Những ngày hè này, không chỉ các điểm tham quan du lịch thắng cảnh, kiến trúc, tâm linh ở TP.Đà Lạt tấp nập du khách, tại các mô hình du lịch canh nông cũng nhộn nhịp khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm nông sản.
tin liên quan
Chợ nổi Cái Răng đã có điểm dừng chânÔng Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Khu du lịch Trang trại rau và hoa, cho biết dù mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2017, nhưng hiện nay mỗi tháng trang trại thu hút khoảng 100.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm dâu tây, dưa Pepino, cà chua, rau sạch… Ông An cho biết thêm, có một số công ty du lịch lữ hành ký kết hợp đồng đưa khách đến trang trại trong tour du lịch của họ.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, cho biết từ năm 2015 tỉnh Lâm Đồng khởi động chương trình phát triển du lịch gắn kết với nông nghiệp công nghệ cao, với các tên gọi như du lịch làng hoa, du lịch nhà vườn, du lịch trải nghiệm canh tác rau hoa, vườn dâu tây... Từ tháng 10.2017, UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí công nhận mô hình tuyến du lịch canh nông và điểm du lịch canh nông. Theo bà Ngọc, sau khi thẩm định, đến tháng 6.2018, toàn tỉnh có 22 đơn vị, tổ chức, cá nhân được công nhận mô hình du lịch canh nông, trong đó riêng TP.Đà Lạt có 17 đơn vị. Ngoài ra có hàng chục đơn vị khác đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực để được thẩm định và công nhận mô hình du lịch canh nông hoặc điểm du lịch canh nông.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định du lịch canh nông là hướng đi đúng của Lâm Đồng; lợi ích kinh tế mang lại từ mô hình này cao hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp thuần túy. Để phát triển du lịch canh nông trở thành sản phẩm du lịch mới, có nét đặc trưng khác biệt mang thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng, tỉnh đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, mời các chuyên gia về du lịch canh nông khảo sát tư vấn cho các đơn vị, nông hộ trên địa bàn tỉnh nhằm hình thành các mô hình “tuyến du lịch canh nông” và “điểm du lịch canh nông”.
Ông Phạm S cho biết thêm, cuối tháng 7.2018, tỉnh phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo quốc tế về du lịch canh nông, mục đích để rút ra những ưu, khuyết điểm, đồng thời tạo “đòn bẩy” phát triển du lịch canh nông mang tầm khu vực và quốc tế. Song song đó, thúc đẩy các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương phát triển.
Lâm Đồng có trên 50.000 ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 18% diện tích canh tác, là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển loại hình nông nghiệp này. Được sự hỗ trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản), tỉnh đã triển khai kế hoạch quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” từ cuối năm 2017 đến năm 2020. Địa bàn triển khai chủ yếu là TP.Đà Lạt và các huyện lân cận như Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà; 4 sản phẩm, loại hình chọn quảng bá gồm rau, hoa, cà phê được cấp chứng nhận arabica và du lịch canh nông.
|
Bình luận (0)