuộc bỏ phiếu được tiến hành. Hạ nghị sĩ Matt Gaetz cảnh báo nếu dự luật trần nợ được thông qua tại Hạ viện mà không có sự ủng hộ của đa số nghị sĩ đảng Cộng hòa, yêu cầu phế truất ông McCarthy sẽ ngay lập tức được kích hoạt, theo trang The Hill.

Liệu Mỹ có vỡ nợ vào ngày 5.6 ?

Bất chấp cảnh báo của Bộ Tài chính, hạ nghị sĩ Bob Good của đảng Cộng hòa cho rằng nước Mỹ sẽ không vỡ nợ ngay cả khi quốc hội không thông qua dự luật trần nợ. Theo ông, đây chỉ là câu chuyện "ngớ ngẩn" được sử dụng để hù dọa.

"Chỉ mất 70 tỉ USD mỗi tháng để trả lãi nợ công và đương nhiên là bạn vỡ nợ nếu không thể trả lãi. Chúng ta có khoảng 400 tỉ USD chảy vào ngân khố mỗi tháng nhưng vấn đề là chúng ta đang chi 500 tỉ USD trong cùng thời gian. Thỏa thuận này tiếp tục quỹ đạo đó mà không làm gì để giải quyết nó", tờ The Hill dẫn lời ông Good.

Trong khi đó, hạ nghị sĩ Patrick McHenry, đồng minh của ông McCarthy và là người trực tiếp đàm phán với Nhà Trắng, khẳng định không lo lắng cho chiếc ghế của vị chủ tịch, đồng thời nhấn mạnh đã đạt được thỏa thuận tốt nhất có thể.

Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ (CBO), dự luật mới sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách liên bang dự kiến 1.500 tỉ USD trong 10 năm tới nếu được ban hành mà không có sửa đổi nào.

Trong trường hợp được Hạ viện thông qua, dự luật mới có thể được Thượng viện bỏ phiếu sớm nhất là ngay ngày hôm sau. Lãnh đạo của hai đảng tại Thượng viện đều đã bày tỏ sự ủng hộ cho dự luật. Theo AP, các thượng nghị sĩ đang yêu cầu sửa đổi thêm một số nội dung nhưng việc thay đổi vào thời điểm này được đánh giá là khó có khả năng xảy ra do đã đến sát hạn chót 5.6. Thứ trưởng Bộ Tài chính Wally Adeyemo hôm qua kêu gọi quốc hội hành động nhanh chóng nếu không Mỹ sẽ đối diện vụ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.