Trần Lệ Thủy
Cùng với đà phát triển nhanh chóng của hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, các loại hình dịch vụ trực tuyến mới lạ trên thị trường quốc tế bắt đầu du nhập vào Việt Nam góp phần đa dạng hóa thị trường dịch vụ ẩm thực. Đặc biệt, trong khi các trang đặt chỗ nhà hàng trực tuyến vẫn còn nhen nhóm tiếp cận thị trường, mô hình trang web gọi món trực tuyến đã bắt đầu nở rộ mạnh mẽ. Theo một nghiên cứu tiến hành trên 372 nhà hàng đang triển khai dịch vụ giao hàng tại Việt Nam (2014) của Foopanda Việt Nam, 25% số nhà hàng tham gia khảo sát đang áp dụng dịch vụ đặt hàng trực tuyến. Hầu hết những nhà hàng đang triển khai loại hình dịch vụ này đều hài lòng về hiệu quả đầu tư mang lại của dịch vụ trong việc tiết kiệm chi phí và thúc đẩy doanh thu.
Đa dạng cho thị trường ẩm thực
Sự nở rộ của hai mô hình kinh doanh như trang web gọi món (gọi món ăn đến bất cứ nơi nào vào bất kỳ thời gian nào) và đặt chỗ nhà hàng trực tuyến (đặt chỗ trước khi đến nhà hàng thưởng thức) đã góp phần thay đổi quy trình phân phối hàng hóa và phương thức kinh doanh trên thị trường ẩm thực. Hai loại hình kinh doanh này đều hoạt động trên cơ sở hệ thống trang web có liên kết hợp tác với nhiều nhà hàng trong khu vực và khách hàng có thể sử dụng dịch vụ trực tuyến tùy theo mục đích của mình. Ưu điểm chung của hai dịch vụ này là khách hàng có thể tham khảo nhiều lựa chọn từ một trang web duy nhất nhằm tiết kiệm thời gian tìm kiếm, theo dõi ưu đãi của nhà hàng, thường xuyên và tiếp cận thêm nhiều lựa chọn ẩm thực mới. Theo nghiên cứu tiến hành trên 474 đối tượng người tiêu dùng Sài Gòn (2013) đã ghi nhận hơn một nửa đối tượng tham gia khảo sát đã từng đặt nhà hàng trực tuyến, 60% trong số này đặt chỗ nhà hàng qua một hệ thống của trang web đặt chỗ trực tuyến thay vì đặt trực tiếp tại trang web của nhà hàng. Những đối tượng tham gia nghiên cứu này cũng xem các trang web trực tuyến là công cụ hữu ích để tìm kiếm, tham khảo thông tin và chọn lựa nhà hàng.
Sự nổi lên của các trang dịch vụ đặt hàng thức ăn trực tuyến cho phép khách hàng tìm kiếm, tham khảo và gọi món từ nhiều nhà hàng khác nhau qua một hệ thống trang web duy nhất đã mang đến diện mạo mới cho thị trường ẩm thực Việt Nam. Cũng giống như các mô hình kinh doanh thương mại điện tử khác, giá trị cốt lõi của mô hình kinh doanh này là xây dựng hệ thống kết nối khách hàng và nhà hàng trên một nền tảng trực tuyến nhằm mang đến sự tiện lợi và đa dạng cho cả hai bên đối tác. Ông Salvador Martinez, Giám đốc điều hành của công ty đặt hàng thức ăn trực tuyến foodpanda chia sẻ “Ý tưởng của mô hình kinh doanh dịch vụ đặt hàng thức ăn trực tuyến được hình thành từ nhu cầu thị trường. Về phía nhà hàng, trang dịch vụ đặt hàng thức ăn trực tuyến là kênh phân phối và tiếp thị hiệu quả giúp họ tiếp cận khách hàng mới ở một địa bàn rộng lớn hơn đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng bằng việc bỏ ra một chi phí hợp lý cho đối tác. Các trang đặt hàng thức ăn trực tuyến sẽ cung cấp cho nhà hàng một hệ thống cơ sở hạ tầng có sẵn, mạng lưới phân phối và công cụ để triển khai dịch vụ giao hàng tận nơi một cách hiệu quả và kinh tế hơn. Về phía khách hàng, nhu cầu tìm kiếm và trải nghiệm nền ẩm thực đa dạng là xu hướng đang lên của giới trẻ. Các trang gọi món trực tuyến mang đến cho khách hàng phương thức trải nghiệm ẩm thực tiện lợi, dễ dàng mà vẫn thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm sự mới lạ của thực khách”.
Bếp trên mạng, gì cũng có
Với các chị em phụ nữ làm ở văn phòng thì vài năm trở lại đây công việc bếp núc đối với họ đã trở nên nhàn nhã hơn. Nhờ có những cửa hàng nấu đồ ăn sẵn bán trên mạng như Bếp Việt, Bếp của Phước, Ăn ngon... chị em không còn cảnh chạy vội chạy vàng vào chợ về nấu bữa cơm tối cho gia đình hay đau đầu với cách làm các món ngon cho chồng con. Chỉ cần một cú click chuột gõ tìm trên máy tính, hàng chục món ăn phù hợp với khẩu vị sẽ bày ra, so với việc cất công đi chợ hay siêu thị, lựa chọn thực phẩm, về chế biến thì giá cả của những món ăn trên mạng đều có giá ngang bằng nhau. Như để mua 1 kg pa tê heo ngon đặc biệt người mua chỉ mất 400.000 đồng. Nếu để tự chế biến thì tiền mua nguyên liệu đã gần 220.000đ, ngoài ra còn tiền gaz, điện và công nấu, và khi ra sản phẩm chắc gì đã ngon bằng đặt hàng trên các bếp.
Để mua món ăn online, người tiêu dùng thường mua qua sự giới thiệu, quảng cáo của bạn bè đã dùng, người này giới thiệu người kia, họ mua bằng niềm tin nên không phải so đo mặc cả về giá, “miễn ngon là được”!, dù không hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên ngoài những cái lợi trước mắt, điều mà nhiều người tiêu dùng còn băn khoăn nhất đấy chính là chất lượng an toàn thực phẩm của những căn bếp trên mạng. Hiếm thấy căn bếp nào có được sự chứng nhận an toàn vệ sinh của cơ quan chủ quản cấp phép. Đây là kẽ hở trong khâu quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, điều đang được xem là báo động tại thị trường thực phẩm Việt Nam. Và được xem tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất với người mua khi nguồn gốc nguyên liệu đầu vào thường không được kiểm soát, phương tiện chế biến thủ công, không rõ xuất xứ, không được các cơ quan chức năng thẩm định. Bản thân những người chế biến thực phẩm không được học qua các lớp bổ sung kiến thức về thực phẩm dẫn đến quy trình chế biến thực phẩm không an toàn. Chưa kể có những người tham gia trong khâu chế biến đồ ăn, sức khỏe không đảm bảo, bị những căn bệnh truyền nhiễm nên có thể đưa nguồn lây bệnh của họ vào.
Theo bếp trưởng Lâm Phương Vũ, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, các căn bếp online phải luôn đảm bảo được nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu chế biến của mình, có như vậy mới duy trì và phát triển thành công được hình thức kinh doanh này. Bên cạnh đó cần có sự chung tay quản lý của nhà nước trong khâu kiểm tra, cấp phép để người tiêu dùng yên tâm khi mua hàng cũng như các căn bếp hoàn toàn “buôn bán” với công việc của mình.
Đôi bên cùng có lợi
Có thể nhận thấy mô hình kinh doanh qua mạng này cả hai bên cùng có lợi. Người mua được trải nghiệm ẩm thực tiện lợi, dễ dàng. Thỏa mãn nhu cầu ẩm thực mới lạ của mình. Họ có thể đưa ra nhận xét, đánh giá về chất lượng dịch vụ và món ăn trên cùng nền tảng trực tuyến. Về phía nhà hàng, bếp trên mạng, các thông tin về món ăn, giá cả và chất lượng dịch vụ cũng được phổ biến rộng rãi với cộng đồng. Điều này tạo cơ hội cho các nhà hàng, bếp trên mạng nâng cao chất lượng dịch vụ và món ăn của mình để “ghi điểm” trong mắt người tiêu dùng.