40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: 12 ngày đêm giữ Khau Chỉa

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
15/02/2019 07:12 GMT+7

Đèo Khau Chỉa cách cửa khẩu Tà Lùng khoảng 10 km, trên đoạn đường từ Tà Lùng về đèo Mã Phục cách TX.Cao Bằng gần 50 km. Men theo đèo Khau Chỉa là đoạn đường quanh co khoảng 10 km, bên núi cao, bên vực sâu...

Lứa tuổi teen ở TP.Cao Bằng thường ra quán Hồ Điệp dưới gầm cầu Bằng Giang ăn chân, cánh gà nướng. Những khi đông, họ hay thấy một người đàn ông mặt vuông mày xếch ra phụ bưng bê. Ít ai biết đó là cựu binh Hồ Tuấn, thuộc Trung đoàn 567, từng tham gia trận chiến đèo Khau Chỉa, diệt 120 quân Trung Quốc xâm lược.
Cuối năm 1978, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 567 từ xã Chí Thảo (H.Quảng Hòa, Cao Bằng) nhận lệnh chuyển lên lập chốt tại TT.Phục Hòa, cạnh cửa khẩu Tà Lùng.

Lựu đạn đẩy lùi xe tăng

“Rạng sáng 17.2.1979 súng nổ. Đơn vị đã lập chốt nhưng vẫn có chút bất ngờ vì lính Trung Quốc tràn sang như kiến cỏ, không phải là quấy phá, khiêu khích như trung đoàn phổ biến”, ông Nguyễn Thái Long, nguyên y sĩ thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 567, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng, nhớ lại. Thời điểm đó ta chỉ có 1 trung đội công an vũ trang giữ ở cửa khẩu. Tiểu đoàn 1 của ông Long gồm 4 đại đội, nhưng là bộ đội địa phương làm kinh tế. Vũ khí chỉ có súng AK, lựu đạn, vài khẩu B40, B41, cối 60, cối 82.
Sau 2 tiếng dập pháo, cả biển lính tiến sang đất ta. Đi đầu là mấy chục chiếc xe tăng vừa lăn vừa nã đạn. Tiếp đó là lính cảm tử lựu đạn đeo đầy người. Sau là lính xung kích và các loại lính khác, cuối cùng mới đến dân binh tải đạn cáng thương… Bộ đội trên đồi tập trung bắn vào tốp lính đi đầu khiến lớp sau khiếp sợ quay đầu bỏ chạy. Ác liệt nhất là trận địa chốt của Đại đội 1 ở ngã ba Đỏng Lèng (gần Nhà máy đường Phục Hòa), ngăn mũi tấn công chính của địch. Có lúc xe tăng địch chạy trước bộ binh mấy trăm mét, lại bị mắc xích lạc trong ruộng mía. Bộ đội men theo các vạt mía cao quá đầu người áp sát, bắn cháy 3 xe tăng khiến cả đội quân rùng rùng tháo chạy. Nguyên ngày 17.2.1979, chúng không qua nổi các chốt của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 567.
Ngày 18.2.1979, quân Trung Quốc tấn công ác liệt vào đầu cầu Tà Lùng khiến trung đội công an vũ trang hy sinh hết. Chúng chiếm được Nhà máy đường Phục Hòa, cách cửa khẩu khoảng 300 - 400 m, nhưng không đánh bật được các chốt của Tiểu đoàn 1. Đến chiều tối, đơn vị hy sinh vài chục người, đạn dược cạn kiệt nên được lệnh rút về phía sau dãy Khau Chỉa, nơi có 2 tiểu đoàn đang lập phòng tuyến chặn giặc.
12 ngày đêm giữa đèo Khau Chỉa1
Cầu Tà Lùng bắc qua sông Bằng, phía bên kia là Thủy Khẩu (Quảng Tây, Trung Quốc). 40 năm trước, xe tăng và bộ binh Trung Quốc qua cầu này tiến vào TX.Cao Bằng nhưng bị Trung đoàn 567 đánh chặn quyết liệt Ảnh: Mai Thanh Hải
Đèo Khau Chỉa cách cửa khẩu Tà Lùng khoảng 10 km, trên đoạn đường từ Tà Lùng về đèo Mã Phục cách TX.Cao Bằng gần 50 km. Men theo đèo Khau Chỉa là đoạn đường quanh co khoảng 10 km, bên núi cao vút, bên vực sâu thẳm.
Hành quân cả đêm cho đến trưa 19.2, Tiểu đoàn 1 đi qua Khau Chỉa. Đến xã Hồng Định (H.Quảng Uyên), Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Hoan thấy bộ đội mệt quá nên cho nghỉ tại chỗ. Riêng y sĩ Nguyễn Thái Long đi theo Tiểu đoàn trưởng Hoan xuống các đại đội thăm thương binh. Chưa được mấy phút, bỗng thấy đạn pháo nổ chát chúa, đạn 12,7 mm bắn ràn rạt trên mặt đường.
Ngẩng lên, thấy 3 chiếc xe tăng Trung Quốc vừa tiến vừa bắn phía sau, Tiểu đoàn trưởng Hoan bò men theo ta luy đường đến gần quăng lựu đạn lên tiêu diệt đám lính ngồi trên tháp pháo. Thấy bộ binh đi cùng bị diệt, cả 3 chiếc tăng quay đầu tháo chạy. “Về sau mới biết sáng 19.2 xe tăng Trung Quốc chạy từ TT.Hòa Thuận, H.Phục Hòa (bị chúng chiếm ngay đêm 18.2) theo QL3 vào sâu trong đất ta thăm dò. Khi gặp bộ đội Tiểu đoàn 1 đang nằm ngồi nghỉ ven đường, lính tăng Trung Quốc thần hồn nát thần tính, thấy nhiều bộ đội VN và bị lựu đạn, AK diệt gọn lính xung kích trên tháp pháo nên tháo chạy”, ông Long nhớ lại.

Người cuối cùng rời trận địa

12 ngày đêm giữa đèo Khau Chỉa2
Ông Hồ Tuấn bên những chứng nhận khen thưởng suốt 40 năm qua Ảnh: Mai Thanh Hải
Tháng 2.1979, ông Hồ Tuấn 23 tuổi là xạ thủ súng máy phòng không 14,5 mm thuộc Đại đội 16, Trung đoàn 567. Sáng 17.2.1979, ông Tuấn theo đội hình 3 khẩu 14,5 mm lên chi viện cho Tiểu đoàn 1 đang chặn địch tại TT.Phục Hòa. Đêm 18.2, đơn vị ông nhận lệnh rút ra đèo Khau Chỉa lập trận địa phòng ngự từ đồi Nghĩa Trang đến đỉnh 300.
Tháng 5.1979, Trung đoàn 567 được đón các đoàn đại biểu quân đội nhân dân Lào, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản sang thăm và tặng quà. Đặc biệt, Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Cuba Fidel Castro đã cử phái viên số 1 và nhóm báo chí Cuba sang thăm VN, lên tận đơn vị thăm, tặng quà.
(Theo lịch sử Trung đoàn 567, Sư đoàn 346, Quân khu 1)
“Khốc liệt nhất là từ ngày 20 đến 28.2, quân Trung Quốc điên cuồng đánh vào trận địa phòng ngự vì chúng tôi hạ nòng 14,5 mm diệt nhiều sinh lực, chặn bước tiến của chúng và chi viện cho bộ binh. Ngày 26.2.1979, quân Trung Quốc cho thê đội 2 sang tiếp ứng. Cả 1 sư đoàn bộ binh địch bao vây đánh 2 tiểu đoàn thiếu quân khiến đơn vị bị thương vong nặng, tiểu đoàn trưởng, chính trị viên hy sinh tại chỗ. Trung đội 14,5 mm của tôi có 36 người, sau chỉ còn 9 anh em chiến đấu”, ông Hồ Tuấn chầm chậm kể, mắt đỏ hoe: “Vẫn nhớ anh Phúc bị đạn xuyên ngực, gục xuống bờ hào nhưng tay vẫn nháy cò RPD chặn địch. Anh Chiêu đi lấy cơm gặp xe tăng địch, 3 thằng lính lao đến định bắt sống nhưng anh rút lựu đạn hy sinh và diệt địch”.
Cựu chiến binh Nguyễn Như kể: “Súng phòng không 14,5 mm ở trận địa cách mặt đường chỉ 300 m, lại có kính ngắm quang học nên uy lực gây khiếp đảm với quân Trung Quốc. Ngày 22.2.1979, khẩu đội 14,5 mm với anh Hồ Tuấn là xạ thủ số 1 đã chi viện đắc lực cho Đại đội 7, Tiểu đoàn 5 xuất kích đánh vào đội hình thọc sâu của quân Trung Quốc trên đồi Khau Chỉa, diệt 2 xe tải chở thám báo, thu 1 xe chỉ huy pháo binh, 1 tổng đài, 8 máy thông tin và nhiều tài liệu quan trọng”.
Cũng trong thời gian chốt giữ trận địa Khau Chỉa, ông Hồ Tuấn bắt sống 2 sĩ quan Trung Quốc, thu 2 súng K54 và gần 100 quả lựu đạn. Ngày 28.2.1979, ông Tuấn bị thương nặng nhưng vẫn đi sau cản địch, là người cuối cùng rút khỏi trận địa và kết thúc chiến dịch, được công nhận tiêu diệt 120 tên xâm lược, là 1 trong 3 điển hình tiên tiến của trung đoàn về Hà Nội dự Đại hội Anh hùng bảo vệ Tổ quốc cuối năm 1979.
Hôm cuối năm 2018, ông Hồ Tuấn đi họp cựu chiến binh, tình cờ gặp một đoàn khách du lịch Trung Quốc. Thấy ông mặc quân phục, một người khách cao tuổi nhờ phiên dịch hỏi chuyện, mới biết thời điểm tháng 2.1979 người khách đó là tiểu đoàn trưởng thuộc Sư đoàn 125 Trung Quốc đánh vào trận địa Khau Chỉa. “Giờ tôi mới biết chỉ có 2 tiểu đoàn phòng ngự, cứ nghĩ lúc đó phải có cả sư đoàn”, người khách thừa nhận.
Con còn sống, mẹ đừng khóc !
Ông Nguyễn Thái Long vẫn nhớ cuối tháng 3.1979, khi đang đóng quân tại Bản Cải cạnh cửa khẩu Tà Lùng thì được xem văn công xung kích của Quân khu 1 lên biểu diễn ngay tại trận địa còn khét mùi thuốc súng, dày đặc hố đạn pháo.
Văn công biểu diễn buổi chiều, trên sườn núi cạnh doanh trại tiểu đoàn. Các đại đội chia bộ đội làm 2 kíp, khoác súng thay nhau đi xem. Văn công biểu diễn rất nhiệt tình, hát theo yêu cầu của bộ đội, từ Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, Chiều biên giới em ơi… cho đến các bài về biên giới, người lính biên cương. Khi tốp ca nam hát Làng tôi sau lũy tre mờ xa... thì bộ đội lặng người nhớ nhà, nhớ mẹ. “Nhiều anh rớt nước mắt vì hơn 1 tháng nay, chỉ được nghe tin tức qua chiếc radio của chính trị viên, mọi thư từ bị đứt hết. Chắc bố mẹ ở quê rất nóng ruột, mong tin con từng giây”, ông Long lặng người hồi lâu và hồi tưởng: “Ai đó bỗng nói to: Các anh chị cho chúng tôi nhờ gửi thư về nhà và lập tức bùng lên tiếng vỗ tay. Nhưng mới đánh nhau xong, lấy đâu ra giấy bút để viết thư. Tôi níu áo một cậu văn công kể sơ về mẹ tôi, viết địa chỉ ra mẩu báo và nhờ: Bạn về Thái Nguyên thì ra bưu điện gửi giúp mấy chữ về gia đình tôi nói tôi còn sống, kẻo mẹ tôi khóc hết nước mắt. Cậu văn công nghe xong, nói nhỏ với anh trưởng đoàn. Anh ấy lập tức đứng lên nói to: Các đồng chí viết địa chỉ gia đình, về đến Thái Nguyên chúng tôi sẽ tìm cách báo tin về nhà đồng chí sớm nhất”. Ngay khi kết thúc biểu diễn đó, tất cả diễn viên, nhà báo đều lấy sổ tay ra ghi địa chỉ của lính Tiểu đoàn 1 chúng tôi. Cuối năm đó, tôi được về thăm nhà trước khi đi học bác sĩ. Mẹ tôi đưa ra cho xem bức điện báo gửi từ Thái Nguyên ghi dòng chữ: "Mẹ đừng khóc và yên tâm, con trai của mẹ vẫn còn sống".
“Tôi rất muốn gặp lại người văn công xung kích năm xưa để cảm ơn anh và cả đoàn đã động viên, nối liên lạc với gia đình cho chúng tôi”, ông Long nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.