UAV MQ-9 Reaper từng khẳng định sức mạnh trong cuộc chiến chống khủng bố đầu thế kỷ 21 và là tiên phong trong việc phát triển máy bay không người lái quân sự. UAV này được trang bị tên lửa và có thể hoạt động liên tục trong 24 giờ, từng cùng “anh em” đời trước là MQ-1 Predator trở thành biểu tượng của tác chiến từ xa.
Tuy nhiên, bối cảnh quân sự hiện nay khiến bầu trời không còn thân thiện cho UAV mang biệt danh “Thần chết”, theo Business Insider hôm 18.5.
Hết thời các UAV lớn như ‘Thần chết’ MQ-9 Reaper?
Chiếc Reaper do Công ty General Atomics (Mỹ) chế tạo có sải cánh dài tới 20 m và giá thành mỗi chiếc khoảng 30 triệu USD. Trong khi đó, thời gian qua loại UAV này của quân đội Mỹ liên tục bị lực lượng Houthi ở Yemen tuyên bố bắn hạ trong các cuộc đụng độ quanh biển Đỏ.
Điều này khiến kế hoạch mua các UAV thuộc loại “MALE” (bay độ cao tầm trung và hoạt động lâu dài) của quân đội một số nước bị đặt dấu hỏi. Trong khi bối cảnh tác chiến hiện đại đã cho thấy tính ưu việt của các UAV cỡ nhỏ, giá rẻ. Các mẫu UAV loại MALE phổ biến có thể kể đến như MQ-9 Reaper (Mỹ), Baykar Bayraktar TB2 (Thổ Nhĩ Kỳ), Wing Loong-3 (Trung Quốc).

UAV MQ-9 Reaper của quân đội Mỹ
ẢNH: AFP
“UAV thuộc dòng MALE có thể cung cấp năng lực giám sát liên tục, kể cả trong điều kiện mây che phủ nhờ radar khẩu độ tổng hợp (SAR), nhưng điều đó chỉ làm được khi chúng có thể sống sót", nhà nghiên cứu quân sự Robert Tollast đề cập trong bài viết trên Viện các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI).
Từ tháng 10.2023, Houthi đã bắn hạ ít nhất 15 chiếc Reaper, trong đó 7 chiếc chỉ tính riêng trong tháng 3 và tháng 4 năm nay. Mối đe dọa với UAV này còn lớn hơn nếu đặt trong tình thế đối đầu với nhiều quân đội có tiềm lực phòng không mạnh. Houthi được cho là trang bị tổ hợp tên lửa Barq-1 và Barq-2 của Iran, tên lửa phòng không SA-67, các đời cũ hơn gồm SA-2 và SA-6.
Tại chiến trường Ukraine, UAV Bayraktar TB2 cũng đã vắng bóng sau thời gian đầu xuất hiện trong xung đột Nga - Ukraine, khi có hàng chục chiếc TB2 của Ukraine bị phòng không Moscow bắn hạ.
Quân đội Anh cũng phát triển UAV MALE Watchkeeper dựa trên mẫu Hermes 450 của Israel. Tuy nhiên, phương tiện này phải mất 8 năm kể từ lần bay thử mới được đưa vào biên chế hồi năm 2018, song cũng nhanh chóng bị cho nghỉ hưu hồi tháng 3 sau khi liên tục gặp lỗi kỹ thuật và tai nạn.
Giới quan sát quân sự cho rằng những mẫu UAV kiểu MQ-9 đã làm tốt vai trò tiên phong, tạo cơ sở để quân đội các nước nghiên cứu chuyên sâu về vũ khí không người lái. Giờ là thời điểm để các mẫu UAV này lui về phía sau và nhường sân chơi ở tiền tuyến cho các UAV cỡ nhỏ, triển khai với số lượng lớn.
Bình luận (0)