Thoát nghèo nhờ nuôi cá diêu hồng…

Mạnh Cường
Mạnh Cường
11/09/2021 08:00 GMT+7

Tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn tại lòng hồ thủy điện Đắc Pring, chàng trai người dân tộc Cơ tu ở tỉnh Quảng Nam đã đầu tư lồng bè nuôi cá diêu hồng để thoát nghèo…

Để đến được nơi nuôi cá diêu hồng lồng bè trên khu vực lòng hồ thủy điện Đắc Pring của anh Arâl Dom (33 tuổi), ở thôn Pring, xã Chà Vàl, H.Nam Giang, Quảng Nam, chúng tôi phải dùng thuyền máy di chuyển. Sau thời gian nghiên cứu mô hình, anh Dom đã nuôi thử nghiệm trong 1 lồng bè với 4.500 con cá diêu hồng giống.
Trước khi khởi nghiệp với mô hình nuôi cá lồng bè, anh Dom có thời gian khá dài đầu tư nuôi gà và heo cỏ địa phương. Hàng trăm con gà thả vườn được duy trì nuôi, trở thành nguồn thực phẩm sạch cung ứng cho thị trường tại chỗ. Nhưng chỉ được 2 năm, do điều kiện thời tiết bất thường, mô hình chăn nuôi gà thả vườn của anh Dom không thể duy trì. Sau thời gian mày mò, tìm hiểu anh quyết định vay mượn vốn đầu tư nuôi cá lồng bè.
Theo anh Dom, nuôi cá diêu hồng không mất nhiều thời gian. Loại cá này sống tốt trong môi trường tự nhiên nên chỉ thời gian ngắn phát triển rất nhanh. “Chỉ sau 6 tháng đầu tư nuôi thử nghiệm, cá phát triển tốt, mình xuất bán hơn 2 tấn cá. Với giá bán cá diêu hồng tại chỗ từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, giúp mình thu về hơn 120 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao, mình tiếp tục đầu tư thêm 3 chiếc lồng bè và thả nuôi thêm khoảng 5.000 con cá diêu hồng”, anh Dom nói.
Biết được mô hình nuôi cá diêu hồng của anh Dom, người dân địa phương thường tìm đến đặt hàng. Sau khi biết anh Dom nuôi cá diêu hồng mang lại nguồn thu nhập ổn định, nhiều thanh niên ở xã Chà Vàl bắt đầu chuyển đổi mô hình kinh tế gia đình từ trồng keo sang nuôi cá lồng bè. Đặc biệt, anh Dom luôn tận tình chia sẻ quá trình nuôi cá của mình cho người có nhu cầu.
Anh Bùi Thế Anh, Bí thư Huyện đoàn Nam Giang, cho biết mô hình nuôi cá lồng bè, dù không mới nhưng ở miền núi Nam Giang, việc tiếp cận của thanh niên còn chưa phổ biến. Mô hình nuôi cá lồng bè của anh Dom là đầu tiên của thanh niên địa phương. Từ mô hình này, tới đây, địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá hiệu quả cụ thể để nhân rộng.
“Ở Nam Giang và một số huyện miền núi bây giờ đều có các lòng hồ thủy điện, việc nuôi cá diêu hồng được xem là lợi thế để thanh niên thực hiện các mô hình chăn nuôi kết hợp. Trong khả năng của Huyện đoàn, chúng tôi sẽ kết nối, kêu gọi hỗ trợ về nguồn vốn, con giống, thức ăn… giúp thanh niên địa phương duy trì các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi luôn khuyến khích thanh niên tự thân lập nghiệp, làm giàu bằng các sản phẩm, mô hình kinh tế phù hợp với nhu cầu thị trường và thực tiễn đời sống”, anh Bùi Thế Anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.