TNO

Thời huy hoàng của dê ở Mỹ

17/02/2015 11:04 GMT+7

(Tin Nóng) Dường như loài vật có đôi mắt với đồng tử nằm ngang này gần đây thường xuất hiện trong phần tin tức tại Mỹ: Làm sạch đám cỏ mọc quá nhanh, tái chế những cây thông Giáng sinh cũ, tiêu diệt loài xâm lấn… Với năm con dê sắp đến, có vẻ thời huy hoàng của loài dê đang đến gần. Vậy ta có nên thần phục ‘vị vua dê’ này ?

(Tin Nóng) Dường như loài vật có đôi mắt với đồng tử nằm ngang này gần đây thường xuất hiện trong phần tin tức tại Mỹ: Làm sạch đám cỏ mọc quá nhanh, tái chế những cây thông Giáng sinh cũ, tiêu diệt loài xâm lấn… Với năm con dê sắp đến, có vẻ thời huy hoàng của loài dê đang đến gần. Vậy ta có nên thần phục ‘vị vua dê’ này không?


Nhiều nơi ở Mỹ, số lượng dê còn đông hơn người - Ảnh: ABC

Dê đang được nhiều người biết đến và có thể nói thịt dê cũng ngon. Chúng thông minh hơn bạn nghĩ và quần thể dê nơi hoang dã lẫn đã được thuần hóa, đang trên đà gia tăng.

Sau khi quan sát loài dê,  tác giả Christopher Ingraham trong Wonkblog (báo Washington Post) đã tập hợp các số liệu điều tra năm 2012 của bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nhằm thiết lập bản đồ về loài dê tại Mỹ. Theo ghi nhận của Ingraham, khi USDA tiến hành điều tra, đã có 2.621.514 con thuộc loài móng chẻ và quần thể động vật này còn lớn hơn cả dân số của thủ đô Washington, tiểu bang North Dakota, Vermont và Wyoming cộng lại… Vậy chúng ở đâu?

Xem xét những đốm chấm lớn màu nâu trên bản đồ của Ingraham (mỗi chấm tượng trưng cho 500 con dê), sẽ thấy loài dê đang tăng nhanh tại bang Texas. Miền trung California và vùng đông bắc Arizona rộng lớn cũng tự hào về đàn dê khổng lồ. Tuy nhiên, một số bang dường như có rất ít dê, nhưng do dân số thưa thớt, nên không nhất thiết phải thể hiện số dê ít ỏi như trường hợp bang Vermont, nơi chủ yếu sản xuất xà phòng thủ công.

Trong bản đồ thứ hai, Ingraham phân tích số lượng dê tại Mỹ theo từng hạt. Trong số 3.143 hạt ở Mỹ, có đến 2.996 hạt có trang trại nuôi dê thương mại. Bạn thử nghĩ xem: chỉ có 147 hạt ở Mỹ là không có dê. Trong số 10 hạt nuôi dê nhiều nhất, có 8 trên tổng số 22 hạt thuộc bang Texas và số lượng dê thực sự đông hơn người. Tại Edwards County, một hạt trung tâm Texas nổi tiếng với sản phẩm sợi len Angora, số dê đông hơn người với tỉ lệ lên đến 22-1. Rõ ràng, đây là một nơi mà tiếng kêu be be không ngớt của loài dê có thể khiến bạn dựng tóc gáy!

Tuy nhiên, phần lớn số dê  tại Mỹ - chính xác là 80% - đang được nuôi để lấy thịt. Con số này có thể khiến một số người ngạc nhiên, khi thấy thịt dê là không phải là món chính trên bàn ăn như những nơi khác trên thế giới, đặc biệt là châu Phi, châu Á và vùng Caribê. Thật vậy, theo một bài viết năm 2013 trên mạng Modern Farmer của những người cổ động việc nuôi dê,  thịt dê - gọi là ‘chevon’(dê trưởng thành), hoặc ‘cabrito’(dê non) - là loại thịt đỏ được tiêu thụ rộng rãi nhất thế giới, đồng thời tìm hiểu vì sao người Mỹ từ lâu lại né tránh thịt dê và cách những người nuôi dê nhỏ lẻ đang cố đảo ngược tình thế.


Bản đồ phân bổ nuôi dê ở Mỹ, mỗi chấm tương đương 500 con dê - Nguồn: USDA

Vậy ai đang ăn hết số dê này? Dân số nhập cư dồn dập từ các quốc gia dùng nhiều thịt dê có thể gánh một phần, cũng như những người mạo hiểm muốn dùng thử loại thịt có giá phải chăng, không quá lạ và mùi vị khá giống thịt cừu. Trang mạng AZCentral.com còn cho biết dân bản xứ cũng dùng rất nhiều thịt dê. Hai trong số các hạt sản xuất dê hàng đầu trong nước, Navajo County và Apache County ở Arizona, cũng là nơi có khu bảo tồn Navajo bao gồm khu vực rộng lớn của hai hạt, dê và cừu là loài chủ yếu trong đàn gia súc của khu bảo tồn. Qua nhiều thế hệ, nông dân Navajo đã chăn nuôi dê bên các hẻm núi và trên đỉnh đồi bằng phẳng. Dê là một nguồn thực phẩm quan trọng trong khu bảo tồn. Thịt dê được chế biến trong các món hầm và súp, xào với đậu và bánh mì, hoặc thành món nướng. Sữa dê để uống, đôi khi làm pho mát.

Ngoài nuôi dê lấy thịt, 16% dê tại Mỹ còn được nuôi để vắt sữa và tỷ lệ còn lại để sản xuất len từ lông của dê Angora. Với 65% dân số thế giới, nhu cầu về sữa cũng là vấn đề cần nói đến. Tại Mỹ, sữa và các sản phẩm từ sữa, đặc biệt là pho mát, từ lâu đã là phạm vi độc quyền của loài bò. Nay người tiêu dùng đang ngày càng gia tăng nhu cầu chuyển sang sữa dê và các loại pho mát sản xuất thủ công từ sữa dê. Theo USDA, hiện nay khoảng 30.000 trang trại nuôi dê sữa lan rộng trên cả 50 bang, một con số ấn tượng khi biết rằng đến năm 1980, pho mát dê mới được sản xuất thương mại tại Mỹ.

Những thách thức và lợi ích thu được của ngành công nghiệp sữa dê sẽ là chủ đề thăm dò của Goat and Sheep Dairy Enterprise Exploration, một hội thảo được tài trợ bởi Amazing Grazing, với sự hợp tác của hội nông dân và hiệp hội chăn nuôi Kansas. Ngày 17.1 vừa qua, Charuth Van Beuzekom-Loth, đồng sở hữu công ty Dutch Girl Creamery tại Lincoln, đã chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình trong sản xuất sữa dê, pho mát và việc tiếp thị. Hội thảo được tổ chức tại Pachamamas, Lawrence. Van Beuzekom-Loth vừa xây dựng xong một trong trang trại nuôi dê sữa hạng A ở bang Nebraska. Cùng với chồng, cô Kevin Loth quản lý Shadow Brook Farm, một trang trại rộng 14 ha trồng rau và hoa bằng phương pháp hữu cơ. Cô cho biết: “Lần đầu tiên khi đưa pho mát ra thị trường, mọi người tỏ ra ngạc nhiên khi biết có thể làm pho mát từ sữa dê. Sữa dê và pho mát đã được châu Âu sử dụng hàng trăm năm, nhưng nay mới được biết đến tại Mỹ. May mắn là các đầu bếp tại địa phương, khu vực và quốc gia đã phát hiện ra những lợi ích cho sức khỏe và hương vị độc đáo của pho mát dê. Nay pho mát dê được sử dụng trong mọi thứ, từ các món rau trộn  cho đến pizza”.


Dê tại Mỹ đang phát triển nhanh - Ảnh: BBC

Người bị dị ứng với các sản phẩm từ sữa bò cũng đang chuyển sang sản phẩm từ sữa dê do dễ tiêu hóa hơn. Gần đây Van Beuzekom-Loth biết được rằng trong những năm 1970, bệnh viện St. Elizabeth ở Lincoln đã cung cấp sữa dê cho trẻ sinh non do khả năng tiêu hóa của chúng.

Một thị trường đang phát triển khác là phong trào ‘trở về với thiên nhiên’ và dê là lựa chọn ưu tiên cho những nông trại có quy mô nhỏ. Theo cô Kevin: “Khởi đầu với một con dê sẽ an toàn hơn, không đòi hỏi nhiều không gian”.

Ngoài ra, pho mát thủ công là một trong những thị trường đặc sản phát triển nhanh nhất nước. Việc sản xuất là một quy trình khoa học, cũng là một nghệ thuật và người Mỹ đang bắt đầu đánh bại người châu Âu bằng chính sản phẩm của họ. Theo Van Beuzekom-Loth: “Điều thú vị là hiện nay pho mát Mỹ đã phát triển đến mức chúng tôi cũng làm ra pho mát ngon như người châu Âu và giành giải thưởng tại châu Âu. Loại pho mát chưa tiệt trùng ngon nhất thế giới đã được sản xuất tại Vermont”.

P. Nguyễn Dũng
(tổng hợp)

>> Khi con dê trở thành ‘đồng tiền’ chính ở Kenya
>> Năm dê nói chuyện dê: Vang danh dê núi Ninh Bình
>> Năm gợi ý để ‘sung’ trong năm Con Dê 2015

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.