Và tít trên đỉnh núi ấy, có 1 tấm bia cũ ghi tên 13 người lính biên phòng đồn Lũng Nặm tuổi 18 - 20 đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc, giữ biên cương…
Những người lính trẻ đã hy sinh
Tối 16.2.1979, nhận được tin báo phía Trung Quốc (TQ) tập trung quân dọc biên giới, có dấu hiệu tấn công sang nước ta, trung úy Nông Quang Việt, Đồn trưởng Công an nhân dân vũ trang Nặm Nhũng (nay là Đồn biên phòng (ĐBP) Lũng Nặm, đóng quân tại xã Lũng Nặm, H.Hà Quảng) dẫn 1 tổ công tác lên tăng cường cho trạm Nậm Rằng nằm sát biên giới.
tin liên quan
40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7.1.1979 - 7.1.2019): Giúp bạn hồi sinhĐây là 2 người lính biên phòng ngã xuống đầu tiên trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Tiếng súng của các anh báo động cho cả tuyến sau.
Mất yếu tố bất ngờ, 4 giờ sáng 17.2.1979, phía TQ ầm ầm nã pháo và xua bộ binh theo đường mòn Cây Tắc, Kéo Yên (mốc 681 hiện nay), Nậm Sấn, Lũng Nặm (mốc 686 hiện nay) tấn công vào doanh trại đồn. Cuộc chiến đấu của gần 40 người lính biên phòng đánh trả cả trung đoàn bộ binh có sự yểm trợ của pháo binh kéo dài đến ngày hôm sau. Chiều 18.2.1979, 2 xạ thủ đại liên Ngô Châu Long (quê Xuân Cẩm, Hiệp Hòa, Bắc Giang) và Phùng Văn Xít (quê Kiến Thành, Lục Ngạn, Bắc Giang), vừa tròn 20 tuổi, phải hy sinh khi đã bắn đến viên đạn cuối cùng.
Ông Lưu Văn Dính (55 tuổi), Bí thư Đảng ủy xã Lũng Nặm, thời điểm 1979 là dân quân xã, nhớ lại: “Lính TQ bị BĐBP chặn tại Lũng Nặm”, và trầm giọng: “Ngày 20.2.1979, thêm chiến sĩ Hà Văn Côn quê Chợ Đồn, Bắc Kạn hy sinh khi chưa đầy 18 tuổi. Chúng tôi chôn anh em ở nghĩa trang tạm, những người còn sống phải nhường quần áo cho người đã mất vì đồ mặc sau mấy ngày chiến đấu, đều rách bươm”.
|
Kể về đồng đội, nước mắt rưng rưng
Đại tá Ma Quang Nghị hiện đang nghỉ hưu tại xã Bình Yên (H.Định Hóa, Thái Nguyên), nguyên là Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng, vẫn khắc khoải quãng thời gian giữ cương vị Chính trị viên ĐBP Lũng Nặm thời điểm 1983 - 1987. Sau khi bất ngờ tấn công (17.2.1979) và rút quân (13.3.1979) khỏi Cao Bằng, phía TQ củng cố các trận địa, tung nhiều toán thám báo xâm nhập vào đất ta… “Họ bắn súng khiêu khích, gài mìn sâu trong đất ta. Nhiều nơi, họ đưa lực lượng ra sát biên giới để án ngữ”, đại tá Nghị kể lại và lắc đầu: “Biên giới Cao Bằng có thể xung đột vũ trang trở lại. Bộ đội toàn tuyến căng thẳng”.
|
“Cán bộ xã cũng bỏ nhiệm vụ, chạy theo gia đình, để lại địa bàn không có người phụ trách”, thiếu tá Hoàng Văn Lớ, nguyên Đồn trưởng Lũng Nặm thời điểm 1982 - 1987, kể lại và cho biết thêm: “Đơn vị từ ngày xảy ra chiến tranh biên giới, không có doanh trại phải sinh hoạt, họp hành nhờ nhà dân. Bộ đội không đủ quần áo mặc, đi ngủ phải nằm chung vì thiếu chăn màn. Ai đi công tác cũng phải mượn mũ, ba lô của người khác. Thiếu xoong nồi, khi ăn cơm phải chen chúc 9 - 10 người mỗi mâm”.
Đầu năm 1983, ông Ma Quang Nghị lên nhận nhiệm vụ đồn phó chính trị (nay là chính trị viên) ĐBP Nặm Nhũng. Lúc này, phía TQ tăng cường xâm nhập phục kích, bắt cóc tập kích bộ đội và cán bộ ta. “Trước khi về đã nghe vụ trưa 25.5.1982, anh Vũ Văn An và chiến sĩ Võ Văn Việt đang đi tuần thì bị phục kích, bắt sang bên kia”, ông Nghị kể lại vậy và trầm giọng: “Đau nhất là vụ ngày 23.4.1984”.
Sáng hôm ấy, ông Nghị đang trực chỉ huy thì 1 chiến sĩ trên chốt Nhỉ Đú (xã Vân An, Hà Quảng) quần áo rách tươm, mặt bê bết máu hớt hải về báo: “Chốt bị tập kích”. Đưa quân lên ứng cứu, gần tối mới tới nơi và thấy bộ đội thương vong nằm la liệt. Số hy sinh tại chỗ là 6 người, trong đó có 3 chiến sĩ của đồn, chỉ mới 18 - 19 tuổi. “Lính TQ bò sang tập kích bất ngờ lúc 5 giờ sáng. Đạn B40 bắn chảy cả nồi gang đang nấu cơm. Anh em hy sinh, khi chưa được hạt cơm nào vào bụng”, đại tá Nghị nhớ lại.
Ông lẩn mẩn đọc tên liệt sĩ: binh nhất Đỗ Văn Khanh, 19 tuổi, quê Trung Sơn, Việt Yên, Bắc Giang; binh nhất Nông Văn Kỳ, 19 tuổi, quê Dân Chủ, Hòa An, Cao Bằng; binh nhất Lãnh Đức Duy, quê Thể Dục, Nguyên Bình, Cao Bằng...; binh nhất Trần Văn Cường (quê Trung Sơn, Việt Yên, Bắc Giang) bị thương nặng đưa về tuyến sau nhưng 2 ngày sau cũng hy sinh.
“Những năm 1983 - 1987, phía TQ còn bắn tỉa bộ đội làm nhiệm vụ tuần tra. Ngày 5.9.1985, hạ sĩ Chu Văn Cử, quê Cốc Đán, Ngân Sơn, Bắc Cạn khi ấy mới 19 tuổi hy sinh khi đang tuần tra tại khu vực xóm Ẳng Bó - Kéo Quyển. Hạ sĩ Lý Văn Thanh, quê Ngọc Động, Quảng Uyên, Cao Bằng hy sinh khi mới 20 tuổi. Sáng 19.11.1983 anh Thanh bị phục kích khi đang kiểm tra biên giới mốc 105 - 106 (cũ). Bộ đội giằng co chiến đấu, 1 tuần sau mới lấy được thi hài của Thanh”, đại tá Ma Quang Nghị rưng rưng nước mắt.
|
“Giá mà được xây lại nhà bia cho chắc chắn”
Ông Trần Văn Huyền (56 tuổi), nguyên là tiểu đội trưởng công tác tại ĐBP Lũng Nặm những năm 1982 - 1985 hiện đang nghỉ hưu tại xã Dương Đức, H.Lạng Giang (Bắc Giang), nhưng cứ vài năm lại ngồi xe khách, thuê xe ôm lên Lũng Nặm thăm lại nơi mình đã chiến đấu.
Ông Huyền kể: những năm 1980, chốt biên phòng Nhị Đú cách đồn 9 km là tuyến đầu đối mặt với lính TQ. Mỗi ngày, phía bên kia bắn sang hàng trăm quả đạn pháo. Lều lán, nhà bạt của tổ chốt bị cháy sạch, anh em phải chui vào ngủ trong hốc đá. Ăn uống thì phải xuống núi gùi nước suối, cơm chỉ ăn với muối trắng. “Khổ vậy, nhưng lính chúng tớ toàn dân Bắc Giang, Hải Phòng… không đứa nào đào ngũ, thoái thác nhiệm vụ”, ông Huyền kể vậy với chúng tôi và đau đáu: “Giá có một nhà bia ghi tên đàng hoàng, để anh em quây quần”.
Hôm vượt núi cao lên “Lục Khu”, thượng tá Lô Ngọc Dũng, Chính trị viên ĐBP Lũng Nặm, dẫn chúng tôi ra khu đất giữa đồn và cổng Trường tiểu học Nặm Nhũng (Hà Quảng, Cao Bằng), chỉ nhà bia cũ kỹ nằm bên bờ suối: “Nhà bia xây từ những năm 1990, xuống cấp trầm trọng. Khi mưa, nước trên núi đổ xuống, dềnh ngang bệ thờ và chúng tôi lại đội mưa chạy ra ôm bát hương cất, nước rút mới mang ra”.
Chúng tôi rời vùng núi đá “Lục Khu” khắc nghiệt, đúng lúc mây trắng ùn ùn sà xuống sân đồn. Cựu chiến binh Trần Văn Huyền thầm thì: “Cứ có khách dưới xuôi lên là hương hồn anh em lại về tạm biệt”, và ước: “Giá mà được xây lại nhà bia cho chắc chắn. Chúng tôi và những người đang sống, mắc nợ với 13 người lính trẻ đã nằm xuống, rất nhiều...”.
Bình luận