Trong cuộc sống thỉnh thoảng chúng ta thấy những người bệnh phải đeo ống thở ở cổ kéo dài, kèm theo có thể họ có một ống nuôi ăn ở bụng. Đó có thể là bệnh sẹo hẹp khí quản có hoặc không kèm theo thông (hay rò) thực quản - khí quản.
Tình trạng trên thường là do chấn thương khí phế quản hoặc do phải mở khí quản kéo dài làm tổn thương khí quản, gây hẹp phần trên khí quản và vì thế không thể rút ống mở khí quản ở dưới được. Cũng có thể do đặt ống mở khí quản kéo dài, ống tì đè vào thành sau khí quản gây mòn và rách dần thành này, rồi thủng luôn thực quản ở ngay bên cạnh làm đường thở và đường ăn thông nhau, dịch tiêu hóa luôn tràn vào đường thở làm lỗ mở khí quản không thể nào lành được. Hậu quả là bệnh nhân luôn phải đeo ống thở ở cổ và nếu có rò với thực quản thì phải có một đường mở nuôi ăn ở bụng vào thẳng dạ dày hoặc ruột vì không thể ăn qua đường miệng được
Không hiếm bệnh nhân được bác sĩ khuyên chấp nhận đeo ống thở, ống nuôi ăn suốt đời |
Suốt đời lỉnh kỉnh
Nếu không được phẫu thuật chỉnh sửa, tình trạng trên sẽ kéo dài và người bệnh sẽ phải đeo ống thở và cả đường ăn ở bụng nữa (nếu có) suốt đời. Người bệnh phải thở qua lỗ mở ở cổ, không qua khoang mũi, miệng là điều không sinh lý, dễ gây viêm phổi hoặc một con côn trùng có thể vô tư bay thẳng vào gây ngạt thở. Đường ăn ở bụng cũng là một vấn đề phiền toái vì lỗ đặt ống nuôi ăn sẽ loét dần ra. Chất dinh dưỡng qua đường bụng không thể đủ được, dần dà bệnh nhân sẽ trở thành người tàn phế.
Vấn đề ở chỗ việc chỉnh sửa các tổn thương trên để trả lại cuộc sống bình thường cho người bệnh là điều không dễ dàng. Có rất nhiều người bệnh phải chịu tình trạng trên hai, ba hoặc bốn năm tới khi tìm được cơ sở có thể phẫu thuật chỉnh sửa.
Trước đây việc phẫu thuật mất đoạn khí quản vùng cổ là khó vì khí quản ở cổ ngắn, lại dính vào các tổ chức xung quanh chứ không dài và di động như trong lồng ngực. Việc vá lại đường rò thực quản cũng không đơn giản vì có thể xì rò lại. Vùng cổ lại có rất nhiều cạm bẫy làm việc phẫu thuật có thể gặp nguy hiểm như có thể phạm vào động mạch cảnh, tĩnh mạch vô danh.... Vì vậy không hiếm trường hợp bệnh nhân được bác sĩ khuyên về nhà chờ đợi và chấp nhận đeo ống thở, ống nuôi ăn suốt đời mặc dù đã tới khám ở những tuyến khá cao.
Một bệnh nhân sau khi mổ lấy ống thở - Ảnh: V.H.Vĩnh |
Sau một hai tuần
Vấn đề phức tạp trên hiện nay hoàn toàn có thể được giải quyết nếu người bệnh tới những nơi có cơ sở phẫu thuật tốt. Các bác sĩ sẽ cắt rời đường thở ra, cắt bỏ đoạn sẹo hẹp, bỏ ống thở ở cổ và nối lại khí quản, bệnh nhân có thể thở lại bình thường qua mũi sau hai đến ba ngày. Trong trường hợp có đường rò thực quản, thực quản sẽ được mở ra, cắt lọc, chỉnh sửa và khâu lại. Nếu liền tốt, kiểm tra không có xì rò, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường bằng đường miệng sau vài ngày và sau đó rút bỏ ống nuôi ăn ở bụng.
Nếu khí quản mất đoạn lớn, bác sĩ sẽ phẫu tích xuống dưới, vào trong lồng ngực và kéo một phần khí quản ở ngực lên cổ để nối. Có một ca mất đoạn tới 3,5cm (thực chất là ba chỗ hẹp gần nhau) và hai ca mất đoạn 2,5-3cm đã được phẫu thuật, kết quả rất tốt. Còn nếu mất đoạn không nhiều thì việc khâu nối sẽ đơn giản hơn. Sau mổ, bệnh nhân có thể ăn, uống, thở như người bình thường sau một đến hai tuần.
Việc phẫu thuật cũng không quá tốn kém vì không dùng đồ nhân tạo đắt tiền mà chỉ là những tiêu hao bình thường như các ca mổ khác. Tuy nhiên do tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài, người bệnh sẽ phải dùng một lượng đạm lớn để mau hồi phục.
Theo Bs Vũ Hữu Vĩnh
(BV Chợ Rẫy, TP.HCM) / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)