45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam: Tham vọng chưa dừng lại

19/01/2019 06:56 GMT+7

Giới chuyên gia quốc tế thực sự lo ngại trước các hành vi của Bắc Kinh ở quần đảo Hoàng Sa lẫn quần đảo Trường Sa cũng của Việt Nam, và xa hơn là cả khu vực Biển Đông.

Sau 45 năm kể từ ngày Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm Hoàng Sa, giới chuyên gia quốc tế thực sự lo ngại trước các hành vi của Bắc Kinh ở quần đảo này lẫn quần đảo Trường Sa cũng của Việt Nam, và xa hơn là cả khu vực Biển Đông.
Những lo lắng trên được đưa ra khi Thanh Niên phỏng vấn các chuyên gia quốc tế gồm: TS Koh Swee Lean Collin (chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore), ông Gregory B.Poling (Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải - AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, Học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) và bà Bonnie Glaser (Giám đốc Chương trình Nghiên cứu sức mạnh Trung Quốc - CSIS).
* Tình hình Biển Đông thay đổi thế nào trong 45 năm qua kể từ khi Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa?
- TS Collin: Bắc Kinh đã chiếm đóng Hoàng Sa để từ đảo Hải Nam vươn vòi kiểm soát về phía nam bao phủ cả khu vực Biển Đông. Cụ thể, nếu xem đảo Hải Nam là trung tâm sức mạnh quân sự thì Hoàng Sa chính là hành lang mở rộng, rồi vươn tiếp đến Trường Sa. Tất cả đã thể hiện rất rõ trong việc Bắc Kinh không ngừng phát triển hạ tầng lẫn sức mạnh quân sự tại các thực thể ở Biển Đông.
Ông Poling: Trung Quốc không chỉ thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế đối với Hoàng Sa, mà còn thắt chặt giám sát cả vùng biển lẫn vùng trời xung quanh khu vực này suốt nhiều năm qua. Không khó để nhận ra rằng Bắc Kinh siết chặt kiểm soát, ngăn chặn tàu cá trong khu vực. Chưa dừng lại ở đó, từ Hoàng Sa, Bắc Kinh còn mở rộng kiểm soát sang quần đảo Trường Sa.
PGS Nagy: Trung Quốc đã tiến hành nhiều chiêu thức nhằm thiết lập quyền lực kiểm soát ở Biển Đông. Điều đó có thể nhận ra thông qua hạ tầng, cơ sở mà Bắc Kinh xây dựng, phát triển trên các thực thể tại vùng biển này.
Bà Glaser: Bắc Kinh đã từng bước gia tăng ảnh hưởng và kiểm soát đối với Biển Đông thông qua nhiều hoạt động, đặc biệt là khai thác hải sản cũng như năng lượng. Điều đó khiến căng thẳng ngày càng trầm trọng hơn khi nguồn hải sản dần cạn kiệt cùng với nguy cơ xung đột ngày càng lớn hơn.
* Thời gian qua, Trung Quốc không ngừng quân sự hóa các thực thể ở Hoàng Sa cũng như gây nhiều căng thẳng. Điều đó tác động thế nào đến tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương?
- TS Collin: Việc chiếm đóng của Trung Quốc ở Hoàng Sa chủ yếu nhằm kiểm soát Biển Đông cũng như hướng đến tham vọng kiểm soát tuyến hàng hải quốc tế, mở đường cho lực lượng viễn chinh tiến ra xa, thậm chí “cọ xát” để sẵn sàng đối đầu với lực lượng quốc tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tự cho mình cái quyền tuyên bố vùng biển và vùng trời khu vực Biển Đông là “chủ quyền lịch sử”. Tất cả những điều đó đe dọa nghiêm trọng an ninh và ổn định của khu vực, khi dễ dẫn đến những đụng độ.
Ông Poling: Trung Quốc đang theo đuổi chính sách ép buộc, đe dọa vũ lực nhằm đẩy các nước xung quanh ra khỏi Biển Đông, dẫn đến đe dọa tính ổn định trong khu vực cũng như thách thức các nền tảng luật pháp quốc tế. Đây là một phần trong việc Bắc Kinh đang ra sức hình thành một sức mạnh vươn cả khu vực Đông Á.
PGS Nagy: Những gì Bắc Kinh đạt được trong việc quân sự hóa Hoàng Sa đã làm thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực. Điều đó buộc nhiều quốc gia bên ngoài khu vực cũng phải tăng cường hiện diện ở vùng biển này.
* Trong tình hình như vậy, đâu là rủi ro lớn nhất có thể xảy ra trên Biển Đông?
TS Collin: Đó chính là việc các bên liên quan đụng độ với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục có nhiều hành vi gây căng thẳng. Nếu không có một cơ chế phối hợp kiểm soát, phòng ngừa thì dễ dẫn đến nguy cơ các cuộc đụng độ biến thành xung đột quy mô lớn. Các cơ chế như Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) chính là nền tảng để kiểm soát rủi ro.
Ông Poling: Rủi ro lớn nhất là việc leo thang bất ngờ do những cuộc đụng độ của lực lượng Trung Quốc với các bên khác. Kèm theo đó còn là rủi ro từ lực lượng “dân quân” biển mà nước này hình thành tại đây.
PGS Nagy: Nguy cơ lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ đụng độ nhau tại vùng biển này. Và tất nhiên với những gì đang diễn ra, thì rủi ro đụng độ của các nước trong khu vực ASEAN với Trung Quốc cũng có thể leo thang khó lường.
Bà Glaser: Rất đáng lo về nguy cơ bùng nổ xung đột giữa các bên, và một Bộ quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả có thể là cơ chế phòng ngừa phù hợp.
* Đâu là giải pháp phòng ngừa rủi ro cũng như vai trò của cộng đồng quốc tế nói chung, ASEAN nói riêng đối với tình hình Biển Đông?
- TS Collin: Cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy lập lại trật tự dựa trên các nền tảng luật pháp quốc tế như Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) cũng là một nền tảng cần thúc đẩy để đảm bảo các bên liên quan phải tuân thủ. Tiếp theo là các nước trong khu vực cần nâng cao thực lực hàng hải. Thứ ba, các quốc gia bên ngoài khu vực cần nhận ra tầm quan trọng của Biển Đông đối với hàng hải thế giới, nên cần tăng cường hiện diện để đảm bảo sự ổn định.
Ông Poling: Chẳng thể có một giải pháp song phương hiệu quả cho tranh chấp ở Biển Đông. Áp lực mạnh mẽ nhất phải đến từ sự phối hợp của cộng đồng quốc tế, từ ASEAN đến các quốc gia bên ngoài, thậm chí là châu Âu để Bắc Kinh thay đổi hành vi, tuân thủ luật pháp quốc tế.
PGS Nagy: Thực tế thì ASEAN chưa phát huy hiệu quả vai trò, trong khi lẽ ra khối này phải gây sức ép để Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết (của PCA) là bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tiền lệ nguy hiểm cho thế giới

Cách thức mà Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa thực tế mở đầu một tiền lệ nguy hiểm cho khu vực và thế giới. Từ đó đến nay, Bắc Kinh xem việc sử dụng vũ lực là cách thức phục vụ cho tuyên bố chủ quyền, nên tiếp tục dùng quân sự để chiếm đóng thêm nhiều bãi đá khác ở Trường Sa. Những năm gần đây, Trung Quốc lại không ngừng thiết lập sức mạnh quân sự. Trong khi đó, các nước chưa thực sự gắn kết hiệu quả trước tham vọng của Bắc Kinh. Nếu cộng đồng quốc tế tiếp tục không phản ứng kịp thời thì hậu quả sẽ còn lớn hơn.
TS James Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ)

Cần áp lực ngoại giao tổng thể

Trung Quốc không ngừng tăng cường các yêu sách, lợi ích trên Biển Đông. Thông qua các cơ sở, công trình thiết lập trên Biển Đông, Bắc Kinh dễ khiến xảy ra sự cố leo thang căng thẳng. Đây chính là vấn đề khiến Mỹ buộc phải đối đầu với Trung Quốc. Lo lắng càng lớn hơn khi Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế. Chính vì thế, lúc này rất cần một áp lực ngoại giao tổng thể của cộng đồng quốc tế.
TS Lê Thu Hường (Viện Chính sách chiến lược Úc)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.