Đánh đến viên đạn cuối cùng
|
“Chúng tôi ở chốt tiền tiêu cửa khẩu, nhìn bằng mắt thường thấy rõ mọi hoạt động bên kia, thấy họ tập trung xe pháo, binh lính và suốt ngày đêm chĩa loa sang nói xấu ta, đến điếc cả tai. Đêm 16.2 tự nhiên im phăng phắc, chính trị viên tiểu đoàn Tài Văn Khấn lên tận nơi nhắc nhở: Không đêm nay thì sáng mai sẽ xảy ra chiến sự, mọi người phải cảnh giác”, ông Phương nhớ lại.
4 giờ sáng 17.2.1979, pháo Trung Quốc bắn như mưa vào chốt. Sau đó là bộ binh tràn qua. Tuy chưa bao giờ nghe tiếng pháo, nhưng là người nhiều tuổi nhất và với vai trò tiểu đội phó, ông Phương động viên mọi người: “Chết vì pháo là rất ngớ ngẩn. Ít nhất phải đổi 1 mạng mình với 10 thằng bộ binh nó”. Lời động viên đã xốc cả chốt kiên cường chiến đấu, bẻ gãy 3 đợt tấn công của địch từ rạng sáng đến buổi tối. Rạng sáng 18.2.1979, tức tối vì còn duy nhất chốt tiền tiêu cản đường, phía Trung Quốc cho lính sơn cước bò lên bí mật tập kích.
tin liên quan
40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Không thể quên!6 giờ sáng, lạ vì tình hình yên ắng, ông Phương tập trung quan sát, thấy xung quanh tự dưng có nhiều... gốc chuối. Bắn một loạt AK vào “gốc chuối” gần nhất, thấy la hét tiếng Tàu và lăn lông lốc xuống dưới. Cả tiểu đội lập tức vào vị trí đánh trả cũng là lúc những “gốc chuối” bật dậy lao lên mép giao thông hào. Suốt ngày 18.2 ấy, chốt tiền tiêu bị pháo binh giã như giã giò nhưng vẫn kiên cường đánh trả gần 10 đợt tấn công của địch. Gần trưa, ông Phương bị ĐKZ bắn vào vị trí, ngất lịm trong đống đất. Khi tỉnh dậy, thấy tiểu đội trưởng Hoàng Văn Hóa nằm gục ngay cạnh, đầu vỡ toác nhưng ngón tay vẫn để trong vòng cò khẩu RPD. Tiểu đội hy sinh 6 người. Ông Phương động viên: “Ban ngày thế này, rút là chết. Cố cầm cự đến tối” và lệnh để sẵn lựu đạn trong túi áo từng người, nếu hết đạn mà bị bắt thì nổ diệt địch.
|
Đến chiều, cả chốt hy sinh hết, còn mỗi ông chạy đi chạy lại bốn phía chiến đấu và 2 thương binh nặng ngồi trong hầm lắp đạn. “Tôi sử dụng các loại súng, bắn mấy chục quả cối 60 mm đến điếc đặc. Chiều tối, xe tăng địch tràn lên. Tôi bắn quả B40 cuối cùng. Tranh thủ lúc chúng nhốn nháo, tôi ôm 2 thương binh lăn xuống chân đồi, trốn thoát”, người anh hùng nhớ lại.
tin liên quan
40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: 12 ngày đêm giữ Khau ChỉaDìu đồng đội ra tới trạm T2 hậu cứ biên phòng cách đó 2 km vẫn thấy lính Trung Quốc sục sạo; đêm thấy rõ xe tăng và dân binh chúng rầm rập kéo ra Phong Thổ. Không thể rút theo quốc lộ, ông Phương buộc cây chuối thành bè, cho 2 thương binh ngồi trên và đẩy xuôi theo sông Nậm Na sang địa phận Sìn Hồ. 2 ngày đêm dắt, cõng thương binh, thức ăn chỉ là ngọn cây lau, cuối cùng ông cũng đưa được thương binh ra tới trung đoàn bộ ngoài Phong Thổ. “Mọi người ôm chúng tôi khóc, cứ nghĩ là tiểu đoàn bị xóa sổ hết rồi”, ông Phương cười, kể tiếp: “Hôm sau, tôi xin đi theo trung đội cảm tử vào giải vây cho Tiểu đoàn 1 bị bao vây ở Dào San. Cấp trên từ chối nhưng tôi bảo: Giờ ai biết lính Trung Quốc hơn tôi. Nghe xong các ông ấy đành chịu”.
Khí chất người lính
Giữa tháng 3.1979, sau khi quân Trung Quốc rút, binh nhất Hoàng Minh Phương được phong quân hàm trung sĩ. Cuối tháng 12.1979, ông được tuyên dương danh hiệu AHLLVT và về Yên Bái học tiếp lớp 6. Năm 1985, ông làm trợ lý chính sách tại Sư đoàn 326 (Quân khu 2). 1987 chuyển công tác về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hoàng Liên Sơn và 1988 thì xin nghỉ mất sức về quê hương với quân hàm đại úy.
Thời ấy, Cam Cọn là xã vùng sâu vùng xa của H.Bảo Yên, nằm giữa vùng đồi núi tiếp giáp dãy Hoàng Liên Sơn và sông Hồng. Người Tày ở Cam Cọn, dù có chăm chỉ đến mấy cũng phải gạt nước mắt nhìn lúa ngô bị đất sạt, nước lũ cướp mất và đành chịu cho lau lách lấn ruộng. Nhà ông cũng thế. Nhìn 3 đứa con 1 đến 5 tuổi, vợ vất vả làm ruộng không đủ gạo ăn, ông Phương nghiến răng “phải sống” và vác dao đi... khai hoang
Sáng sớm nắm cơm vác dao, tối mịt mới lếch thếch về đến nhà. Cứ thế mấy năm liền, ông làm sạch được 6 sào đất trồng lúa, hoa màu. Thấy AHLLVT quá vất vả, lãnh đạo xã bố trí cho thêm 3 sào đất lúa, cộng với 3 sào có trước của vợ, thế là ông hì hục trồng cấy, biến hoang vu thành vùng cây trái tốt tươi.
tin liên quan
40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Thảm sát trên hang Ngườm HẩuVề địa phương, ông tham gia HĐND theo đề nghị của xã. 15 năm làm cán bộ, chức cao nhất là phó chủ tịch HĐND xã nhưng ông chưa khi nào đòi hỏi ưu tiên, chế độ. Các con ông đều được dạy phải tự lập mưu sinh, vươn lên bằng chính sức lực của mình... “Tôi bảo các con, giờ dù cuộc sống mưu sinh có vất vả thế nào, cũng còn sướng gấp vạn lần chiến tranh giặc giã. Mình con nhà nông gắn bó với ruộng vườn, cũng có cái an nhiên sung sướng mà người nhiều tiền của không có được”, người anh hùng nói và cả quyết: “40 năm trước, tôi ăn ngọn cây lau, uống nước lá mà vẫn chặn đường quân giặc và tìm được đường về với cuộc sống, cơ mà...”.
Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược tháng 2.1979, anh hùng Hoàng Minh Phương đã nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, lập công xuất sắc, chỉ huy tiểu đội diệt nhiều tên địch, đánh lui các cuộc tấn công của chúng, giữ vững trận địa. Cá nhân ông đã diệt hơn 100 tên địch. Ngày 17.2.1979, địch cho lực lượng đông hơn ta gấp nhiều lần, chia làm nhiều mũi và mở nhiều đợt tấn công lên trận địa chốt, Hoàng Minh Phương chỉ huy tiểu đội súng cối chiến đấu dũng cảm, góp phần cùng trung đội diệt 150 tên, đánh lui 2 đợt tấn công của địch. Riêng Hoàng Minh Phương trực tiếp bắn 60 quả đạn cối diệt hơn 70 tên địch. Ngày 18.2.1979, địch cho lực lượng đông hơn hôm trước mở nhiều đợt tấn công vào chốt, Hoàng Minh Phương động viên tiểu đội giữ vững trận địa. Đến trưa, thấy lực lượng ta còn ít, sau khi bắn pháo dữ dội, địch bao vây định bắt sống bộ đội ta. Hoàng Minh Phương bình tĩnh dùng lựu đạn đánh vào đội hình của địch, diệt nhiều tên, những tên còn lại phải bỏ chạy, trận địa được giữ vững. Sau trận đánh, Hoàng Minh Phương còn đưa được thương binh về phía sau an toàn.
Nguồn: Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam
|
Bình luận (0)