Hãy tin tôi đi, bạn đang sống trong một thời đại rất kỳ lạ. Nó đẩy những con người bế tắc ra đường, những kẻ cùng khổ trải lòng trên mạng xã hội. Thời đại của cầm biển và viết tâm thư.
Ông bố trẻ cầm biển đứng ngoài đường xin việc - Ảnh chụp màn hình Facebook |
Sân khấu nào cũng cần khán giả. Và “mạng xã hội” đã trở thành một sân khấu khổng lồ nuôi dưỡng biết bao vở bi hài kịch trong thời đại này. Mạng xã hội đã “hà hơi tiếp sức” cho những vở diễn cuồng nhiệt đẫm nước mắt và hài hước, họ vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt và tự hào khi đạt được mục đích, thật là tốt bụng.
Người ta cảm thông cho chàng cử nhân thất nghiệp lỡ có con phải cầm biển ra đường rao vặt. Người đồng tình, kẻ phản đối và chàng cử nhân có việc làm nhờ báo chí “vận động” mạnh mẽ. Ai cũng biết trước là sẽ có một mạnh thường quân nào đó ra tay nghĩa hiệp, đâu phải lần đầu chuyện này diễn ra. Trước đó vài năm cũng có chàng cử nhân loại giỏi đạp xe đạp với tấm biến “hãy thuê tôi” chạy khắp nơi trong thành phố. Một kết cục đẹp như mơ.
|
Mạng xã hội là nơi mà người ta luôn trông chờ những cái mới và đào thải những cái cũ nhanh như chớp, có chuyện gì rình rang lắm, kinh khủng lắm thì cũng chỉ vài ba ngày là người ta quên. Vậy nên sau “phong trào” cầm biển thì chuyển sang viết tâm thư. Tâm thư của những học sinh trượt trường An ninh, dù đạt 29 điểm mà lỡ “quên” khai lý lịch cho đúng.
Một lần nữa, mạng xã hội cùng với báo chí lại tiếp tục đứng về những người “chân chất” để gây ra áp lực lớn lao khiến cho Bộ Công An phải xét ngoại lệ, phá vỡ những luật lệ trước đó đã loại rất nhiều thí sinh khác có lý lịch không đạt. Hẳn nhiên, sau đó lại có thêm những bức tâm thư nữa xuất hiện, những người khác cũng có điểm cao 29 như thế. Không có gì quá ngạc nhiên khi luật lại có những “lệ” như thế thì nhiều người không được cũng sẽ viết tâm thư.
Cầm biển ra đường đứng hoặc là viết tâm thư mang đến cho chúng ta cảm giác như là sự bất lực đang hiển hiện và những hành động kia chỉ là cụ thể hóa cho những bức bối còn tồn tại. Bất lực không phải chỉ một vài người, bất lực còn nhiều trong xã hội, sự bế tắc trong phương hướng giải quyết vấn đề đẩy cả khách lẫn chủ vào thế khó. Người ta chọn phương án đi vòng, chọn phương án xoa dịu đám đông mà không thẳng thắn đi vào thực trạng, giống như vết thương được bôi thuốc đỏ ngoài da mà không cắt đi phần hoại tử.
Khó có thể nói rằng nên đồng tình, cổ súy hay phản đối phong trào cầm biển và tâm thư kia. Bởi ai cũng hiểu rằng họ đã hết đường, bất lực rồi mới chọn “chước cuối” như thế, trông chờ vào cộng đồng mạng và phép màu chứ không thể tự quyết cho mình, mở ra con đường khác thay vì cố bấu víu. Nhưng những tiền lệ không đúng với luật hiện tại sẽ tạo nên những bất cập sau này.
Với những trường hợp kia, cái kết như cổ tích là chuyện đáng mừng nhưng người ta sẽ tự hỏi, còn bao nhiêu người nữa sẽ lại ra đường cầm biển và viết tâm thư?
Bình luận (0)