Thời đại học của những CEO nổi tiếng: Bỏ học hay theo đuổi đến cùng?

20/07/2015 05:19 GMT+7

(TNO) Quan niệm về tầm quan trọng của đại học ở mỗi tỉ phú rất khác nhau. Nếu như Bill Gates phủ nhận việc bỏ học để xây dựng được cơ nghiệp thành công thì Peter Thiel khuyến khích giới trẻ bỏ học để đi theo ước mơ.

(TNO) Quan niệm về tầm quan trọng của đại học ở mỗi tỉ phú rất khác nhau. Nếu như Bill Gates phủ nhận việc bỏ học để xây dựng được cơ nghiệp thành công thì Peter Thiel khuyến khích giới trẻ bỏ học để đi theo ước mơ.

Larry Ellison, nhà sáng lập kiêm CEO của Oracle - Ảnh: AFP
1. Nhà sáng lập, CEO Oracle, Larry Ellison - Đại học Illinois
Theo danh sách mới nhất của tạp chí Forbes, Larry Ellison, người sáng lập hãng phần mềm nổi tiếng Oracle hiện là người giàu thứ 5 thế giới nhưng thời đi học, ông không phải là một học sinh giỏi.
Ellison chán ghét các giờ học ở trường, luôn cảm thấy khó khăn khi phải ghi nhớ những bài học đó. Trong cuốn sách Cuộc chiến mềm: Chân dung Larry Ellison và Oracle, Ellison thú nhận ông từng một lần không làm bài thi vì bực bội khi phải trả lời hàng tá câu hỏi mà ông không quan tâm.
Ông bỏ học đại học khi mẹ bị ung thư vào năm 1964. Một năm sau, ông đăng ký học ngành toán và vật lý ở Đại học Chicago, nhưng cũng bỏ học sau một học kỳ.
Có thể nói thời gian học đại học là lãng phí đối với Ellison vì ông đã trở thành một lập trình viên tự do chỉ với một lớp học lập trình cơ bản ở Đại học Chicago.
2. Nhà sáng lập, CEO Snapchat, Evan Spiegel - Đại học Stanford
CEO Snapchat, Evan Spiegel - Ảnh: Reuters
Ở tuổi 25, Evan Spiegel được công nhận là tỉ phú trẻ nhất thế giới. Anh theo học ngành thiết kế sản phẩm tại Đại học Stanford. Năm 2012, Evan Spiegel bỏ học khi chỉ còn 3 môn nữa là tốt nghiệp.
Dừng việc học, “cậu bé vàng” của thung lũng Silicon cùng người bạn thân Bobby Murphy tập trung phát triển Snapchat. Giống như Facebook, ý tưởng về Snapchat được Spiegel nảy ra khi đang bàn về những cô nàng nóng bỏng với "anh em" trong trường đại học. Snapchat được xây dựng nên để đáp ứng nhu cầu nói chuyện giữa những sinh viên nam trong ký túc xá.
Khi còn học ở Stanford, Spiegel nổi tiếng là chàng trai của những bữa tiệc. Anh là chủ tịch “hội huynh đệ” Kappa Sigma và tổ chức những bữa tiệc tại biệt thự trị giá 4,25 triệu USD của cha anh ở Los Angeles.
Tháng 5.2014, Spiegel dính tai tiếng khi những email thời còn là sinh viên năm cuối ở Stanford bị lan truyền. Chủ đề lặp đi lặp lại của những email này bao gồm cả tình dục, kỳ thị hôn nhân đồng tính và trọng nam khinh nữ. Sau đó Spiegel đã xin lỗi vì những phát ngôn dại dột này.
3. Nhà sáng lập Microsoft, tỷ phú Bill Gates - Đại học Harvard
Tỷ phú Bill Gates trong ngày lễ tốt nghiệp năm 2007, tại đại học Harvard - Ảnh: Reuters
Ông trùm công nghệ Microsoft, luôn nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới đã từng là một sinh viên “nổi loạn” của Đại học Harvard. Ông bỏ học khi là sinh viên năm 3 của ngành toán ứng dụng.
Bill Gates có sở thích rất kỳ lạ, ông thường vắng mặt ở những lớp học được đăng ký và dự giảng ở các lớp nằm ngoài chương trình học. Ngoài ra, Bill Gates còn có thói quen học tập rất đặc biệt, ông học liên tục trong 36 tiếng, sau đó ngủ 10 tiếng, rồi tham gia các hoạt động xã hội, rồi lại bắt đầu một chu trình mới.
Năm thứ hai đại học, Gates cùng Paul Allen viết chương trình phần mềm đầu tiên trong đời cho công ty máy tính Altair, đây cũng chính là dấu mốc khiến Gates quyết định nghỉ học để theo đuổi giấc mơ mang tên Microsoft.
Tuy nhiên, trong một lần nói chuyện với học sinh trung học vào năm 2006, tỉ phú Bill Gates đã dõng dạc tuyên bố: “Những công việc tốt ngày nay đòi hỏi bạn phải có bằng đại học”.
Ông đã xóa bỏ mối hoài nghi của các bạn trẻ về việc bỏ học để cầu mong có được cơ nghiệp như ông.
4. Đồng sáng lập Paypal, Peter Thiel - Đại học Stanford
Tỉ phú Peter Thiel, CEO Paypal - Ảnh: AFP
Peter Thiel, được mệnh danh là thiên tài về đầu tư mạo hiểm bước vào Đại học Stanford với thành tích ấn tượng, anh là một thần đồng toán học và là nhà vô địch cờ vua.
Các bạn học của CEO Paypal, công ty thương mại điện tử toàn cầu, cho biết Thiel là một nhà hùng biện sắc bén.
“Anh ấy có thể bẽ gãy lập luận bạn trong vòng 5 phút. Cũng như việc chơi cờ vua, anh ấy sẽ đưa ra một câu hỏi và thách thức bạn. Sau đó, Thiel sẽ tìm ra ngay được điểm yếu trong lập luận của bạn. Anh ấy luôn là người chiến thắng”.
Năm 2012, trước tình trạng sinh viên Mỹ ra trường không có việc làm và nợ sinh viên đã lên tới 1.000 tỉ USD, tỉ phú Peter Thiel đã đưa ra giải pháp riêng: chi cho khoảng vài chục sinh viên có tương lai hứa hẹn nhất 100.000 USD để nghỉ học theo đuổi niềm đam mê của họ.
Khác với Bill Gates, Peter cho rằng nếu ước mơ của anh là trở thành giáo sư, bác sĩ hoặc một nghề nghiệp cần đến chứng chỉ bằng cấp thì nên và có lẽ phải đi học đại học, nhưng nếu yêu thích một lĩnh vực nào đó, tại sao lại không mạo hiểm?
5. COO Facebook, Sheryl Sandberg - Đại học Harvard
Sheryl Sandberg, COO Facebook - Ảnh: AFP
Ngay từ thuở bé, Sheryl Sandberg đã không hòa mình vào các trò chơi như những đứa trẻ thông thường. Thay vào đó, cô tổ chức và lãnh đạo các trò chơi đó.
Vào năm nhất đại học, nữ giám đốc điều hành mọi hoạt động của Facebook (COO) từng bị điểm C và điểm này đã khiến cô “phát hoảng”.
Tuy nhiên, vào những năm học sau, cô luôn đứng nhất lớp ở khóa học về cử nhân và thạc sĩ kinh tế. Bằng nào cô cũng tốt nghiệp loại ưu.
Cũng tại đây, Sandberg được giáo sư Larry Summers chọn làm trợ lý nghiên cứu về bệnh phong, AIDS, mù lòa ở Ngân hàng Thế giới.
Năm 2014, Sheryl Sandberg lọt vào danh sách những tỉ phú trẻ nhất thế giới với khối tài sản 1 tỉ USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.