31 năm sự kiện Gạc Ma - Kỳ 2: Người ở Cô Lin - Len Đao

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
15/03/2019 08:48 GMT+7

'Hồi ấy, cứ những lúc đối đầu với tàu Trung Quốc, lại nhìn sang Gạc Ma mù mịt sóng, chúng tôi động viên nhau: Gần trăm anh em vừa hy sinh, mình ra sau không thể sợ hãi, không thể để mất đảo lần nữa...'

Những chuyến công tác Trường Sa, khi nào tôi cũng ghé Cô Lin - Len Đao. Thậm chí có chuyến, tôi còn được Quân chủng Hải quân (QCHQ) ưu ái cho ở lại đến mấy ngày đêm, để cảm nhận thật sự cuộc sống vất vả, căng thẳng và cũng rất kiên cường của những người lính. 

Đảo trưởng đầu tiên

Đó là đại tá Hoàng Bùi Hải, hiện đang là Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa. Tháng 3.1988, vừa kết thúc nhiệm vụ đại đội trưởng pháo binh trên đảo Song Tử Tây, về lữ đoàn 146 đóng ở căn cứ Cam Ranh thì Hoàng Bùi Hải (lúc đó mới đeo quân hàm thượng úy) được bổ nhiệm chỉ huy trưởng kiêm bí thư chi bộ Cô Lin.
Sáng 10.3.1988, Tư lệnh HQ Giáp Văn Cương hạ quyết tâm “Ngoài lực lượng ban đầu ra đóng giữ Gạc Ma như kế hoạch, sẽ đưa thêm lực lượng đóng giữ, bảo vệ Cô Lin” và tối 11.3.1988, thượng úy Hoàng Bùi Hải cùng trung úy phó chỉ huy Cô Lin Đinh Ngọc Doanh đưa phân đội của mình lên tàu HQ-604, nhằm hướng Trường Sa.
Cô Lin hiện nay, nhìn từ xa Ảnh: Mai Thanh Hải
17 giờ ngày 13.3.1988, sau khi đã khôn khéo vượt qua vòng vây đe dọa của các tàu chiến Trung Quốc, tàu HQ-604 thả neo cạnh Gạc Ma. Đêm hôm ấy, lực lượng công binh 83 và đóng giữ đảo của lữ đoàn 146 do thiếu úy Trần Văn Phương (phó chỉ huy trưởng Gạc Ma) đổ bộ lên Gạc Ma mang theo vật liệu xây dựng và bảo vệ cờ.
Khoảng 6 giờ ngày 14.3.1988, thượng úy Hoàng Bùi Hải đang trên boong chỉ huy phân đội mình mang vũ khí từ hầm tàu lên chuẩn bị chiến đấu theo lệnh của Phó lữ đoàn trưởng Trần Đức Thông, thì pháo hạm từ các tàu chiến Trung Quốc dồn dập nã sang tàu HQ-604. Thượng úy Hải bị thương, nằm ngất lịm sau cuộn tời neo mũi tàu. Mãi đến khi tàu chìm, anh Hải mới tỉnh dậy, dùng cánh tay nguyên vẹn của mình ôm tấm ván, bập bềnh trên mặt nước và được anh em thoát chết trên Gạc Ma đưa lên xuồng.
kiem_ngu_Viet_Nam
Tàu KN-290 neo đậu làm nhiệm vụ tại vùng biển Cô Lin, Len Đao Ảnh: Mai Thanh Hải
Hơn 8 giờ ngày 14.3, bộ đội trên tàu HQ-505 quan sát mới phát hiện chiếc xuồng chở 43 người sống sót, thương binh và thi hài thiếu úy Trần Văn Phương. Thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ lệnh hạ xuồng cứu vớt, ông Hải và đồng đội mới thoát chết. Ngay chiều đó, ông Hải cùng mọi người được tàu HQ-671 đưa về Sinh Tồn. Mấy ngày sau, tàu vận tải đưa ông 3 thương binh nặng khác về bờ, sau đó trực thăng chở thẳng 4 thương binh trận 14.3.1988 về bệnh viện quân y 175 điều trị trong gần 1 năm trời.
“Khi ra viện, tôi xin ra đảo chiến đấu nhưng cấp trên từ chối thương binh nặng và sau đó cho chuyển công tác về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa”, đại tá Hoàng Bùi Hải nói vậy và rưng rưng: “Nếu không có anh em vớt lên xuồng, tôi sẽ là người thứ 65 nằm lại Gạc Ma. Tôi rất mong gặp lại những người đã cứu mình, 31 năm về trước”.

Tổ tuyên truyền đặc biệt

Đại tá Đỗ Ngọc Bình, nguyên Phó trưởng phòng Tuyên truyền đặc biệt (TTĐB), Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị, thời điểm 1988 là đại úy, Trợ lý Phòng nghiên cứu địch, thuộc Cục Tuyên truyền đặc biệt (sau đổi thành Cục Dân vận) kể: Sáng 19.4.1988, 3 sĩ quan của Cục TTĐB là đại úy Đinh Xuân Bình, đại úy Đỗ Ngọc Bình và thiếu úy Bùi Quang Tiến được thiếu tướng - cục trưởng Đặng Văn Duy gọi lên giao nhiệm vụ “Khẩn trương ra công tác Trường Sa”, nhận quân tư trang và mỗi người 1 khẩu súng K59 cùng 3 cơ số đạn.
Cán bộ Cục Chính trị HQ bên bia chủ quyền Việt Nam trên Len Đao, tháng 3.1999 Đinh Xuân Bình
Tổ công tác do đại úy Đinh Xuân Bình làm tổ trưởng và "hàng khủng" được Cục TTĐB ưu ái cấp mang đi làm nhiệm vụ tuyên truyền thời điểm ấy là giàn loa OZC78 của Liên Xô (cũ).
Sáng hôm sau, cả tổ đi máy bay quân sự từ Gia Lâm vào Cam Ranh. Gần 1 tuần nghe đài Trung Quốc nắm tình hình Trường Sa và dịch thuật phục vụ chỉ huy, đêm 26.4.1988, tổ TTĐB lên tàu đổ bộ HQ-513 tăng viện cho Trường Sa.
Từ nhà đa năng trên đảo Cô Lin, nhìn sang nhà lâu bền của đảo Ảnh:Mai Thanh Hải
Đại úy Đinh Xuân Bình, Tổ trưởng TTĐB tại Cô Lin - Len Đao năm 1988, giờ đã 72 tuổi nhưng vẫn nhớ: “Ra Trường Sa, chúng tôi được đưa ra Cô Lin, lên tàu HQ-505 đang nằm trên bãi đá, ăn ở sinh hoạt cùng bộ đội đang chốt giữ. Mỗi khi tàu Trung Quốc áp sát, bộ đội sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi nhanh chóng triển khai loa đài và đứng hẳn ra ngoài, cầm micro nói bằng tiếng Trung, loa mở hết cỡ: "Đây là vùng biển Việt Nam", yêu cầu các tàu Trung Quốc phải rời đi ngay lập tức".
Nhà đa năng trên đảo Len Đao Mai Thanh Hải
Trong hơn 3 tháng bám trụ Cô Lin - Len Đao, tổ TTĐB liên tục theo các tàu làm nhiệm vụ. Đại tá Đỗ Ngọc Bình nhớ nhất những ngày trực bảo vệ Cô Lin với vũ khí là khẩu súng ngắn K59 và chiếc… loa pin: Chiều 29.5.1988, tàu vận tải đổ bộ Trung Quốc chạy tốc độ cao áp sát tàu HQ-614. Tôi đang nằm trên boong, mở mắt ra đã thấy tàu nó to như quả núi lù lù ngay sau mạn và lính tráng mặc quần áo rằn ri đứng đầy trên boong. Không kịp gọi thuyền trưởng, tôi vớ ngay cái loa pin để cạnh bên, gào bằng tiếng Trung: “Cảnh cáo hành động khiêu khích quân sự". Anh em nghe tiếng loa báo động bật dậy, ôm súng lao vào vị trí chiến đấu. Tàu Trung Quốc sau đó bỏ đi.
Đại tá Nguyễn Hưng (trái), Phó lữ đoàn trưởng 146 lên Len Đao kiểm tra toàn diện bộ đội đảo Mai Thanh Hải
Trước khi ra Trường Sa, đại úy Đinh Xuân Bình được cấp 1 máy ảnh chụp phim đen trắng và trong suốt 3 tháng làm nhiệm vụ, ông liên tục chụp hình tư liệu phục vụ công tác đấu tranh.
“Tôi nhớ là tấm bia chủ quyền trên Len Đao. Bia chỉ cao khoảng 60 cm, muốn chụp toàn cảnh, phải dìm mình xuống nước. Thân bia bị mờ do sóng biển, tôi phải lấy cát trát kỹ, mới nổi lên hình ngôi sao 5 cánh và chữ Việt Nam”, ông Đinh Xuân Bình nhớ vậy và say sưa: “Ở Cô Lin, bộ đội phải thay lá cờ hằng ngày vì sóng gió quá mạnh. Anh em tàu HQ-505 chốt giữ Cô Lin thiếu thốn đủ thứ, nhưng vẫn nhường “lính đỏ” chúng tôi từ ca nước ngọt cho đến chiếc bắp cải. Hồi ấy, cứ những lúc đối đầu với tàu Trung Quốc, lại nhìn sang Gạc Ma mù mịt sóng và động viên nhau: Gần trăm anh em vừa hy sinh, mình ra sau không thể sợ hãi, không thể để mất đảo lần nữa”.

Dựng nhà trong tầm đạn địch

Xuồng máy vượt qua bãi cát vào Len Đao Ảnh: Mai Thanh Hải
Đại tá Trần Đình Dần, 67 tuổi, nguyên trung đoàn trưởng 83 công binh HQ (nay là lữ đoàn) vẫn nhớ như in thời điểm giữa tháng 6.1988 là phó trung đoàn trưởng – tham mưu trưởng, nhận nhiệm vụ đưa 2 khung công binh gồm 60 người ra xây dựng nhà chòi bằng sắt trên Cô Lin và Len Đao.
Thời điểm này, tâm lý bộ đội rất căng thẳng bởi 25 cán bộ chiến sĩ của đơn vị vừa hy sinh tại Gạc Ma ngay sát đó, khiến Chuẩn đô đốc Phạm Huấn, Phó Tư lệnh HQ và Phó đô đốc Lê Văn Xuân, Chính ủy QCHQ liên tục đến động viên. Rạng sáng ngày 21.6.1988, đích thân Tư lệnh HQ Giáp Văn Cương xuống giao nhiệm vụ và tiễn bộ đội xuống tàu HQ-613 ra xây dựng nhà.
“Lúc này ta bố trí 3 tàu bảo vệ ở Cô Lin, 2 tàu ở Len Đao. Trước khi dựng nhà trên Cô Lin, QCHQ lệnh cho tàu HQ-462 tiếp tục ủi bãi. Tối 26.6.1988, tàu chở vật liệu bí mật áp sát Len Đao cho bộ đội công binh suốt đêm chuyển vật liệu xây dựng lên đảo. Những đêm sau, lại âm thầm chuyển vật liệu. Đêm 29.6.1988, ta tổ chức cắm cờ và bắt đầu dựng nhà. Mãi đến trưa 1.7.1988, phía Trung Quốc mới phát hiện và cho tàu vào gần đe dọa, khiêu khích, có khi chỉ cách đảo 300 - 500 m. Sở chỉ huy phía trước và lực lượng đóng giữ phải dùng loa truyên truyền liên tục, yêu cầu không được xâm phạm lãnh hải, không được gây hấn, tàu Trung Quốc mới rời đi”, đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó tham mưu trưởng Vùng 4 HQ nhớ lại.
Toàn cảnh đảo Len Đao Mai Thanh Hải
“Từ tháng 6.1988, lực lượng được tăng cường nên sức mạnh phòng thủ được tăng lên vượt bậc”, đại tá Phạm Công Phán, nguyên Lữ đoàn trưởng 146 nói vậy và kể: “Ngày 7.7.1988 làm xong nhà Len Đao, ngày 10.7.1988 xong nhà Cô Lin và công binh HQ bàn giao cho bộ đội Lữ đoàn 146 làm nhiệm vụ phòng thủ, ngay sát cạnh Gạc Ma”.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc tại Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14.3.1988, phía Trung Quốc bắn cháy, bắn chìm 3 tàu vận tải quân sự của ta; khiến 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh; 11 người bị thương, bị bắt. Phía Trung Quốc chiếm được bãi đá Gạc Ma. Tại 2 đá Cô Lin, Len Đao, các lực lượng ta kiên cường chốt giữ, bảo vệ đến ngày nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.