Thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

30/12/2017 08:26 GMT+7

Nhờ xuất khẩu lao động mà không ít hộ dân ở các vùng nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã thoát nghèo và trở nên khá giả.

Hiệu quả khích lệ
Hiện nay, các huyện Lai Vung, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Tam Nông… là những địa phương có số người tham gia xuất khẩu lao động nhiều nhất, nhờ đó đời sống cải thiện tích cực. Chị Nguyễn Thị Liễu (ngụ ấp Long Bửu, xã Hòa Long, H.Lai Vung) cho biết: “Năm 2016, sau khi được các ngành chức năng của huyện tư vấn về xuất khẩu lao động, tôi cho 2 đứa con gái sang Đài Loan làm cho công ty chuyên về linh kiện điện thoại. Nhờ có công việc ổn định, mức lương cao nên mỗi tháng 2 đứa con gửi về gia đình khoảng 15 triệu đồng - số tiền “trong mơ” đối với vợ chồng tôi”.
Tại xã Tân Mỹ, H.Lấp Vò, cứ đến ngày 10 hằng tháng là bà Nguyễn Thị Bé Hai ra ngân hàng nhận 8 triệu đồng từ người con gái lao động ở Đài Loan gửi về. Bà Bé Hai cho biết do kinh tế chật vật nên cách nay hơn một năm, con gái bà đi lao động tại Đài Loan theo hợp đồng 3 năm. Sang bên đó, thu nhập khá tốt nên tháng nào con gái cũng gửi tiền về, nhờ vậy gia đình bà “dễ thở” hơn trước rất nhiều. Cũng ở xã Tân Mỹ, ông Dương Văn Bột hớn hở khoe: “Trước đây, con trai tôi đi làm công nhân ở khu vực miền Đông, nhưng chi phí nhà trọ, ăn nghỉ, chi tiêu… cao quá nên không dư dả được. Thấy nhiều thanh niên huyện nhà nhờ đi xuất khẩu lao động mà khá lên nên nó xin đi học tiếng Nhật và nghề điện tử; sau đó sang thị trường Nhật Bản làm việc với mức lương khá tốt, mỗi tháng gởi về cho gia đình từ 20 - 30 triệu đồng”.
Đẩy mạnh xuất khẩu lao động
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Lai Vung, thông tin nếu như năm 2014 chỉ có 18 người đi xuất khẩu lao động thì đến tháng 10.2017, toàn huyện đã có 509 người. Năm 2017, chỉ tiêu tỉnh giao cho huyện là 100 người đi xuất khẩu lao động, kết quả đưa được hơn 205 người. Cũng nhờ có nhiều người đi xuất khẩu lao động mà vùng nông thôn H.Lai Vung như được khoác lên mình chiếc áo mới, khang trang hơn trước nhiều.
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp (thuộc Sở LĐ-TB-XH), năm 2017, toàn tỉnh đưa khoảng 1.600 người đi xuất khẩu lao động (chỉ tiêu đề ra 1.000 người); năm 2016, kế hoạch đưa 1.000 người đi xuất khẩu lao động nhưng kết quả có 1.113 người đi lao động nước ngoài. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp, cho biết: “Để hái được “trái ngọt” như hôm nay là cả quá trình phấn đấu không mệt mỏi. Năm 2014, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định xuất khẩu lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động, đem ngoại tệ về địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ngoài ra, xuất khẩu lao động cũng nhằm đào tạo nguồn lao động có trình độ kỹ năng tay nghề cao, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, biết ngoại ngữ, có sức khỏe…Đây cũng nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa sau này. Từ đó, Đồng Tháp có nhiều chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động, tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu và đồng tình đi lao động nước ngoài.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.000 người xuất khẩu lao động, hằng năm mang về cho Đồng Tháp khoảng 1.200 tỉ đồng. Tới đây, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động; trong đó tập trung vào học sinh vừa tốt nghiệp THPT nhưng không vào đại học, sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm, bộ đội xuất ngũ... Đối với những sinh viên hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, nhưng đến nay chưa trả nợ được bởi chưa có việc làm, tới đây ngành chức năng rà soát để tư vấn đi làm việc nước ngoài hoặc trong nước để có điều kiện trả nợ, ổn định cuộc sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.