Thoát khỏi lưỡi hái tử thần

08/04/2014 14:15 GMT+7

(TNO) Theo các nhà chức trách Malaysia, 239 người trên chuyến bay MH370 "không ai sống sót". Nhưng ngọn lửa hy vọng luôn được thắp lên. Tại Việt Nam, những thảm họa giao thông kinh hoàng cũng từng xảy ra, và rồi sự sống, dù mong manh, đã mỉm cười với những con người may mắn.

(TNO) Thảm họa chuyến bay MH-370 mất tích (hãng hàng không Malaysia Airlines) vẫn đang khiến cả thế giới bàng hoàng.

Theo các nhà chức trách Malaysia, 239 người trên chuyến bay MH370 "không ai sống sót". Nhưng ngọn lửa hy vọng luôn được thắp lên. Tại Việt Nam, những thảm họa giao thông kinh hoàng cũng từng xảy ra và trong đó, sự sống, dù mong manh, đã mỉm cười với những con người may mắn.

Kỳ 1: Sống sót khi máy bay lao khỏi đường băng Phú Quốc

 Trong ảnh ông Nguyễn Xuân Có đang kể lại nguyên nhân tai nạn của máy bay của 24 năm trước

Trong ảnh ông Nguyễn Xuân Có đang kể lại nguyên nhân tai nạn của máy bay của 24 năm trước 2
Trong ảnh ông Nguyễn Xuân Có đang kể lại vụ tai nạn máy bay 24 năm trước

Video clip: Ông Có kể về câu chuyện thoát chết may mắn của chuyến bay cách đây 24 năm

Đầu tháng 5.1990, một tai nạn máy bay đáng sợ từng xảy ra tại Phú Quốc (Kiên Giang). May mắn, tất cả 50 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn đều sóng sót. Khi đó, chuyến bay số hiệu A26 hai cánh quạt với 50 hành khách trên đường từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Phú Quốc, đã bị trượt khỏi đường băng khi hạ cánh.

 
Lúc đó tôi nhìn thấy máy bay xuống nửa đường băng là quá gần nên chuẩn bị sẵn tinh thần sẵn sàng trong sự lo lắng. Thế rồi, tôi nghe một tiếng “bang” rất lớn và những chấn động mạnh tiếp theo. Ghế ngồi gãy đổ, hành khách nằm đè lên nhau; hành lý trong các ngăn rơi xuống đầu nhiều hành khách và mọi người hoảng hốt kêu la tìm đường thoát. Có trường hợp như anh Sỹ, nhà ở khu phố 2 thị trấn Dương Đông, ngồi gần cửa máy bay, văng ra ngoài mặt đất, còn một số người đã ra được bên ngoài thì chạy xuống rạch Ông Trì nhằm cố làm dịu cái nóng và thương tích
Ông Nguyễn Xuân Có,
nguyên Giám đốc sân bay Phú Quốc, cũng là hành khách trên chuyến bay

Lúc ấy, khi hạ cánh, chiếc máy bay đã đáp xuống ở đoạn nửa đường băng, lao xuống con rạch phía trước. Chiếc máy bay bị phá hủy nặng nề, một động cơ văng xa gần 100 m. Nhưng điều kỳ diệu là không có một người nào trên chuyến bay tử nạn.

Lời thuật lại của nhân chứng

Ông Lê Văn Thơm (63 tuổi, nhà ở gần sân bay cũ, thuộc khu phố 10, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc) kể lại: Hôm đó tôi đang làm cỏ vườn tiêu, cỡ khoảng 10 giờ sáng thì nghe tiếng máy bay đáp xuống và sau đó là một tiếng va chạm rất lớn dội vào núi. Lúc đó, tôi thấy những âm thanh rất lớn từ chùa ông Phụng dội ngược trở lại, khiến tôi và mấy người đang làm vườn kinh ngạc, không biết việc gì xảy ra.

Bà Nghiêm Thu Thủy (58 tuổi, cán bộ sân bay Phú Quốc, mới nghỉ hưu năm 2011) cho biết: Lúc đó tôi làm công tác thương vụ tại mặt đất. Khi ấy, cũng khoảng hơn 9 giờ sáng, ga hàng không đang chuẩn bị đón máy bay từ Tân Sơn Nhất đáp xuống như lịch bình thường, thì nghe một tiếng va chạm to khác thường. Sau đó, tôi thấy toàn bộ nhà ga đều nhốn nháo. Tiếng thông báo từ hệ thống bộ đàm của các nhân viên đường băng cho biết máy bay đã gặp nạn.

“Khi ấy, chúng tôi chạy đến hiện trường thì hành khách đã thoát ra hết bên ngoài, chỉ có mỗi cơ trưởng là bị chấn thương nhẹ ở đầu, tay. Tất cả hành khách chỉ bị xây xát, không nặng lắm so với một vụ tai nạn hàng không. Theo anh em trực đường băng, khi hạ cánh, máy bay bị lỡ đà và phi công đã cố gắng định cất cánh bay lên trở lại. Nhưng vì đ xuống quá thấp, nên không thể bay lên được nữa", bà Thủy thuật lại.

May mắn hi hữu

Theo nhiều người, một tai nạn máy bay nguy hiểm như vậy, nhưng  50 hành khách chỉ chấn thương phần mềm (cơ trưởng cũng chỉ bị thương nhẹ) là điều rất hiếm có.

Qua tiếp xúc với nhiều nhân chứng, chúng tôi được biết, chính việc xử lý tình huống của phi công và khả năng thoát khỏi hiện trường tai nạn một cách mau chóng đã góp phần quan trọng trong sự may mắn này.

Chia sẻ với PV Thanh Niên Online, ông Nguyễn Xuân Có (80 tuổi, ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương), nguyên Giám đốc sân bay Phú Quốc, cũng là hành khách trên chuyến bay đó, cho biết: Hôm đó tôi có mặt trên chuyến bay A26, là loại máy bay hai cánh quạt. Thời điểm ấy, ngày 1 hay 2.5.1990, máy bay cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, trên máy bay có 50 hành khách và phi hành đoàn có 5 người. Sau gần 50 phút bay thì đến Phú Quốc, thời tiết tháng 4, tháng 5 ở đảo tốt.

Theo ông Nguyễn Xuân Có, nguyên nhân gây ra tai nạn máy bay là do lỗi ở phi công đã không cho máy bay đáp đúng vạch T (vạch sơn ở đầu đường băng). Phi công phán đoán lấy tầm không tốt, nên khi tiếp đất, máy bay đã ở nửa đường băng. Do đó, cự ly còn lại của đường băng không đủ để máy bay giảm tốc độ.

Tuy nhiên, theo ông Có, khi phát hiện sai lầm, phi công đã kịp đánh lái qua bên trái và máy bay lao xuống con rạch phía trước (tức rạch Ông Trì ). May mắn hơn, khoảng đường từ đường băng đến con rạch chủ yếu là đất cát và có độ dốc kéo dài nên không gây cháy nổ.

 Khu vực máy bay bị nạn tại rạch Ông Trì nay đã được san lấp bằng phẳng
Khu vực máy bay bị nạn tại rạch Ông Trì nay đã được san lấp bằng phẳng

“Lúc đó tôi nhìn thấy máy bay xuống nửa đường băng là quá gần, nên chuẩn bị sẵn tinh thần sẵn sàng trong sự lo lắng. Thế rồi, tôi nghe một tiếng “bang” rất lớn và những chấn động mạnh tiếp theo. Ghế ngồi gãy đổ, hành khách nằm đè lên nhau; hành lý trong các ngăn rơi xuống đầu nhiều hành khách và mọi người hoảng hốt kêu la tìm đường thoát. Có trường hợp như anh Sỹ, nhà ở khu phố 2 thị trấn Dương Đông, ngồi gần cửa máy bay, văng ra ngoài mặt đất, còn một số người đã ra được bên ngoài thì chạy xuống rạch Ông Trì nhằm cố làm dịu cái nóng và thương tích”, ông Có kể lại. 

Theo lời ông Có, tất cả hành khách chỉ bị thương ngoài da do va chạm. Phi công lái chính tên Cường bị thương ở đầu, tay do va đập trong buồng lái. Sau đó các đội cấp cứu đã có mặt ngay tại hiện trường và đưa những người bị thương đi cấp cứu tại Bệnh viện Phú Quốc.

Đối với số phận chiếc máy bay bị nạn, theo ông Có, nó đã hư hỏng hoàn toàn và sau đó được bán sắt vụn. Thoát chết, không chỉ bản thân ông Có mà nhiều hành khách khi đó tin rằng, đã có một sự kỳ diệu xảy ra...

Bài, ảnh: Giang Sơn

>> Video: Hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Lào
>> Tai nạn máy bay ở Lào, 49 người chết, trong đó có 2 người VN
>> Tai nạn máy bay ở CH Congo, 30 người chết
>> Bộ trưởng Nội vụ Philippines mất tích sau tai nạn máy bay
>> Tai nạn máy bay tại Nigeria, 193 người chết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.