Thoảng hương hoa dẻ - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

13/06/2021 06:00 GMT+7

Diễm đứng đó, bên cạnh quan tài chồng. Không gào khóc, kể lể, than vãn ầm ĩ như đám đông đang xúm xít kia.

Chị chầm chậm mặc lên người bộ áo tang, đội lên đầu chiếc khăn tang trắng toát. Bà con hàng xóm, anh em nội ngoại, bạn bè thân hữu bắt đầu tới viếng. Tiếng đàn nhị như kéo theo những vết xước dài khứa vào lòng Diễm. Khói hương nghẹt thở, tiếng khóc nỉ non, Diễm như cái cây không rễ chỉ muốn đổ gục xuống bất cứ lúc nào. Ai đó giật gấu áo Diễm nhắc: “Khóc đi con. Khóc cho nhẹ lòng. Khóc cho chồng con đỡ tủi”. Diễm cũng muốn khóc lắm. Không phải cho người nằm trong quan tài kia mà là khóc cho mình. Nhưng mọi đau hận cứ dồn nén lại căng tức trong lồng ngực không cách nào trào được ra ngoài. Hai đứa con đều đang ở nước ngoài, dịch bệnh không thể bay về. Diễm chỉ có một mình ở đây, sự cô độc như những ngọn chông nhọn hoắt đầy tính sát thương chĩa về phía chính mình. “Vĩnh ơi. Chết là hết ư? Anh ra đi dễ dàng như thế được ư?”. Ngay cả những lời trách móc ấy Diễm cũng ghìm lại trong cổ họng. Lời xót xa vọng lại bên tai: Tội nghiệp, người giỏi giang thế mà chết; Rõ khổ, vừa hiền lành tốt bụng lại yêu vợ thương con, ấy thế mà vắn số; Khổ thân chị vợ, chồng mất sớm mà con cái ở xa. Chẳng biết bao giờ mới nguôi ngoai được… Mẹ chồng vịn tường lại ôm chầm lấy Diễm: “Khổ thân con, còn trẻ mà phải sống thờ chồng giống mẹ”. Diễm ghì mạnh vạt áo tang, chỉ nghe thấy tiếng nuốt nước bọt khô khốc trong cổ họng.
Mọi thứ liên quan đến Vĩnh đều được mang đi đốt, Diễm chỉ giữ lại một tờ giấy gấp gọn kẹp trong cuốn sổ. Lo tang lễ cho chồng xong xuôi, Diễm đóng cửa nằm một mình trong nhà. Chị vẫn không thể tin được người đàn ông đã đi bên cạnh mình gần nửa đời người giờ chỉ còn là nắm tro tàn nằm sâu trong lòng đất. Vĩnh chết mang theo những dấu son môi trên cổ, mùi nước hoa của người đàn bà khác. Mang theo gối chăn hờ hững và những gằn hắt, xô lệch trong đời sống hôn nhân lạnh lẽo này. Vĩnh để lại hình ảnh về một gia đình hạnh phúc, một người chồng, người cha chuẩn mực trong mắt người đời. Bây giờ giả dụ Diễm có nói về nỗi bất hạnh của mình chắc cũng chẳng ai tin. Người ta thường bảo Diễm tu bảy kiếp mới lấy được Vĩnh. Đàn bà cả xóm này thường chỉ tay sang nhà Diễm nói: “Nhìn chồng người ta mà thèm”. Họ đâu có biết Diễm cũng từng nhìn sang nhà họ ao ước những cánh cửa mở toang. Người vợ hét vào mặt ông chồng say xỉn mà chẳng cần ý tứ xung quanh. Hoặc một buổi sớm mai, mở mắt ra đã thấy ông chồng vùng vằng với cô vợ đỏng đảnh ăn phở không được bỏ hành. Đàn bà túm năm tụm ba bàn chuyện gối chăn. Hoặc thoải mái rủ nhau đi đánh ghen hộ bà vợ nhà hàng xóm. Họ sống chẳng cần phải ngó trước nhìn sau. Chẳng phải bận tâm xem người ta nghĩ gì về mình. Như chị hàng xóm vui vẻ ghé tai Diễm để khoe vừa mới ly hôn chồng. Lý do chẳng có gì to tát, chỉ vì một hôm ra đường gặp được người đàn ông “hợp với mình quá thể”. Hợp đến mức chị nghĩ những ngày tháng đã qua mình sống uổng phí quá. Hợp đến mức chị nghĩ sớm muộn gì mình cũng thuộc về người đàn ông ấy. Thiên hạ chửi đồ lẳng lơ, trốn chúa lộn chồng. Chị đáp trả người đời bằng môi son má phấn, lúng liếng mắt môi. Biết tính chị phổi bò, chẳng để bụng bao giờ nên có lần gặp nhau ở siêu thị, Diễm bảo:
- Mấy ai dám như chị. Dù thiên hạ khối người ngày đêm ôm mộng bỏ chồng.
- Mình có sống với thiên hạ đâu em. Họ cười mãi rồi cũng chán.
Diễm cũng nghĩ như thế hàng đêm. Phải ly hôn. Phải làm bung bét chuyện Vĩnh ngoại tình. Phải kết thúc ở đây để sống một trang đời tươi mới. Nhưng sáng ra, vừa mở mắt đã thấy tấm ảnh chụp chung cả gia đình hiện ra ngay trước mặt. Diễm lại nghĩ đến hai đứa con sắp đến tuổi gả chồng. Việc bố mẹ ly hôn cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý các con. Diễm không muốn chúng mang theo vết thương lòng và những hoài nghi về hạnh phúc khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân. Rồi khi ánh sáng rờ rỡ hiện ra Diễm không thể vượt qua được nỗi sợ hãi những lời đàm tiếu bủa vây, soi mói mỗi ngày. Đã có lúc nhìn vết son môi trên cổ chồng, Diễm hỏi:
- Anh không sợ tôi làm ầm ĩ lên thì anh sẽ mất rất nhiều thứ à?
- Em cứ coi như không nhìn thấy gì hoặc coi nó như một vết bẩn là xong.
- Có những vết bẩn không bao giờ gột sạch, anh biết chứ?
Diễm nhìn quanh, chỗ nào cũng thấy treo bằng khen của Vĩnh. Chị không có gì đáng tự hào trong căn nhà này ngoài hai đứa con khôn lớn trưởng thành. Ngay cả việc đẻ một đứa con trai nối dõi cho nhà chồng chị cũng không làm được. Khi lấy nhau Vĩnh là bác sĩ trẻ có triển vọng, Diễm là cô giáo mới ra trường được phân công dạy xa nhà. Đứa con đầu ra đời, Vĩnh nói: “Thôi em ở nhà chăm sóc con để anh yên tâm phấn đấu”. Bố mẹ ở xa chẳng thể cậy nhờ mà lương giáo viên không đủ tiền thuê người trông con, nên nghe chồng tính, Diễm cũng gật đầu. Sau mấy chục năm cắm mặt vào căn bếp lo nấu nướng, giặt giũ, giờ đứng cạnh Vĩnh chị thấy mình ngày càng bé nhỏ hơn. Không có cuộc vui nào Vĩnh dẫn chị theo. Ngay cả những thời khắc quan trọng của cuộc đời Vĩnh cũng không muốn chị xuất hiện cạnh bên. Chẳng có người đàn bà nào muốn làm chiếc bóng mờ nhạt của chồng. Vĩnh bảo: “Em chỉ cần an phận. Ngoài kia biết bao người muốn được như em”. Vĩnh nói đúng, chị từng rất tự hào khi được là vợ của một bác sĩ giỏi có con đường sự nghiệp ngày càng thăng tiến. Họ hàng hai bên hễ đau ốm hay có việc cần Vĩnh đều có mặt. Thỉnh thoảng lại có người bấm chuông dúi cho nải chuối, mớ rau, con gà, chục trứng… Quà quê của những người họ hàng gần xa được Vĩnh nhiệt tình giúp đỡ mà không vụ lợi bất cứ điều gì. Ra đến chợ ai chẳng biết Diễm là vợ của bác sĩ Vĩnh, phó giám đốc bệnh viện thị xã. Người này níu lại khen, người kia níu lại kể dăm ba câu chuyện. Có khi đến trưa Diễm mới về đến nhà mang theo chật ních những lời có cánh về chồng. Mọi người chỉ biết Vĩnh là niềm tự hào của chị. Họ đâu biết Vĩnh tận tình với cả thế giới nhưng với chị thì không. Những ngày đau ốm nằm nhà không một lời hỏi han chị đã nghĩ đời mình thật hẩm hiu, muốn làm bệnh nhân của Vĩnh thôi cũng khó.
***
Diễm gặp Quân ở đó, trong một phòng khám tư nhỏ. Thời tiết lúc giao mùa khiến bệnh viêm họng hạt mãn tính của chị tái phát. Suốt đêm chị không ngủ được, cổ họng ngứa râm ran. Ngứa đến mức chị phải ho gằn lên từng cơn, nhiều lúc chỉ ước có thể thò tay vào mà cào cấu trong cổ họng. Vậy mà Vĩnh nói: “Có sao đâu. Chỉ cần súc miệng nước muối, uống mật ong, ngậm tỏi vào là khỏi. Nếu không khỏi hôm nào anh kê cho đơn thuốc”. Chờ cái “hôm nào” của Vĩnh lâu đến mức những cơn ho khan khiến Diễm thấy kiệt sức. Biết chồng vì nhiều lý do mà không muốn mình xuất hiện ở viện nên Diễm tìm đến phòng khám tư. Rộng chừng vài chục mét vuông, bên ngoài treo biển: “Phòng khám Tai - Mũi - Họng. Bác sĩ Quân”. Cây hoa dẻ dễ chừng phải vài chục năm tuổi được trồng ngay trước quán. Những nhánh cây đan vào nhau quấn quýt, từng bông hoa vàng ươm buông xuống hệt như chiếc đèn lồng. Lâu lắm rồi Diễm không được nhìn thấy loài hoa tuổi thơ này. Ký ức theo hương hoa mà ùa về nguyên vẹn. Từng có thời Diễm luồn rừng hái hoa dẻ mang về để trên cửa sổ. Nhưng ngày nào cũng vậy, hoa hái về chẳng được bao lâu đã sạm đen và không còn hương thơm nữa. Mẹ bảo: “Ở đời có những thứ càng muốn nắm giữ lại càng nhanh tàn lụi”. Ngẫm lại chuyện đời thấy lời mẹ nói không sai. Mà kể cũng lạ, giữa lúc người ta mê mẩn với lan đột biến, hoa hồng ngoại thì chủ nhân của phòng khám này lại chơi hoa dẻ. Quân cười bảo:
- Lúc khó khăn nhất tôi phải bán căn nhà ở quê. Tôi không mang theo được gì ngoài ký ức và cây dẻ này chị ạ.
- Chắc tuổi của cây cũng gần bằng tuổi chúng ta, anh nhỉ?
- Hồi tôi lên mười, bố tôi trồng xong cây dẻ này thì đi. Kể từ đấy ông không bao giờ quay lại nữa. Tôi nghe dân làng bảo bố tôi đi theo tiếng gọi của tình yêu.
- Vậy tại sao trước khi đi ông lại trồng cây dẻ mà không phải một loại cây nào khác?
- Tôi đoán vì mẹ tôi thích loài hoa dẻ. Đấy có thể là điều tốt đẹp cuối cùng ông dành cho bà. Nhưng ông không biết rằng để lại một thân cây là để lại thứ ký ức mãi tươi xanh nhức nhối trong lòng người đàn bà bất hạnh. Bởi nhìn cây là nhớ tới người. Nhìn hoa mà thấy rờ rỡ nỗi đau tồn tại trong tim.
- Vậy tại sao anh còn muốn mang cây dẻ theo mình? Sao không để nó lại mảnh đất ấy? Hoặc là chặt nó đi?
- Bởi vì tôi yêu tất cả những gì thuộc về mẹ. Với tôi mà nói ký ức về mẹ luôn đẹp đẽ. Tôi yêu cả những nỗi đau của bà. Yêu như yêu vết thương trên chính cơ thể mình.
- Vậy anh có trách bố mình không?
- Lúc bé thì có nhưng lớn lên thì không. Tôi hiểu rằng chẳng có gì giữ chân được một người ngoài hạnh phúc. Đi hết nửa đời người mới nhận ra hận thù, trách móc ai đó chẳng làm tôi vui được.
Diễm cũng không hiểu tại sao những người xa lạ gặp nhau thường dễ trải lòng. Sau vài ba lần đến điều trị tại phòng khám của Quân, chị thấy được làn gió tươi mới hiu hiu thổi trong trái tim héo hắt của mình. Nhiều chuyện bức bí trong lòng khi nói ra thấy nhẹ nhõm hơn. Có lúc phòng khám vắng khách, giọng hát của Tuấn Ngọc vang lên: “Khi thấy buồn em cứ ghé chơi/Chim vẫn hót trong vườn đấy thôi/Chỉ có trong tôi ngày đã sang đêm lâu rồi…”. Quân như chìm vào tiếng ca, mê mải lần tìm theo dấu vết của ký ức.
- Trước kia cô ấy luôn ngồi ở đây, trên chiếc ghế này, đúng chỗ Diễm đang ngồi đó. Cô ấy ngồi để hong tóc cho khô. Ngày nào cô ấy cũng gội đầu, thói quen ấy có từ lúc bé. Cô ấy nói không chịu đựng được khi vô số những hạt bụi bám đầy trên người. Chúng nhặm nhượi đến mức tưởng như da thịt hay từng sợi tóc cũng sắp bị ăn mòn.
- Sao tôi đến mấy lần mà không gặp vợ anh?
- Cô ấy đi đã được ba năm. Sự bình yên nơi này không thể giữ nổi chân cô ấy. Cô ấy thuộc tuýp người sợ những gì cũ kỹ. Tôi lại là kiểu người ưa hoài niệm.
- Anh có nghĩ cô ấy sẽ quay về?
- Không đâu. Với cô ấy nơi này đã thành bụi. Cũ kỹ và nhặm nhượi. Mà Diễm có sợ bụi không?
- Chẳng phải chúng ta ai rồi cũng trở về với cát bụi đấy sao.
Quân mỉm cười, anh đứng dậy cầm chổi quét những cánh hoa dẻ rụng đen sì dưới sân. Nhát chổi rất khẽ khiến Diễm nhớ đến bóng dáng bố mình. Cả đời ông thường thức dậy sớm hơn mẹ để quét dọn cửa nhà, sân cổng. Bố biết đêm mẹ thường mất ngủ, mãi gần sáng mới bắt đầu chợp mắt. Nên lúc nào ông cũng cố gắng lia chổi thật khẽ khàng để mẹ không thức giấc. Bố cả đời làm một lão nông bình thường yêu mẹ theo cách bình thường nhất. Tình yêu của ông không lãng mạn hào hoa hay đao to búa lớn. Mà tình yêu ấy có khi được thu vén lại trong từng nhát chổi. Giản dị và bình yên đủ cho mẹ dựa vào suốt cuộc đời. Cũng đã lâu lắm rồi Diễm mới thấy rung động trước một người đàn ông khác Vĩnh. Chị nhận ra tim mình chưa đến nỗi cỗi cằn. Một thân cây già nua, xù xì, bạc phếch thời gian rồi đến mùa xuân cũng mọc lên chồi xanh lộc biếc. Diễm nhận ra lòng mình rồi cũng sẽ như mầm xanh ấy, yêu như lần đầu yêu. Có thể không phải là Quân thì cũng sẽ là một người đàn ông khác. Lúc dắt xe về đến cổng trời cũng đã nhập nhoạng tối. Chị không muốn mở cửa bước vào nhà để bật điện sáng choang, vội vàng nấu nướng rồi chờ đợi một người có thể sẽ không về. Hoặc nếu có về cũng lầm lì ăn uống qua loa cho xong bữa. Lâu rồi hai vợ chồng chị không thể ngồi nói chuyện cùng nhau. Trong mắt Vĩnh, vợ là người không cùng chí hướng, không biết gì ngoài mấy chuyện bếp núc cơm canh. Nên không thể sẻ chia những trăn trở khó khăn trong công việc của chồng. Vĩnh chỉ nói với chị những gì cần nói nhất, ngắn gọn, súc tích, cụt ngủn như thể anh phải trả phí cho ngôn từ của mình. Bước ra khỏi cánh cửa ngôi nhà Vĩnh sẽ trở thành một người đàn ông hoàn toàn khác. Nhã nhặn, lịch thiệp, khôn khéo và ân cần với cả thế giới này. Diễm ngồi xuống chiếc ghế đá ngay trước cổng nhà, nghe cánh hoa ti gôn rơi xuống vai mình.
Diễm chìa trước mặt Vĩnh tờ đơn ly hôn. “Anh ký nó đi, ngay bây giờ. Để giải thoát cho nhau”. Vĩnh hơi sững sờ, có thể vì anh nghĩ chị sẽ không bao giờ làm vậy. Trong suy nghĩ của Vĩnh, chị sẽ cam chịu sống một cuộc đời như thế với mọi sự sắp đặt của anh. Vĩnh biết chị sợ điều tiếng và trọng danh dự. Vĩnh tin chị sẽ chấp nhận làm cái bóng của mình để yên ổn sống suốt phần đời còn lại. Anh cũng như bao người đàn ông khác dù có quan hệ ngoài luồng bên ngoài nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ly hôn. Nhìn tờ đơn trên bàn, Vĩnh nói:
- Không phải bây giờ.
- Vậy thì bao giờ? Khi anh ngồi yên vị trên chiếc ghế giám đốc bệnh viện à? Em không muốn diễn mãi cái tuồng làm hậu phương vững chắc của anh. Em còn phải sống cho mình nữa.
- Anh đã phấn đấu suốt hơn hai mươi năm... Em làm ơn yên tĩnh được không?!
Giờ ngồi trước di ảnh của chồng, từng lời nói còn vọng trong tâm trí Diễm. Chuyện hôm đó như mới vừa xảy ra. Một trận cãi vã nảy lửa và cái tát còn đau thấu tận tim, những ngón tay của Vĩnh như vẫn đang hằn trên má Diễm. Lúc nghe tin Vĩnh bị tai nạn ở một cung đường xa lắc Diễm đã vội vàng tìm đến. Suốt nhiều năm nay Vĩnh luôn đồng hành cùng đoàn y bác sĩ đi khám chữa bệnh miễn phí cho bà con dân tộc miền núi. Vĩnh nói sau chuyến đi này cả hai vợ chồng sẽ cùng ngồi lại bàn tính chuyện ly hôn. Đến nơi Diễm mới biết chuyến đi này không chỉ có mình Vĩnh. Trong số những bác sĩ đi cùng có cả cô nhân tình xinh đẹp của anh. Diễm tìm thấy trong túi áo ngực của anh tờ đơn ly hôn được gập gọn. Trên đơn vẫn không có chữ ký của anh. Anh chọn cách giải thoát cho Diễm như thế này ư? Hay nó chính là sự trói buộc cuối cùng…
Nơi Diễm sống thấp thoáng vài bóng người góa phụ. Chồng chết họ mặc màu áo tối hơn, kín đáo hơn. Họ lui về góc nhà chăm chút cho những đứa con và phụng dưỡng bố mẹ chồng. Họ không dám tếu táo vui đùa với đàn ông giữa chốn đông người. Họ thôi nói về tình yêu và sợ hãi trước những lời đàm tiếu. Họ sợ nếu hẹn hò yêu đương thì con cái ra đường không dám ngẩng mặt nhìn ai. Sợ nhà chồng đánh giá “già rồi còn dửng mỡ”. Trong mắt mọi người tình yêu của Vĩnh dành cho vợ con hoàn hảo đến mức họ nghĩ Diễm sẽ dành cả quãng đời còn lại để thủ tiết thờ chồng. Thế mới biết có những thứ định kiến giết chết người ta ngay cả khi còn sống.
Những ngày tháng này Diễm không muốn nghĩ nhiều. Vĩnh vẫn quanh quẩn đâu đó trong tiềm thức. Chỉ còn mình chị trong căn nhà quá rộng. Không còn người để vì nhau, trách nhau, chất vấn đúng sai. Vĩnh đi, ngay cả một lời xin lỗi cũng chưa từng nói. Chỉ hương khói lặng câm không một tiếng vọng nào. Nếu có thật một thế giới bên kia chắc Vĩnh sẽ không ngoảnh lại. Anh đã nắm lấy tay người phụ nữ của mình phiêu diêu ở một vùng trời khác. Dạo này Diễm hay mơ thấy lưng chồng. Vẫn là tấm lưng quen thuộc mà bao nhiêu năm nằm quay về phía chồng, chị nhìn thấy nó. Những vầng mây trắng đón Vĩnh đi. Diễm cũng không còn muốn nghĩ về những ngày tháng cũ. Trong giấc mơ của mình, Diễm thấy thoảng xa xôi hương hoa dẻ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.