Thời gian vời vợi phiêu linh

29/01/2017 15:00 GMT+7

Thời gian lao nhanh như vó ngựa. Lao qua năm tháng. Rất vội. Chứ không đủng đỉnh như một kẻ nhàn tản ngày ngày thong thả, ngắm nhìn, đu đưa với cảm hứng trời xanh mây trắng.

Sáng dậy sớm, tự dặn lòng phải mua ngay hai chậu hoa vạn thọ, màu vàng nghệ chưng trước nhà để mẹ nhìn vui mắt, thầm nhớ đến quê nhà xa lắc. Tết rồi. Hoa vạn thọ quê mùa ấy, chẳng hiểu sao luôn gợi trong tâm trí hình ảnh rất Quảng Nam. Lúc nhìn hoa, y có thể mường tượng nhớ về, nhớ lại những tháng ngày đã chìm sâu trong ký ức. Lạ chưa?
Thế giới trong trẻo, hồn nhiên của ngày thơ đã cảm nhận, đã nhìn thấy vẫn là nơi mà con người ta muốn tìm về. Để làm gì? Thanh lọc lại tâm hồn. Nếu không có tâm hồn trẻ thơ, làm sao thi sĩ Bàng Bá Lân (1912 - 1988) có thể viết được dăm ba câu thơ mộc mạc lại diệu vợi thế này: “Những bàn tay già gầy guộc/Còn lay ống thẻ đầu năm?/Và ở miền quê yêu dấu/Đình chùa miếu mạo ra sao?/Hội hè nô nức xôn xao/Cây đu còn dải yếm đào đùa bay?/Những chiếc khăn vuông mỏ quạ/Còn ôm ấp má hây hây/Những cặp môi hồng tươi nở/Còn thơm, còn thắm trầu cay?”.
Có thể hiểu lay ống thẻ là xin xăm, bói xem một quẻ tốt xấu thế ào; yếm: đồ mặc nhằm che ngực của phụ nữ; khăn vuông mỏ quạ: khăn của đàn bà chít như hình mỏ con quạ... Những người sống xa xứ, nếu đã từng cảm nhận những hình ảnh trên, khi đọc ắt ứa nước mắt. Bùi ngùi. Cảm động. Với thế hệ của y, tất nhiên không thể nhìn thấy “cây đu, dải yếm đào, chiếc khăn vuông mỏ quạ” của tết xứ bắc nhưng làm sao không nhớ đến “trầu cay”? Ngày xưa, mẹ y và các dì có ăn trầu. Đêm qua, đọc lại một đoạn văn ngắn, tự dưng nhớ thương da diết ngày tháng xa xưa ấy, ngày mẹ còn khỏe mạnh, còn ăn trầu “cặp môi hồng tươi nở”. Văn chương đôi lúc cũng chẳng phải gánh vác cho lắm sứ mệnh to tát gì, chỉ cần qua đó, người đọc nhớ về một kỷ niệm êm đềm đã xa xăm. Vậy là đủ.
Đêm qua, nằm đọc đoạn văn này của nhà văn Tô Nguyệt Đình (1920 - 1988): “Bà phán mới ngồi xề lại chiếc ghế ngựa, mở ô lấy một lá trầu vàng, bệt vôi bỏ vào miệng nhai nhóc nhách. Bà lại lấy miếng cau tươi mà chị ở bổ sẵn, một cọng vỏ giấy rồi bỏ vào miệng nhai luôn. Nước bã trầu đỏ ối chảy ra hai bên mép, bà phán cầm ống nhổ bằng đồng bóng lộn nhổ vào một bã trầu, đoạn cầm lấy khăn trên vai xuống chùi miệng. Bà vớ lấy một cục thuốc bằng ngón tay cái để lên môi xỉa qua xỉa lại, mấy ngón tay cái của bà vảnh ra để lộ mấy chiếc cà rá nhận hột xoàn chiếu sáng ngời trên các ngón giữa, áp út và út”.
Ông nhà văn tả khéo quá. Nếu không, làm sao y có thể nhớ về ngày hoa niên đã nhìn thấy mẹ ăn trầu? Giải thích luôn vào từ, chẳng hạn, ghế ngựa: dùng hai tấm gỗ dày ghép lại, kê lên cái giá để ngồi hoặc nằm; mở ô: cái hộp đựng trầu; chị ở: người giúp việc; bổ đôi: chẻ, cắt ra làm hai; vỏ giấy: vỏ trầu đã thái, đập dẹp phơi khô; cà rá: chiếc nhẫn đeo tay; nhận: khảm sâu vào chỗ thủng...
Khi đã xa rời ký ức thì bao giờ cũng đọng lại tâm tưởng những buồn vui không rõ nét. Nhớ và quên. Rồi cứ thế, đời sống lại lao đi. Hiện tại của hôm qua đã trở thành dĩ vãng của tương lai. Không gì có thể níu kéo mãi hình ảnh cũ đang từng ngày mất dần. Ngay cả chính thân phận trần tục và tầm thường của mỗi người cũng thế. Thay đổi dần theo năm tháng. Rồi đến lúc ngoảnh lại, ơ hay, gương mặt của mình hiển hiện trên gương soi đấy ư?
Đôi khi thích đọc thơ. Có những câu thiêng liêng. Có những câu tầm thường. Có thể câu thơ như viên đạn xuyên qua óc. Mà có thể cũng như vệt gió non trợt ngoài trí nhớ, không hề hằn lại một dấu vết nào của sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Những lúc ấy, khép lại cánh cửa mở ra phía cuộc đời, con người ta quay về nhìn lại chính mình. Soi rọi vào trong bản ngã để rồi tự hỏi rằng, ngày tháng đã dẫm hai chân trên trái đất này, đã sống thế nào, đã yêu thế nào và đã giữ được những gì trong tay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.