Chiều 16.3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024, các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý có dịp ngồi lại cùng thảo luận một chủ đề dù được nhắc đến nhiều nhưng vẫn nguyên tính thời sự: bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số.
Mở đầu phiên thảo luận, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên nhìn nhận sau rất nhiều thảo luận, vận động, cân nhắc mà ý tưởng "liên minh bảo vệ bản quyền báo chí" vẫn chưa thành hiện thực thì giờ đây có lẽ là lúc cần xới lại vấn đề.
Đồng thời, vấn đề bản quyền báo chí cần đặt trong bối cảnh mới, rút kinh nghiệm từ những thử nghiệm không thành, tìm tòi những cách thức thực hiện mới, thu hút được những giải pháp mang tính thay đổi cuộc chơi, đặc biệt là thông qua sự hậu thuẫn của cơ quan quản lý nhà nước.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn điểm lại trước những dấu hiệu gia tăng về nạn sao chép tin bài, đã có lúc một số cơ quan báo chí có số lượng bạn đọc lớn từng ngồi lại với nhau để ký cam kết không vi phạm bản quyền của nhau.
"Đây là một dạng thức "thỏa thuận quân tử" có ý nghĩa về mặt truyền thông và trên thực tế cũng phát huy được hiệu lực giữa các bên ký kết. Tuy nhiên, cũng bởi tính chất và phạm vi giới hạn của thỏa thuận, mức độ lan tỏa của tinh thần pháp quyền đó rất hạn chế", Tổng biên tập Báo Thanh Niên đánh giá.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ tình trạng đánh cắp bản quyền là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sa sút về doanh thu của các cơ quan báo chí đàng hoàng. Trong khi đó, việc chế tài nạn vi phạm bản quyền còn yếu, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Theo Tổng biên tập Báo Thanh Niên, việc chấn chỉnh, dẹp bỏ nạn vi phạm bản quyền báo chí cần được đặt trong tổng thể một chiến lược hỗ trợ giúp các cơ quan báo chí chính thống phục hồi và phát triển trong những điều kiện hoàn toàn mới. Đó là trong những không gian số, nơi mà mọi tài nguyên đều là tiền bạc, là tài sản, là nguồn lực, cao hơn nữa là sự biểu hiện của chủ quyền quốc gia về tư tưởng và văn hóa.
Nêu một số giải pháp để hình thành được một liên minh bản quyền báo chí, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn cho rằng cần thống nhất đây là một liên minh của tất cả các cơ quan báo chí để hiệu lực thực tế của nó mang tính bao trùm.
Đồng thời, đây phải là liên minh giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý báo chí - truyền thông cũng như các doanh nghiệp, tổ chức có lợi ích trong ngành báo chí - truyền thông.
Mặt khác, liên minh phải thống nhất được những "luật chơi" có tính bắt buộc với tất cả các bên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền "bảo chứng" cũng như đứng ra làm "trọng tài" phân xử khi cần đưa ra những quyết định chế tài.
"Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, để dự án này thành hình trong thời gian sớm nhất. Trước mắt có thể bằng việc xây dựng một đội ngũ chuyên gia am hiểu luật pháp, tham khảo những kinh nghiệm quốc tế sẵn có để đề xuất một lộ trình khả thi với các bước cần làm tiếp theo", nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn gợi mở.
Ứng dụng công nghệ trị nạn xâm phạm bản quyền
Trao đổi tại phiên thảo luận, nhà báo Dương Quang, Phó tổng biên tập Báo Người lao động nêu một số câu chuyện bị xâm phạm bản quyền xảy ra tại cơ quan mình. Đầu năm 2024, phóng sự ảnh về một lễ hội ở H.Châu Thành, tỉnh Long An mà phóng viên phải lăn lộn cả ngày mới có và đăng tải trên phiên bản online.
Sau đó, phóng sự này bị một đài truyền hình tầm cỡ ở khu vực miền Tây xử lý lại thành clip đăng trên nền tảng mạng xã hội mà không hề ghi nguồn. Mặt khác, nhà đài này cũng hết thời hạn hợp đồng khai thác tư liệu của Báo Người lao động. Kênh YouTube có 2,3 triệu subscribe, bật chế độ kiếm tiền, clip xâm phạm bản quyền đạt hơn 200.000 view mang lợi nhuận về cho nhà đài.
"Còn bao nhiêu kênh YouTube khác đã, đang “nấu cháo trên lưng đồng nghiệp” như thế này", nhà báo Dương Quang đặt câu hỏi. Phó tổng biên tập Báo Người lao động đề nghị khi sửa luật Báo chí, cơ quan soạn thảo cần có chương riêng về bản quyền và bảo vệ bản quyền, đồng thời đưa bộ môn bản quyền báo chí hoặc đạo đức nghề báo trong chương trình giảng dạy sinh viên báo chí.
Nêu giải pháp xử lý tình trạng xâm phạm bản quyền, ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng cần ứng dụng công nghệ trong bảo vệ và khai thác bản quyền báo chí trên môi trường số.
Theo chuyên gia này, công nghệ có thể tham gia vào hoạt động hỗ trợ đăng ký bản quyền, kiểm duyệt bản quyền, phân phối bản quyền, hỗ trợ về pháp lý, phát hiện và cảnh báo vi phạm.
"Khi sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích tác phẩm đăng ký bản quyền, thay vì kiểm soát 1 tiếng thì chỉ cần kiểm soát ở vị trí mà AI cảnh báo", ông Chung nói thêm, và cho biết công nghệ có thể phân tích được video, hình ảnh, báo giấy, báo điện tử, phát trực tiếp (livestreaming)…
Bình luận (0)