Tờ Nikkei Asia ngày 1.5 dẫn báo cáo từ Viện Năng lượng, Môi trường và Kinh tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh cho hay thị trường đồ secondhand nói chung ở Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và có thể đạt mức 3.000 tỉ nhân dân tệ (414 tỉ USD) vào năm 2025, gấp đôi mức năm 2022.
Đối với hàng hiệu secondhand, Financial Times hồi tháng 3 đưa tin giá trị thị trường này ở Trung Quốc ước đạt hơn 8 tỉ USD. Một số nhà quan sát thị trường cho rằng con số này vẫn ở mức thấp so với các nước phương Tây và vẫn còn dư địa để tăng trưởng.
Triển vọng ảm đạm của thị trường hàng hiệu tại Trung Quốc
Theo Nikkei Asia, người tiêu dùng Trung Quốc mua hàng hiệu secondhand cả ở trên mạng lẫn tại các cửa hàng thực tế. Nhà bán lẻ Komehyo Holdings của Nhật Bản đã mở một cửa hàng ở Thượng Hải, sử dụng trí tuệ nhân tạo và đội ngũ chuyên gia để phòng ngừa hàng giả trong kho đồ secondhand của mình.
Mức độ quan tâm ngày càng gia tăng đối với xa xỉ phẩm đã qua sử dụng phản ánh việc người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng chú trọng đến vấn đề giá trị trong thói quen mua sắm hằng ngày giữa những thách thức kinh tế. Xu hướng này có thể được nhìn thấy rõ ràng hơn trong thế hệ gen Z, những người đang gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
"Tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, vốn là lực lượng thúc đẩy tiêu dùng trong nước, giờ đây sợ phải chi tiêu", Nikkei Asia dẫn lời nhà nghiên cứu Zhao Weilin tại Viện Nghiên cứu Itochu của Nhật Bản.
Điều này cho thấy thói quen mua sắm hàng hiệu mới ở Trung Quốc không còn như trước. Thực tế, hoạt động bán hàng của các thương hiệu cao cấp ở Trung Quốc nhìn chung đang chậm lại. Tập đoàn LVMH của Pháp, công ty kinh doanh hàng xa xỉ lớn nhất thế giới (sở hữu các thương hiệu như Louis Vuitton, Dior, Givenchy…), ghi nhận doanh số bán hàng trong quý 1 năm nay tại thị trường châu Á (không tính Nhật Bản) sụt giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn Kering (Pháp), sở hữu thương hiệu Gucci, cũng gặp khó khăn trong cùng giai đoạn, với doanh số bán lẻ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) giảm 19%. Trung Quốc vốn thống trị thị trường hàng hiệu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trung Quốc vẫn là động lực tăng trưởng số 1 thế giới
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn quản lý Bain & Company của Mỹ, thị trường hàng xa xỉ tại Trung Quốc đại lục đạt giá trị 444,7 tỉ nhân dân tệ vào năm 2023, tăng 12% so với năm 2022, khi nước này vẫn đang chịu ảnh hưởng của các chính sách chống dịch nghiêm ngặt. Song con số này vẫn thấp hơn mức kỷ lục 456,4 tỉ nhân dân tệ năm 2021.
"Rào cản đối với việc mua sắm hàng hiệu ở Trung Quốc ngày càng lớn", Nikkei Asia dẫn lời bà Weiwei Xing, một quản lý cấp cao tại Bain & Company. Rào cản đó chính là tình hình kinh tế khó khăn đang xảy ra.
Cơn đau đầu mới
Theo Bloomberg đưa tin hồi tháng 4, các thương hiệu cao cấp đang đối mặt với một thách thức mới tại Trung Quốc: tỷ lệ hoàn/hủy cao. Bài báo cho hay, chỉ trong vòng vài ngày sau ngày hội mua sắm 11.11 (ngày độc thân) ở Trung Quốc năm ngoái, một số thương hiệu đã ghi nhận doanh số bốc hơi đến 75% trên nền tảng thương mại điện tử Alibaba, do người mua trả hàng hoặc hủy đơn.
Xu hướng này tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng xấu trong quý 1 năm nay. Chẳng hạn, tỷ lệ trả hàng và hủy đơn trên sàn Tmall đối với thương hiệu thời trang Ý Brunello Cucinelli tăng lên mức 69% (cùng kỳ năm trước là 59%). Đối với thương hiệu Marc Jacobs thuộc LVMH, tỷ lệ này là 43% (cùng kỳ năm 2022 là 30%).
Bình luận (0)