Thoát sợ - Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ

20/09/2015 06:13 GMT+7

1 Có mưa mấy bữa trước nhưng chiều đó, trời rất êm nên anh và con trai đầu là thằng Tèo mới yên tâm vác lưới ra sông. Chưa được mẻ đầu bỗng nước từ đầu nguồn tuôn đổ về ầm ào và gió tự nhiên sốc xoáy khác thường.

Có mưa mấy bữa trước nhưng chiều đó, trời rất êm nên anh và con trai đầu là thằng Tèo mới yên tâm vác lưới ra sông. Chưa được mẻ đầu bỗng nước từ đầu nguồn tuôn đổ về ầm ào và gió tự nhiên sốc xoáy khác thường. Rồi nước bạc màu, ngầu đục. Gió vậy và nước vậy, thể nào cũng có nhiều loại thủy sản ngon và hiếm sinh sống từ đầu nguồn do nước cuốn mà trôi về. Và chắc chắn là phải có lịch huyết. Mà có thiệt và nhiều, bởi chỉ mấy mẻ lưới hai cha con đã kiếm được cả chục ký lịch. Cá cũng nhiều quá chừng, toàn loại cá ngon mới sướng chứ! Nhưng nước vầy gió vầy, không chừng có lũ. Anh mím chặt môi, nói gọn lỏn: “Về, kẻo không kịp”. Tèo đang cơn ham nên ậm ực, không vui. Anh thấy vậy ghẹo con: “Về, để má còn làm lịch huyết cho ăn nữa chứ!”.
Thoát sợ - Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ NữMinh họa: Tuấn Anh
Lịch huyết giống con lươn nhưng nhỏ hơn. Hiếm, bởi đâu có thường xuyên. Chỉ mấy lúc sông nước vầy và rộ chừng ít bữa là hết. Có nhiều, thể nào vợ anh cũng cho cả nhà ăn đã đời và đem ra chợ bán, kiếm cũng được bộn tiền. Vợ anh nấu ăn vốn đã khéo, với lịch huyết cô ấy còn chế biến đặc sắc hơn. Như món gỏi lịch trộn với các loại rau thơm, đậu phộng rồi món lịch huyết um với củ chuối, lá lốt. Rồi cháo lịch nóng hôi hổi, được húp từng ngụm lớn giữa lúc cả người đang thấm mưa lạnh ngắt như vầy, thôi chứ bàn cãi gì nổi. Húp tới đâu, cái ngọt cái ngon cái nóng đi theo tới đó. Ham cá ham lịch, ham thức ăn cho nhà, ham tiền nhưng anh vẫn không quên được hiểm nguy. Vì mưa mỗi lúc một to thêm, nước trên nguồn đổ về dữ hơn và gió xiết mạnh khiến chiếc ghe nhỏ xíu liên tục chòng chành, đã mấy lần suýt lật.
Chỉ mới trước đó không lâu, cha con anh còn hình dung tới những món ngon từ lịch huyết và chảy nước miếng. Vậy mà chỉ trong phút chốc, hết lịch hết chình hết chuyện uống chuyện ăn. Chỉ còn nỗi hãi sợ lấn áp. Anh trằn người ra chống đỡ. Tất cả sức nặng của cơ thể đổ dồn hết lên đôi tay, đôi chân để giữ cho cái ghe được thăng bằng. Trong khi đó, Tèo hối hả múc nước trong ghe ra. Cái chết cầm chắc mười mươi, vậy mà như có phép màu. Dòng nước dữ dội cuốn ghe trôi ào ào không ngờ xoáy cuốn trở xoay sao đó mà lại đẩy ghe mắc kẹt nơi ghềnh đá, sát mé sông. Cha con anh bò lết leo được lên cái mỏm đá cao nhất. Tay Tèo chỉ vừa kịp níu lấy cành sung sà sát mặt sông thì cái ghe đã vỡ vụn và biến mất. Vuốt nước mưa tràn mặt, Tèo mếu máo: “Con ráng kéo lết được bao lưới lịch huyết nhưng rớt hết”. Anh ôm con, thều thào:
“… Cái… thằng… chết cũng… không… bỏ… được nết… láu ăn”.
Tới nửa khuya, hai cha con mới lếch thếch về được tới nhà. Chòm xóm chỉ có mấy người thân cận ở lại. Anh nhìn bàn thờ nhang khói nghi ngút, nhìn hết cả gia đình mình và bật cười thật to. Thằng Tí với bé Út vẫn ngồi đợi chứ chưa chịu lên giường ngủ. Cả cha mẹ anh nữa. Vợ anh mừng quá vừa khóc vừa đấm chồng thùm thụp, vừa la vừa ôm Tèo hôn chùn chụt. Ông nội lũ nhỏ lấy gậy dứ dứ vô mặt anh, gằn giọng: “Giờ, mưa to gió lớn là không có lưới có cá gì hết nghe chưa!”. Sau khi đã thay đồ khô, cha con anh được uống một ca nước đường âm ấm. Vợ anh nói để hồi sức và lật đật dọn cơm. Phải ăn rất vội, vì còn phải gấp gáp sắp soạn đủ thứ. Nghe nói là nước dâng lên cao lắm rồi, đang muốn tràn vô xóm một - là vùng trũng nhất, lại sát rìa sông. Chỉ mong ở cái sức nước. Nói như mẹ anh là sức nước không mạnh không dữ là gặp may rồi. Trúng lũ hiền rồi. Nếu sức nước bắt khiếp hồn khiếp vía là xui rủi rồi. Là gặp lũ hung rồi. Lũ hung thì sợ lắm, khổ vô cùng. Mà cái sức nước đi và cái sức nước phá, ai mà hiểu hết? Nên lo được chút nào thì lo để bớt tổn hại được chừng nào đỡ chừng đó.
Đã quen nên rất thuần thục, anh và Tèo gác mấy tấm ván dài lên mấy cây đà nhà, ở trên cao, cột buộc lại cho thật chắc rồi chuyển lên đó lương thực dự trữ với một ít áo quần. Cái giàn gác cao này được kêu là chòi rầm. Đầu tiên là đồ đạc, chỉ khi nào nước ùa vô sân rồi mấp mé trong nhà anh mới chịu chuyển người lên rầm. Bà nội, tới ông rồi bé Út, cứ theo thứ tự như vậy. Tùy theo mực nước, nếu cần, anh lại đưa tiếp hai anh em Tèo rồi tới má lũ nhỏ. Còn anh, chỉ leo lên chòi rầm với cả nhà khi ăn cơm hay vào ban đêm thôi. Vợ anh cũng thường ở dưới để phụ chồng. Hai người lo che chắn, gia cố thêm nhà cửa, mót vét ít hạt, ít củ từ mấy vồng khoai, luống đậu. Quơ quào mớ rau trái trong vườn, cắm câu kiếm ít cua còng, cá mú… Đang lúc chạy lũ nên cơm nước cho nhà cũng chỉ quấy quá.
Ở chòi rầm bí rị. Lũ cháu rắn mắt yêu cầu ông nội kể chuyện nghe chơi, ông già tắc tị. Anh hay chọc là do răng của ông bị rớt hết nên cái tiếng nó không có chắc, mà kể chuyện ăn thua là ở cái tiếng. Cha anh không chịu, nạt lại: “Bay nói tào lao. Kể chuyện là ăn thua ở câu chuyện. Răng tao rớt chứ câu chuyện tao kể đâu có rớt. Câu chuyện còn y nguyên. Còn đầy đủ bộ dạng. Còn tai còn mắt đàng hoàng. Chứ đâu có như bà vợ tao đây! Cái người răng không rớt mà kể câu chuyện, rớt hết trọi”. Tèo láu cá hỏi tới: “Là sao hả, ông?”. Ông cuốn một điếu thuốc rê, nhả khói bay khét lẹt chòi rầm. Hút xong mới thủng thẳng: “Thì, kể câu chuyện giống như mình đi chợ mua đồ nấu canh chua. Mua trụi lủi một món nhưng mà mua đủ, không thiếu thứ gì. Cái tới chòm dừa làm rớt bó lá giang, cái tới xóm giữa làm rớt mấy cọng ngổ, cái tới ngay con ngõ đây làm rớt hành. Chừng về nhà còn có mớ cá không! Nấu sao? Ăn sao? Hử?”. Tèo vốn lanh lảu vọt miệng trước: “Thì cá đó! Mình kho mẳn hay nấu ngót cũng ngon quá trời”. Ông cười chế nhạo: “Nhưng đây là canh chua mà”. Thằng Tí cũng không vừa: “Nhằm nhò gì. Mình ra suốt ít lá me hay bứt đỡ mấy trái khế cũng vẫn có canh chua vậy”. Bé Út lắc đầu thất vọng: “Chuyện đi chợ mua có xoong canh chua mà ông kể còn không hay, sao chuyện công chúa, hoàng tử, chuyện muôn loài thú ông kể hay cho được?”. Bị các cháu tấn công dữ quá, ông mới chịu thú nhận là do bị chê răng rớt hết nên bất mãn, sinh tự ái. Với thêm nữa, là khèo bà nội vô cho vui cho rộn, chứ sao bà nội… cá thể quá.
Biết ông nội lũ nhỏ ghẹo mình nhưng bà vẫn làm thinh. Ngồi bó gối, chồm hổm ngó chán thấy mồ. Mẹ anh đang cơn thèm trầu đó mà. Không có lần nào dọn lên chòi rầm mà bà lại không buồn thiu buồn thỉu. Vì quên đem cơi trầu theo và nó bị nước cuốn, trôi đâu mất. Có hồi nhớ được, mừng run lập cập mở ra, mới hay không còn lấy một lá trầu. Cái quên này không đáng lo vì có cả một giàn trầu dày ken ở dưới vườn. Ới một tiếng là anh ngắt cả xấp, chuyền lên ngay. Rồi có hồi, nhớ đem theo cái cơi trầu còn đủ mọi thứ lại phát hiện ra hũ vôi cạn queo. Má anh than thở: “Ăn trầu không vôi khác gì ăn cơm không ớt. Lạt miệng khó chịu”. Sẵn đang bực tức vì bị bó chân bó cẳng, cha anh la om sòm: “Thì thôi đừng ăn. Chứ bà nhịn ít bữa không được na. Bà thèm trầu bằng tui nghiện cờ không, hử?”. Nghe ông nạt, bà lẩm bẩm: “Người ta ăn trầu cái miệng còn được chút thơm chút cay, chứ đây đánh cờ chỉ được cái lưng đau, chứ được gì?”. Nghe ông bà lời qua tiếng lại, cả nhà cũng thấy vui vui. Cha mẹ của anh đã trên tuổi bảy lăm mà còn mạnh giỏi vầy, mừng thiệt!
Mấy đứa nhỏ nói ở chòi rầm sướng nhất là tới hồi được ăn cơm. Mà kỳ dị ghê! Ở không đâu có phải làm gì mà sao cái bụng nó cứ rột rẹt đói khan và thèm ăn đủ thứ! Bữa cơm mùa lũ gọn bưng. Chỉ có xoong cơm với trẹt mắm kho. Mắm có thể là mắm cá cơm, mắm nước. Kho sao cho keo sệt lại và mặn chằng. Mặn tới mức chỉ cần quẹt một chút nơi đầu đũa và quẹt chừng vài bận là đủ cho một chén cơm vun. Cách ăn vậy nên mới kêu là mắm quẹt. Chỉ cầu cho lũ hiền vì có vậy mới được ở yên trên chòi rầm. Và ở chòi rầm, cầu cho có mắm quẹt ăn đã mừng. Đôi hồi, vợ chồng anh cũng kiếm thêm được chút đồ. Có khi được chảo cá bống kho tiêu, có khi được xoong mắm cua đặc sệt, vàng ươm gạch, nhìn qua là nước miếng ứa rồi…
2 Thằng Tí và mẹ anh mất trong trận lũ dữ tháng 11.2013. Tí mất trước, khi đạp xe qua bờ tràn gặp ngay lúc nước dâng cao vì đê vỡ. Xác nó dính cứng vô chiếc xe và cả xe lẫn người kẹt ngay bờ cống gần đó. Chôn cất con vội vàng vì đang lũ. Mượn đỡ trụ sở thôn để đưa xác về rồi liệm và chôn ngay trên gò. Liệm vội, chôn vội, khóc vội. Không còn thời giờ, không kịp nữa rồi. Lũ rượt đuổi áp sát ngay bên. Anh nghiến chặt hàm răng, nhắc vợ giả bộ bình thường cho cha mẹ khỏi nghi. Phải nói láo là cho Tí lên nhà chú Út ở Gia Lai chơi. Ông già nói: “Ủa? Nó mắc đi học mà? Mà sao không đem đồ lấy gì thay? Rồi lên trên đó đem theo xe chi?”. Sợ cha tra nẹt thêm vỡ lở và nữa, cũng phải đưa ông bà với bé Út qua nhà bác Cần trú đỡ. Chứ sức nước kiểu này là lũ lớn lắm đây! Lật đật chạy lũ, cha cũng chỉ kịp hỏi vậy rồi thôi! Nhà bác Cần tới mấy tầng, cao nhất vùng. Ở bên đó về, anh cùng Tèo đỡ vợ lên chòi rầm ngay. Vợ anh rũ ra như người chết, phó mặc mạng mình cho chồng cho con. Sức nước mạnh tới không ngờ. Nước dâng nhanh quá. Chỉ trong chớp mắt đã thấy nước lên cao, lên cao thêm, lên cao mãi. Nước không hề dừng mới chết chứ!
Thấy nguy, anh nhét túi mỗi người hai gói mì, không quên bọc thêm vài chai nhỏ nước sạch rồi trổ mái nhà lên nóc ngồi, chờ cứu trợ. Một ngày trôi qua rồi hai rồi ba, mì hết nước hết. Nóc nhà cũng đã nước mấp mé. Sợ quá! Khi chung quanh mình không nhà cửa vườn tược, không bụi rơm không lối ngõ. Chung quanh mình chỉ có nước là nước. Nước mênh mông, nước sục sôi ngầu đục như hăm he, như nhấn chìm, như đe dọa. Đã vậy còn mưa dữ dằn và dai dẳng nữa chứ! Mưa trôi tuột nước mắt của vợ chồng anh và thằng Tèo. Nỗi hãi sợ bủa vây không lấp chìm được nỗi đau mất con. Mỗi khi nhìn vợ miệng méo xệch, cả khuôn mặt rúm ró, mắt co giật, anh không sao chịu nổi vội bấu chặt lấy vai Tèo, siết bắt đau.
Vợ và con còn có hồi mệt quá, thiếp đi. Chứ anh thì thức suốt. Mắt căng ra, xoay nhìn khắp phía, vội vã giơ tay khi thấy xuồng cứu nạn chạy qua. Họ tiếp cận gia đình anh không được nên chỉ có thể ném lên mấy gói mì, chai nước khoáng. Chút vậy, cũng qua được cái đói cơn khát. Trong tình cảnh bi đát đó, ban ngày còn đỡ chứ ban đêm sợ lắm! Anh ngồi thu lu ôm vợ một bên Tèo một bên, làm như tuột tay ra là cả vợ, cả con sẽ rớt xuống nước và bị cuốn tức thì. Đó là trận bão lũ nặng nề và kinh khiếp nhất mà anh biết. Vùng này đã bị nước cô lập cả tuần lễ.
Mẹ anh mất khi nước đã rút hết, mới thật tội chứ! Suốt khoảng thời gian chạy lũ trước đó, nghe mọi người cùng trú trong nhà bác Cần kể, bà già khỏe mạnh bình thường chỉ có hơi buồn. Chắc do hết trầu cau. Rồi tối đó, không hiểu sao, bà lục đục suốt đêm làm mất giấc ngủ người khác. Sợ phiền, ông nội lũ nhỏ mới la có một tiếng mà bà đã sụt sịt khóc, đòi về nhà. Bé Út phải thẽ thọt dỗ dành: “Dạ! Để sáng đã nội nghe! Nước hạ thấp lắm rồi. Hết lũ rồi”. Bà bớt ủ ê, cao giọng: “Ừ! Hết lũ rồi. Về coi ba má, hai thằng anh bay với nhà cửa ra sao, chứ nóng ruột quá!”. Mọi người nằm trên tầng lầu đó, đều nghe vậy rồi thấy mẹ anh nín thinh. Tưởng ngủ. Ai dè! Mới mờ sớm đã phát hiện, bà nằm úp mặt trên lớp bùn non nơi sàn nhà dưới. Nước rút cạn hồi khuya và chắc bà lần mò trong đêm mới hay, mới theo cầu thang xuống tận dưới cùng để bị té và chết thảm vậy. Mà thôi, chết thảm nhưng được chết trên nền đất đàng hoàng bởi lũ đã đi qua.
Nhắc tới mẹ và thằng Tí là anh muốn khóc. Giàn trầu tự nhiên chết rũ trước đợt mưa lũ năm đó. Giàn trầu đi trước cho bà lũ bay đi sau mà. Cha hay nói vậy, mỗi khi có ai đó vô tình nhắc tới cái chết tức tưởi của mẹ anh. Ông già sụp hẳn và ốm liệt có đến nửa năm trời. Trở dậy, bắt anh dìu ra bàn thờ, đã vịn chặt cái tủ mà hai chân còn run lẩy bẩy, thiếu điều muốn té. Ông nội lũ nhỏ đứng đó, mở to cặp mắt nhìn sững lên di ảnh của vợ và thằng cháu. Ông nhìn mà như không thấy gì. Ông cũng không khóc. Mắt ráo hoảnh, vô hồn. Rồi ông biểu: “Đưa tao ra giàn trầu của mẹ lũ bay dòm chút”. Vợ anh nén khóc, lập bập trả lời: “Trầu chết lâu rồi mà cha”. Ông gật gù: “Vậy hé!” rồi ngồi phịch xuống giường. Ngay sáng sau, ông đòi lên nhà chú Út ở luôn vì “tao còn ở đây là tao còn bịnh. Bịnh miết. Bịnh thương, bịnh nhớ, bịnh buồn chữa không được đâu, lũ bay ơi!”. Ông nghẹn giọng nói với con cháu nhưng vẫn không khóc được. Vợ anh nói với Tèo: “Ông con phải khóc túa ra như má kìa! Mới đỡ rát cái ngực, ngộp cái tim”.
Anh không như ông nhưng cũng không như má thằng Tèo. Anh làm nhiều hơn vì còn bao công chuyện bề bộn sau khi hết lũ. Cùng mọi người lo đám tang cho mẹ và sửa soạn lại phần mộ cho con. Chắp vá lại nhà cửa, dọn dẹp đất đai… Khác vợ, ngồi rũ người ra không động cựa nổi thân mình. Anh luôn tay luôn chân. Chỉ cùi cụi làm không một tiếng trách móc không một lời biểu sai. Thằng Tèo nhìn là hiểu ba buồn khổ dữ lắm nhưng ráng đè giấu, trong cái cách im im của mình. Con trai đầu của anh mới chỉ mười hai nhưng chững chạc bất ngờ sau những bất hạnh giáng xuống gia đình. Đi học thì thôi về tới nhà quăng cặp sách là lao vô công chuyện. Con bé Út cũng vậy. Nó mới tám tuổi nhưng cũng xăng xái và lam lũ dữ lắm! Nhìn Út thấy thương đứt ruột. Nó đội chiếc nón cời rách tươm, chụp che hết khuôn mặt. Còn thân hình thì khô khòng và loắt choắt vậy mà bươn chải, không tiếc gì! Quăng quật với ba với anh nơi sân trước, vườn sau, ruộng đồng và chuồng trại. Đủ hết. Những lúc như vậy, anh ráng gạt qua một bên mọi phiền muộn để dồn sức lực, tâm trí lo cho gia đình. Anh đã nghĩ mình bản lĩnh dữ lắm và rất cứng rắn, vậy mà không ngờ trong tiết thanh minh vừa rồi khi đi thăm mộ mẹ, mộ con trai, anh đã ngã sụp trên nền đất, bật khóc tức tưởi. Chính Tèo là người vực anh dậy nói lời an ủi trong tiếng mất tiếng còn và hai mắt đỏ hoe.
3 Mới đầu tháng bảy âm mà mọi người ở vùng quê này đã nhắc đến bão đến lũ, đến những thất bát mất mát bao mùa đi qua và sẻ chia với nhau những thắc thỏm âu lo trong những ngày sắp tới. Chẳng lẽ năm nay cũng tai ương? Bão nối tiếp bão. Lũ chồng lên lũ. Rồi hết lũ dữ lại tới lũ muộn, sao mà chịu thấu. Nỗi lo sợ, đặc quánh trong tâm trí của người lớn và không thoát rời ra khỏi tâm hồn non nớt của những đứa trẻ, từng đứa trẻ một… Trưa qua, bé Út nói với anh hai Tèo là em chỉ mơ một điều, là quê mình thoát lũ. Vì không có lũ mình mới thoát được cái chuyện sợ, cái chuyện lo. Tèo nói em sao mơ khôn dữ? Em mơ giống hệt anh Hai. Nằm vắt vẻo trên võng với giấc ngủ chập chờn, nghe hai con nói chuyện, tự nhiên anh tỉnh hẳn, ruột nhói đau.
Thêm, con ông ba Màu ở sát bên nhà cũng trăn trở miết về chuyện bão lũ ở quê. Thằng em đây là người được đi học nhiều nhất ở vùng này. Thêm làm việc trong thành phố, gần nhà nhưng lại cách trở. Bởi, mùa nắng sớm đi chiều về khỏe ru nhưng vô mùa mưa là lệ thuộc hoàn toàn chuyện sông nước. Để tiện cho công chuyện và sinh hoạt, phải mướn phòng trọ ở đỡ trong thời gian này. Thêm hay kể với anh những khi quê gặp lũ lụt là chú ấy đứng ngồi không yên. Thà là mình ở ngay tại chỗ, để được sẻ chia với mọi người cái đói, cái lạnh và muôn vàn chuyện khó khổ, nó lại nhẹ lòng. Đây, chỉ biết ngày ngày, đứng ở xa xa, nhìn tới trong tâm trạng phập phồng thắc thỏm. Bữa nay chủ nhật, Thêm ở nhà. Sáng, hai anh em rủ nhau đi làm cỏ. Nửa buổi, nghỉ tay cùng ngồi nơi bờ ruộng nói chuyện. Nói qua nói lại cũng lòng vòng chuyện lũ lụt. Thêm nói:
- Lũ thì không thoát rồi. Chỉ trông đừng quá nặng…
- Anh nghĩ nhẹ không nổi đâu chú. Vì cứ năm sau lại lớn, lại dữ hơn năm trước.
- Ờ! Cũng có lý do hết. Trước đây, lũ đã vậy giờ thêm cái biến đổi khí hậu. Khó lường đây.
- Cứ lũ riết, quê mình sao khá nổi.
- Mà cũng phải có một cách nào đó? Để ngăn lũ, chống lũ chứ anh.
- Cách gì mày nói anh nghe thử…
Thêm làm thinh, khuôn mặt bỗng trầm ngâm. Còn anh, trí nhớ lại quay phắt về chuyện cũ. Đã hai năm sau đợt lũ kinh hoàng đó, anh vẫn còn bị ám ảnh. Anh vẫn nhớ như in cách bà nội lũ nhỏ đi đứng, nói năng. Khuôn mặt sáng bừng và nụ cười rất tươi với cơi trầu đầy đủ các thứ bên cạnh. Rồi cái dáng mẹ anh ngồi thắt thẻo buồn thiu, khi thiếu hũ vôi, trái cau quen thuộc. Còn Tí? Có mấy đêm mà anh không nằm mơ thấy con đâu chứ! Anh thấy cảnh hai anh em Tèo, Tí cùng đám con nít trong xóm chia phe đánh nhau, rồi vịn cành sung nhảy ùm xuống sông tắm, những trưa hè chang nắng. Rồi hai anh em nó giành với bé Út từng trái ổi sẻ, củ khoai lùi, trái bắp non và cãi nhau chí chóe ngoài vườn. Rồi, chén cơm sống sít vì thiếu lửa củi, trẹt mắm quẹt mặn bắt quéo lưỡi, những hồi nước dâng, cả nhà phải lên chòi rầm tránh lũ. Có khổ nhưng được yên. Có cực nhưng không phải mất người, mất của. Còn sợ, sao khỏi? Chữ “lũ” thường xuyên đi kèm với chữ “sợ” mà. Lũ ít sợ ít. Lũ nhiều sợ nhiều. Lũ hiền lành sợ sơ sơ. Lũ hung bạo thì sợ kinh khiếp.
Tối qua, sau bữa cơm thấy vợ rửa chén rồi không chịu lên nhà trên coi ti vi như thường lệ. Anh biết ngay là má tụi nhỏ lại ra ngoài hè ngồi. Như biết trong đầu của vợ đang nhớ tới ai, đang nghĩ tới chuyện gì, anh ra ngồi một bên. Khi ôm lấy bàn tay cằn cỗi của vợ trong hai tay mình, mới hay tay cô ấy đang run, biết rằng vợ đang khóc. Anh chẳng biết làm gì để dỗ dành nên chỉ im lặng và vợ chồng anh cứ ngồi vậy. Không phải chỉ một đêm này mà bao đêm rồi, trước đó. Anh ngước nhìn lên bầu trời, kịp lúc một vì sao xẹt qua và nhắm mắt lại, anh thầm ước...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.