Dự định trồng 4 gốc bông thiên lý trước nhà làm cảnh nhưng khi bông bán có giá, bà Nguyễn Thị Liên (54 tuổi, ngụ ấp Xây Đá B, xã Hồ Đắc Kiện, H.Châu Thành, Sóc Trăng) nắm bắt cơ hội mở rộng diện tích nhờ đó đã thoát nghèo.
Bà Liên đang thu hoạch bông thiên lý - Ảnh: Huyền Trinh
|
Trồng chơi…
Bà Liên tâm sự: “Gia cảnh của tôi trước đây vô cùng khó khăn. Sau khi lập gia đình, vợ chồng tôi được cha mẹ hai bên cho vài công ruộng trồng lúa, cây ăn trái kết hợp chăn nuôi heo, gà… nhưng vẫn không thoát được cái nghèo. Gia cảnh càng khó khăn hơn khi năm 1995, chồng tôi qua đời sau cơn bạo bệnh. Tôi phải một mình gồng gánh nuôi 2 con đang tuổi ăn, tuổi lớn”.
Từ khi chồng mất, bà Liên làm đủ nghề để lo cho con nhưng cuộc sống vẫn chồng chất khó khăn. Đầu năm 2013, anh Nguyễn Minh Thiện (33 tuổi, con trai thứ hai của bà Liên) đem về 4 gốc thiên lý trồng trước cửa nhà để tạo bóng mát và làm cảnh trước sân. Nhưng không ngờ chính mấy gốc thiên lý này đã mở ra cơ hội giúp gia đình bà Liên thoát nghèo.
Bà Liên kể: “Lúc đầu chỉ trồng chơi, nhưng thấy nhu cầu của thị trường nhiều nên tôi lên liếp gần 2 công ruộng để trồng bông thiên lý. Việc nhân giống giai đoạn đầu hết sức khó khăn vì chỉ mới có 4 gốc. Nhưng hơn một năm sau, toàn bộ diện tích đã phủ kín với hàng ngàn gốc thiên lý xanh tốt”.
… ăn thiệt
Hiện nay, vườn thiên lý của bà Liên thu hoạch bình quân từ 8 - 10 kg/ngày, giá bán 90.000 đồng/kg, người mua chủ yếu từ các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Với đầu ra thuận lợi như hiện nay, bà Liên dự tính sẽ mở rộng diện tích trồng thâm canh, đồng thời đầu tư thêm tiền xây dựng giàn cột đúc để sử dụng lâu dài. Bà Liên cho biết trồng bông thiên lý nhẹ công chăm sóc, mùa mưa không phải tốn công tưới nước, còn mùa nắng thì cứ 2 ngày mới tưới một lần. Để thiên lý trổ bông to, đẹp, khi dây thiên lý bắt đầu bò lên giàn khoảng 1 m phải ngắt đọt; dây nào đèo đẹt không ra bông thì nhổ bỏ để tạo độ thông thoáng và dành dinh dưỡng cho các dây khác phát triển. Thiên lý cho nhiều bông nhất từ tháng 1 đến tháng 6, còn muốn có bông nhiều và tốt cần mắc bóng đèn sưởi ấm cho cây.
Theo bà Liên, việc nhân giống thiên lý tuy đơn giản nhưng cần chọn loại cây giống già, cắt mỗi đoạn khoảng 2 - 4 tấc để đạt tỷ lệ sống cao. Đất trồng phải xới tơi xốp, vun thành mô nhỏ. Sau khi trồng, mỗi ngày phải tưới nước để giữ độ ẩm, mỗi tuần tưới phân hòa tan với nước một lần giúp cây đủ dinh dưỡng. Sau khi nhân giống, chuẩn bị sẵn giàn để sau đó ít tuần cây bắt đầu bò lên, khoảng hơn một tháng sau là thiên lý trổ bông và có thu hoạch. Bà Liên cho biết bông thiên lý hiếm khi có sâu bệnh hay côn trùng cắn phá, do đó gần như không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí rất thấp. Cũng vì vậy mà người tiêu dùng xem là loại rau sạch và sẵn sàng mua giá cao.
Ông Nguyễn Văn Thử, Phó chủ tịch Hội Nông dân H.Châu Thành, cho biết trồng bông thiên lý là mô hình mới, phù hợp với các hộ nghèo, ít đất sản xuất. Huyện đã tổ chức cho nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng bông thiên lý của bà Liên để áp dụng nhân rộng. Được bà Liên hướng dẫn tận tình, nhiều hộ bắt đầu trồng bông thiên lý đạt hiệu quả. Tuy nhiên, theo bà Liên, người dân không nên trồng thiên lý rầm rộ, với diện tích lớn để tránh tình trạng “thừa hàng, rớt giá” như một số loại nông sản khác. Hiện bà Liên đang xin gia nhập vào hợp tác xã rau sạch của TP.Sóc Trăng. Nếu được chấp thuận, thời gian tới mô hình trồng bông thiên lý sẽ được mở rộng, thị trường tiêu thụ ổn định hơn.
Bình luận (0)