Bất động sản giá trị thực khan hiếm
Chia sẻ về thị trường Việt Nam đầu năm 2023, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám Đốc, Savills Việt Nam cho biết: Ngân hàng Nhà nước đang làm rất tốt trong việc giữ giá đồng VND ổn định so với các loại tiền tệ khác. BĐS là một khoản đầu tư dài hạn và nhìn vào bức tranh tổng thể, thị trường BĐS Việt Nam đang có vị thế rất tốt. Năm 2023 sẽ là năm có nhiều triển vọng hơn 2022.
Tuy nhiên, cũng theo ông Troy Griffiths, thị trường chưa thoát khỏi những thách thức vốn đã tồn tại khá lâu. Trong đó phải kể đến sự thiếu hụt nguồn cung bất động sản chất lượng tốt, giá vừa tầm. Nguồn cung chung của bất động sản đã sụt giảm ngày càng rõ nét. Nhưng hiện nay có đến 80% nguồn cung mới thuộc phân cao cấp, hạng sang, chỉ khoảng 20% thuộc phân khúc phổ thông, phù hợp với nhu cầu số đông.
Cùng chung nhận định này, anh Lê Bảo Sơn, giám đốc sàn tư vấn bất động sản tại TP.HCM cho biết: "Gần đây, phần lớn khách mua đầu tư liên hệ với chúng tôi đều có chung yêu cầu về nhà đất giá vừa túi, vị trí tiềm năng tại các đô thị gần TP.HCM. Tuy nhiên, sản phẩm như vậy không nhiều."
BĐS vị trí đẹp, giá vừa tầm tại các đô thị gần TP.HCM được nhiều nhà đầu tư quan tâm
"Bất chấp lo ngại về sự suy giảm của thị trường, nhà đất tại các dự án có vị trí đẹp ở các thành phố như Trà Vinh, Ngã Bảy… vẫn có thanh khoản khả quan. Ngay sau kỳ nghỉ tết, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu đẩy mạnh săn tìm BĐS giá tốt tại khu vực này." Anh Bảo Sơn chia sẻ.
Một góc thành phố Ngã Bảy về đêm
Savills ghi nhận, thị trường ngày càng thiếu hụt những BĐS vừa túi tiền. Nhu cầu vì thế đẩy mạnh sang các vùng ven phụ cận là điều dễ hiểu. Suốt thời gian qua, tỷ lệ hấp thụ tốt rơi chủ yếu vào loại hình BĐS tầm trung, giá hợp lý.
Sóng lớn đổ về Tây Nam Bộ
Khu vực Tây Nam Bộ có khoảng 20 triệu dân, cung cấp 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây và 40% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước… Tiềm năng kinh tế khu vực này ngày càng rõ nét khi hệ thống kết nối giao thông của Tây Nam Bộ đang được đẩy mạnh hoàn thiện.
Mới đây, trong chuyến công tác đầu xuân Quý Mão 2023 tại các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng chính phủ đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương để kiểm điểm, đôn đốc tiến độ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án đường bộ cao tốc trong khu vực.
Quy hoạch giao thông mới khu vực Miền Tây được kỳ vọng sẽ là động lực lớn để thay đổi diện mạo cả vùng kinh tế rộng lớn
ĐBSCL là khu vực có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, chiến lược, là vùng đất rất trù phú, giàu tiềm năng, nhưng cũng là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL lên đến 86.000 tỉ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong giai đoạn 2026 - 2030, dự kiến sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến cao tốc còn lại theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị và quy hoạch được duyệt.
Với loạt thông tin tích cực về giao thông, hạ tầng của khu vực Tây Nam Bộ nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng lạc quan về sự tăng tốc của bất động sản khu vực này trong thời gian tới. Đặc biệt là khi mặt bằng giá tại Tây Nam Bộ còn khá "vừa túi" các nhà đầu tư.
Từ góc độ của người theo dõi thị trường BĐS nhiều năm, anh Lê Bảo Sơn nhận định: "Địa ốc không phải cuộc chơi ngắn hạn mà trái ngọt sẽ chỉ dành cho những người có tầm nhìn xa. Tôi cho rằng hiện tại là "điểm vào" đẹp để nhà đầu tư săn hàng tốt, giá hợp lý tại Tây Nam Bộ và yên tâm chờ đợi thành tựu trong tương lai".
Bình luận (0)