Thoại Ngọc Hầu qua những phát hiện mới:

Thoại Ngọc Hầu và những xóm làng trên miền đất mới

10/07/2023 07:06 GMT+7

Năm 1810, Thoại Ngọc Hầu được triệu hồi từ Bắc thành về kinh đô, sau đó được bổ nhiệm vào Nam. Ông từng đảm nhiệm chức vụ Trấn thủ Định Tường, rồi Vĩnh Thanh, cuối cùng làm Án thủ đồn Châu Đốc.

Ông từng bày tỏ: "Nay xa thư đã quy về một mối, cửa thành đóng kín an vui, nên muốn cho nơi cỏ hoang bát ngát đều trở thành làng xóm, dân manh lệ thảy biên vào sổ bộ, dâu gai đầy nội, khói lửa liên tiếp nhau, cùng với huyện kề bên, đông đúc giàu có như nhau cả".

Thoại Ngọc Hầu đã để lại nhiều dấu ấn qua các công trình kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế. Kinh Vĩnh Tế là công trình giao thông thủy lợi quan trọng do triều Nguyễn hoạch định, nhằm kết nối Châu Đốc tân cương với trấn Hà Tiên. Việc đào kinh kéo dài từ cuối năm Gia Long thứ 18 (1819) đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824) mới hoàn thành, chia làm ba đợt. Sự xuất hiện của đường thủy này rõ ràng đã kích thích việc khẩn hoang và lập làng dọc theo kinh Vĩnh Tế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu chủ trương rằng các thôn ấp có chữ "vĩnh" dọc kinh Vĩnh Tế như Vĩnh Nguơn, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều, Vĩnh Thông "là để ghi công khai phá" của Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại.

Thoại Ngọc Hầu và những xóm làng trên miền đất mới - Ảnh 1.

Tờ bẩm của thôn Nhơn Hòa xin trưng khẩn đất

Nhà văn Sơn Nam nói rằng ngay khi kinh Vĩnh Tế đào xong, Thoại Ngọc Hầu đã cho phép dân chúng lập làng với quy chế rộng rãi dọc theo sông Hậu từ cù lao Năng Gù lên búng Bình Thiên và dọc theo kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc vào Bảy Núi. Người xin khẩn đất chỉ cần dâng đơn. Thoại Ngọc Hầu phê đơn rồi đóng ấn son Bảo hộ Cao Miên quốc chi chương là xong. Tờ đơn ấy có giá trị như tờ bằng khoán. Tuy nhiên, những phát biểu này hầu như chưa có tư liệu chứng minh. Phải cần đến khối tư liệu châu bản triều Nguyễn mới phần nào giúp ta giải đáp thắc mắc ấy.

Thoại Ngọc Hầu và việc lập làng Nhơn Hòa

Hiện nay chúng ta còn giữ một văn bản của Tri phủ Tuy Biên là Phạm Ngọc Oánh thông báo về việc các viên chức làng Nhơn Hòa, tổng Châu Phú làm đơn xin xác nhận việc trưng khẩn đất đai. Văn kiện cho biết làng này đã được phép của Thoại Ngọc Hầu cho thành lập từ năm Minh Mạng thứ 10 (1829).

Địa bạ năm 1836 cho biết làng này đông giáp thôn Vĩnh Tế Sơn, tây giáp địa phận thôn Vĩnh Thạnh, nam giáp sóc Lai Thơm và thôn Vĩnh Trung, bắc giáp sông Vĩnh Tế. Trong bản đồ tỉnh Châu Đốc của người Pháp xuất bản năm 1890, làng Nhơn Hòa thuộc tổng Qui Đức. Địa bàn của thôn gần như tương ứng với địa bàn xã Nhơn Hưng huyện Tịnh Biên ngày nay. Thống kê dân số năm 1901 cho thấy làng này có 1.123 người, chiếm 42,7% dân số toàn tổng.

Thoại Ngọc Hầu và những xóm làng trên miền đất mới - Ảnh 2.

Bản đồ làng Nhơn Hòa đầu thế kỷ 20

TƯ LIỆU TRẦN HOÀNG VŨ

Nguyên văn tờ bẩm của Tri phủ Phạm Ngọc Oánh như sau:

"Tuy Biên phủ Tri phủ, kiêm lý Tây Xuyên huyện sự, Kỷ lục nhị thứ Phạm Ngọc Oánh kính bẩm: Xin báo rõ về việc ngày tháng 10 năm nay (1835), ở tổng Châu Phú trong địa hạt huyện do phủ kiêm lý có thôn trưởng thôn Nhơn Hòa là Phạm Văn Văn, dịch mục [mất mấy chữ] sao lục công văn hồi năm Minh Mạng thứ 9 (1828), thừa lệnh viên Bảo hộ đời trước là cố Nguyễn Văn Thoại cho phép bọn họ tới đường xe đi ở mé phải xứ Sô Cần Lê thẳng tới tả ngạn sông Vĩnh Tế [mất mấy chữ]… được phép quy tập các dân ẩn lậu bên ngoài, lập thành thôn ấp. Từ đó tới nay chưa có đơn xin trưng khẩn. Vả đấy ấy đông có cống Xoài Cung thẳng tới Toàn Bang, giáp địa phận thôn Vĩnh Tế Sơn, tây giáp địa phận thôn Vĩnh Thạnh, có cống nhỏ Lai Thơm và đường xe đi dẫn tới suối Sô Cần Lê giáp địa phận thôn Vĩnh Trung, bắc giáp bờ sông Vĩnh Tế, phía nam còn rừng làm giới hạn. Đông tây tứ cận đều có ranh giới. Xin trưng đất ấy thành một sở sơn điền hạng ba. Đến năm thứ 17 (1836) chịu nạp thuế theo lệ. Nay đưa văn thư về phủ tra xét sự thực rồi xử trí.

Nhân đó sai thừa phái lại trong phủ tới xứ đó tra xem. Đất ấy quả thực là địa phận thôn ấy, không có xâm chiếm của thôn khác. Trừ ra những chỗ đã có trong bản đồ và có cắm cọc tiêu riêng thì những chỗ khác đều phù hợp. Xin đem hết mọi việc bẩm rõ để chờ chỉ thị".

Văn kiện này cho thấy mặc dù chưa được công nhận chính thức nhưng làng Nhơn Hòa đã có tên và phạm vi đông tây tứ cận rõ ràng. Từ năm 1828 đến năm 1835, trong khoảng sáu năm thì làng bắt đầu mới dâng đơn xin trưng khẩn. Ngoài ra còn tờ trình của Thông lại phủ Tuy Biên là Vũ Văn Hậu bẩm rằng: "đã tới xứ đó triệu tập phó tổng ấy [tức tổng Châu Phú] và các thôn lân cận hội đồng khám biên đất ấy, cắm cọc tiêu, vẽ bản đồ, ghi chú rõ ràng, lại đem biên bản về trình chờ xử trí".

Ngoài ra còn tờ cam kết của các thôn Vĩnh Tế Sơn, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung xác nhận đã khám biên, thừa nhận đất ấy là đất của thôn Nhơn Hòa chứ không có tranh chấp. Nội dung cam kết gần như giống hệt nhau. 

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.