Vừa giải phóng miền Nam, Công ty Điện lực Việt Nam (tiền thân của Công ty Điện lực 2) được tiếp quản với nhiệm vụ nặng nề là duy trì nguồn điện ở miền Nam.
Với những nỗ lực của EVN SPC, đến nay vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đều đã có điện - Ảnh: Đình Hoàng
|
Kể từ thời khắc lịch sử ấy, ngành điện miền Nam đã vượt qua biết bao khó khăn để có diện mạo như hôm nay.
Gian nan ngày tiếp quản
Đúng 7 giờ 30 ngày 1.5.1975, Tiểu ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định gồm 33 người do ông Lê Thành Phụng dẫn đầu đã đến trụ sở Công ty Điện lực Việt Nam (sau đó đổi tên thành Công ty Điện lực 2, tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Nam - EVN SPC) tại số 72 Hai Bà Trưng, TP.HCM để chỉ đạo việc tiếp quản. Nhiệm vụ quan trọng lúc bấy giờ là bằng mọi cách giữ dòng điện hoạt động liên tục, đảm bảo việc tiếp quản và sinh hoạt của thành phố. Tiếp đến là trọng trách sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện, phát triển nguồn và lưới điện để cung cấp điện an toàn, liên tục cho miền Nam...
Ông Nguyễn Thành Duy, nguyên Tổng giám đốc EVN SPC, nhớ lại: “Lúc mới tiếp quản, hệ thống điện của cả nước nói chung và miền Nam nói riêng còn rất thô sơ, nguồn điện thì chỉ có một số nhà máy nhiệt điện như Thủ Đức, Chợ Quán, Trà Nóc; thủy điện thì có Đa Nhim... cung cấp lượng điện vào khoảng 1,3 tỉ kWh/năm”. Nguồn và lưới điện miền Nam còn chắp vá, nghèo nàn càng khiến cho hoạt động của ngành điện phía Nam lúc bấy giờ thêm khó khăn, phức tạp.
|
Giai đoạn ấy, các nhà máy phát điện hoạt động trong tình trạng thiếu dầu, các linh kiện thiết bị, phụ tùng hư hỏng không có dự phòng để thay thế… Tại TP.HCM chỉ có Nhà máy điện Thủ Đức, Nhà máy điện Chợ Quán và các cụm Diesel. Tại Cần Thơ có Nhà máy điện Trà Nóc vừa xây dựng xong. Trên cao nguyên, Nhà máy thủy điện Đa Nhim cung cấp điện cho Đà Lạt, Tháp Chàm và Cam Ranh nhưng lại bị hư hỏng không vận hành được… “Lưới điện chưa hình thành xong, hoạt động sản xuất, phân phối điện rất manh mún, chắp vá. Ở nông thôn hầu như chưa có điện, việc phát triển lưới điện để cấp điện cho nông thôn chỉ bắt đầu sau năm 1975 và lúc đầu cũng chủ yếu là phục vụ bơm tưới tiêu”, ông Duy kể.
Điện khí hoá và đường dây 500 kV
Ông Nguyễn Phước Đức, Phó tổng giám đốc EVN SPC, đánh giá: “Một trong những bước tiến lớn của ngành điện miền Nam chính là điện khí hóa nông thôn”. Theo ông Đức, từ năm 1995, các công trình điện khí hóa nông thôn đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp đến các vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới và hải đảo. Tỷ lệ hộ dân có điện tăng từ 2,5% (năm 1975) lên 37,08% (năm 1995). Bước ngoặc lớn nhất của ngành điện miền Nam là khi đường dây 500 kV Bắc - Nam đóng điện vận hành vào tháng 5.1994. Tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân của khu vực bao giờ cũng nhanh hơn bình quân của cả nước. “Tính từ năm 1995 - 2014, điện thương phẩm tăng bình quân hằng năm là 18,4%, trong khi đó cả nước chỉ tăng khoảng 13%”, ông Đức nói.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Tổng giám đốc EVN SPC, xúc động cho biết: “Nhắc đến những ngày sau khi đóng điện đường dây 500 kV, anh em ngành điện miền Nam vẫn hay truyền tai nhau câu chuyện: có lần cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm ĐBSCL vào buổi tối, ông đã gọi về cho lãnh đạo ngành điện và nói ông rất xúc động khi đang đi thuyền giữa Đồng Tháp Mười buổi tối nhưng vẫn thấy xung quanh có ánh đèn điện. Cảm xúc ấy của ông thực sự khiến anh em ngành điện miền Nam chúng tôi bồi hồi, hạnh phúc”. Không chỉ giúp đem lại ánh sáng sinh hoạt, điện đã trở thành động lực to lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cải thiện đời sống của người dân.
“Tự hào không phải vì bề dày thành tích...”
Theo ông Nguyễn Phước Đức, đến nay, lưới điện, cơ sở vật chất và kỹ thuật của EVN SPC đã vươn rộng và trải dài khắp 21 tỉnh thành phía Nam. Sản lượng điện thương phẩm năm 2014 là 44,596 tỉ kWh, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân trong 5 năm gần đây là 11,66%/năm, mức sử dụng điện bình quân trên người dân là 1.600 kWh/người/năm (tăng gần 27 lần so với năm 1975). Đến nay, 100% xã, phường và thị trấn ở 21 tỉnh thành phía Nam đã có điện. Tổng số hộ dân có điện tính đến cuối năm 2014 là 7,3 triệu, đạt tỷ lệ 98,49%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện là 97,92%.
Chia sẻ về những thành tựu nổi bật của EVN SPC, ông Nguyễn Văn Hợp xúc động: “Trong không khí kỷ niệm ngày 30.4 lịch sử cũng như ngày thành lập ngành điện miền Nam, cán bộ, công nhân viên EVN SPC ai cũng cảm thấy tự hào. Tự hào không phải vì bề dày thành tích mà đơn giản là những nụ cười rạng rỡ, niềm hạnh phúc của người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, ngoài hải đảo khi có điện”. Ông Hợp cũng khẳng định với truyền thống 40 năm vượt khó, EVN SPC sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đưa ngành điện phát triển vững mạnh, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định vì sự phát triển của đất nước.
Bình luận (0)