“Thổi còi” nghệ thuật đương đại

01/12/2012 03:05 GMT+7

Không hẹn mà gặp, tại Hội nghị Việt Nam học 4, một nhóm nghiên cứu nước ngoài và Giáo sư Tô Ngọc Thanh cùng nói tới giao lưu văn hóa và nghệ thuật đương đại.

Từng nghiên cứu tại những nước có nền văn hóa mạnh, nhà Việt Nam học người Nga Phó giáo sư - tiến sĩ Natalia Kraevskaia, cho rằng việc vay mượn giữa các nền văn hóa rất phổ biến, kể cả với những nước có nền văn hóa mạnh. Trên thực tế, tại nhiều nước trong đó có Việt Nam, việc giao lưu văn hóa còn diễn ra giữa các vùng, các dân tộc và cả giữa các thời điểm lịch sử khác nhau. “Ở thời kỳ đầu khi người Pháp xâm lược Việt Nam, các tác phẩm ảnh hưởng theo cách bản địa hóa nghệ thuật nước ngoài”, bà nói. Chẳng hạn, những tác phẩm vẫn có chữ đề từ như Trung Quốc nhưng lại mang hơi thở cuộc sống Việt. Tranh Bùi Xuân Phái mang đậm phong cách Pháp tuy nhiên chất nghệ thuật lại địa phương - rất Việt Nam, thậm chí rất Hà Nội.

 “Thổi còi” nghệ thuật đương đại
Một tác phẩm của Bùi Công Khánh kết hợp nhiều chất liệu khác nhau - Ảnh: nghệ sĩ cung cấp

Tới nghệ thuật đương đại, nghệ thuật được vay mượn theo nhiều phương pháp khác nhau. Nghệ sĩ có nhiều phương thức, kỹ thuật hơn để đưa tính địa phương, tính Việt Nam vào nghệ thuật. Nhóm nghiên cứu đưa ra những bức hình minh họa là tác phẩm của nghệ sĩ Bùi Công Khánh. Trong đó nghệ sĩ sử dụng những lon nước giải khát - sản phẩm của thời đại tiêu dùng - làm chất liệu sáng tác. Một lon nước đơn giản nhưng trên nền đó có thể lồng ghép nhiều yếu tố địa phương. Một tác phẩm khác của Vũ Dân Tân, chiếc Cadillac đã được “độ” lại mang hình dáng mới phản ánh sự phản đối của Việt Nam với xâm lược Mỹ.   

Giáo sư Tô Ngọc Thanh lại đặt việc vay mượn văn hóa này trong một không gian cụ thể. Chẳng hạn, ông phân tích việc nghệ thuật Việt đã vay mượn nghệ thuật trình diễn performance art để rồi đưa lại vào không gian văn hóa dân tộc như thế nào. Trường hợp ông nói tới là một lễ hội tại Lảnh Giang (Hà Nam), tại đó có phần trình diễn mà trâu bò được vẽ khắp người, người dự hội cũng có thể tham gia vẽ mặt cho nhau. Điều này được người tổ chức coi như một cách làm lễ hội gần với đời sống hơn.

Tuy nhiên, việc làm biến dạng không gian văn hóa gốc bằng các yếu tố văn hóa vay mượn này bị Giáo sư Thanh lên án mạnh mẽ: “Đây là chỗ thờ 3 ông thánh có công với nước. Thế mà để các thanh niên vẽ nhăng cuội ra múa, người ở trần. Sau đó lại bảo đây là tiếp nối truyền thống xăm người. Thế mà Bộ VH-TT-DL không nói gì?”. Lảnh Giang chỉ là một trong nhiều ví dụ của ông Thanh về việc văn hóa dân tộc đã bị “cải biên”, “hiện đại hóa” ra sao.

Lỗi văn hóa không xảy ra ở hành vi tổ chức vẽ lên người, mà thể hiện ở việc lạc không gian văn hóa khi vẽ. Điều này, nhiều khi vin vào sáng tạo, hiện đại, nhiều nghệ sĩ và nhà quản lý văn hóa đã quên mất. Khi đó, đương nhiên, họ sẽ bị các nhà nghiên cứu “thổi còi”.

Trinh Nguyễn

>> Nghệ thuật đương đại với thời trang
>> Nghệ thuật đương đại từ không đến có hộ khẩu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.