“Bén duyên” với rắn
La Minh Vũ “bén duyên” với con rắn hổ hèo hết sức tình cờ. Năm 2008, anh lên Sài Gòn thăm người bạn thân. Lúc ngồi lai rai, người bạn khuyên Vũ nên nuôi rắn hổ hèo vì ít tốn công chăm sóc lại bán được giá cao. “Để thử thời vận, tôi về quê mượn tiền mua con giống nuôi. Do không rành kỹ thuật nuôi nên rắn chết hàng loạt, chỉ còn lại số lượng rất ít nhưng bù lại bán được giá cao ngất”, Vũ nói.
|
Sau nhiều lần học hỏi cách nuôi từ bạn bè, anh trăn trở tìm cách làm sao để rắn không bị mất sức do tranh mồi với nhau. Thế rồi anh bắt tay nghiên cứu, thiết kế chuồng rắn thành từng hộc riêng biệt, mỗi hộc đều có cửa, lỗ thông hơi rồi đổ đất và thả rắn giống vào nuôi. Theo kinh nghiệm của anh Vũ, mỗi hộc chỉ nên thả nuôi một con, không nên nuôi chung với số lượng nhiều; cách 3 ngày phải lo thức ăn, nước uống, độ ẩm, lâu lâu sổ giun cho rắn; đặc biệt phải chăm sóc lúc rắn lột da, sinh đẻ…
Khi đã nuôi một vài lứa rắn hổ thịt và bán được giá, anh Vũ bắt đầu chia giống cho hàng chục thanh niên địa phương. Gắn chóa đèn pin lên trán, một tay cầm cây móc, một tay thò vào hộc lôi ra con rắn hổ to đùng còn đang phùng mang, anh Vũ tính : “Con này nặng gần 3 kí, mỗi kí giá 1 triệu đồng, mỗi năm nó đẻ 2 lứa, mỗi lứa trung bình 15 trứng, giá dao động từ 150.000 - 300.000 đồng/trứng. Tổng cộng con rắn hổ này cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng đó”.
Hiện 11 thành viên của CLB đang sở hữu hàng ngàn con rắn bố mẹ, rắn thịt. Riêng anh Vũ, mỗi năm cũng xuất bán được từ 1.500 - 2.000 trứng, 500 kg rắn thịt và hàng ngàn con giống cho khách hàng ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long… Tổng thu nhập chí ít cũng tiền tỉ.
“Sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất nhân rộng mô hình nuôi rắn hổ này với chính quyền địa phương. Giá rắn vào thời điểm thấp nhất cũng tròm trèm 750.000/kg, lúc cao nhất khoảng 1,2 triệu đồng/kg; cộng với đầu ra ổn định, rắn càng lớn càng có giá nên không sợ quá lứa hay bị ép giá”, anh Vũ phấn khởi nói.
Cùng nhau thoát nghèo
Cách đây gần một năm, khi ngồi uống cà phê với anh em đang nuôi rắn, anh Vũ đưa ra ý tưởng liên kết những người cùng nghề lại thành một hội để hỗ trợ lẫn nhau và giúp đỡ thanh niên thoát nghèo. Quan trọng nhất là tập hợp được tiếng nói của những người nuôi rắn hổ chuyên nghiệp để đề đạt những nguyện vọng, tâm tư tình cảm lên chính quyền, cơ quan kiểm lâm. Thế là CLB thanh niên nuôi rắn hổ ra đời.
Anh Dương Văn Tám thuộc diện hộ nghèo, hằng ngày phải làm hồ, chạy xe ôm, trồng rau bán… Thấy mô hình nuôi rắn đạt hiệu quả cao nên anh bàn với vợ lấy 20 triệu đồng đầu tư xây chuồng và mua 60 con rắn giống. Lúc mới nuôi, lứa rắn giống đầu tiên bị chết phân nửa, hai vợ chồng lắc đầu, ôm nhau khóc và định… đập chuồng. Nhờ biết cách học hỏi, trao dồi kinh nghiệm, hiện anh đang sở hữu vài trăm hộc rắn bố mẹ, có thể tự ấp trứng và nở được rắn con.
Anh Hoàng Công Hậu là cán bộ Hạt Quản lý đê điều TX.Ngã Bảy cũng quyết định làm thêm nghề nuôi rắn. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của anh Vũ và những anh em đi trước, anh vừa bán 20 kg rắn lứa đầu, thu được mười mấy triệu đồng. “Hiện giờ tôi còn nuôi 200 con, nếu xuất bán cũng được trăm ngoài triệu”, anh Hậu hồ hởi cho biết.
Ông Từ Nhuần Hiệp, Phó phòng Kinh tế TX.Ngã Bảy cho biết rắn hổ hèo không có nọc độc, thịt ngon, giá trị kinh tế cao và có công dụng trong y học. CLB nuôi rắn hổ hèo ở Ngã Bảy là mô hình kinh tế hiệu quả. Tuy nhiên, đây là loại động vật nằm trong sách đỏ Việt Nam nên vấn đề nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán phải có giấy phép của cơ quan chức năng. Thời gian qua, nhờ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, mô hình nuôi rắn hổ hèo đã đi đúng hướng, giúp thanh niên thoát nghèo và phát triển kinh tế địa phương.
Nguyễn Đức
Bình luận (0)