6 người tử vong do mưa lũ

11/10/2017 08:19 GMT+7

* Hàng nghìn hộ dân các tỉnh bắc Trung bộ bị cô lập Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới , từ chiều tối 9.10 đến hết ngày 10.10, tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã xảy ra mưa lớn kéo dài.

Mưa lớn cộng với các hồ thủy lợi, thủy điện xả lũ khiến hàng nghìn nhà dân ngập sâu trong nước. Đáng lưu ý, tại Nghệ An có tới 6 người tử vong do mưa lũ.
2 trẻ em, 4 người lớn tử vong
Rạng sáng 10.10, mưa lớn kéo dài liên tục khiến nhiều địa phương ở Nghệ An bị ngập sâu. Với lượng mưa 298 mm từ ngày 9 đến 7 giờ ngày 10.10, tại TP.Vinh, nhiều tuyến đường biến thành sông, giao thông tê liệt, nhiều tầng hầm khu chung cư nước ngập sâu gần 1 m khiến hàng nghìn xe máy, ô tô bị ngập chìm. Một số khu vực ở P.Bến Thủy (TP.Vinh), nước dâng cao, tràn vào nhà dân gần 1 m, người dân phải dùng xuồng, phao để di chuyển. Nhiều gian hàng tại chợ Vinh cũng bị ngập sâu trong nước khiến nhiều hàng hóa của tiểu thương bị hư hỏng.
Mưa lớn đến hết 12.10, Thủy điện Hòa Bình xả lũ
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế sẽ có đợt mưa to đến rất to trên diện rộng đến hết ngày 12.10, dự báo tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 150 mm, có nơi trên 200 mm.
Chiều 10.10, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai có công điện gửi Công ty thủy điện Hòa Bình ra lệnh mở cửa xả lũ. Lúc 16 giờ ngày 10.10, mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 117,12 m, cao hơn mực nước dâng bình thường là 0,12 m và còn tiếp tục gia tăng.
Theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, ban yêu cầu Thủy điện Hòa Bình mở 1 cửa xả lũ vào lúc 7 giờ ngày 11.10. Trong ngày, ban đã gửi công điện đến các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Bắc Ninh, yêu cầu theo dõi chặt chẽ mức nước dâng ở hạ lưu; sẵn sàng đảm bảo các phương án ứng phó lũ...
P.Hậu

Mưa lũ làm một số xã ở các huyện miền núi: Quỳ Hợp, Quế Phong... bị cô lập, một số tuyến đường bị sạt lở, ngập khiến giao thông ngưng trệ. Nhiều hồ chứa phải xả tràn để tránh vỡ đập. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tại Nghệ An, mưa lũ làm 1 nhà dân bị sập, 584 nhà dân, 1.955 ha hoa màu và 874 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập. Đến chiều 10.10 có 6 người chết, trong đó có 1 người ở H.Nghi Lộc bị tử vong do đường dây hạ thế đứt giật, 5 người (2 trẻ em) ở các huyện Quỳ Hợp, Đô Lương, X.Hoàng Mai bị nước lũ cuốn trôi, đã tìm thấy thi thể.
Theo ông Hoàng Văn Khảng, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá, H.Vũ Thư, Thái Bình, sáng 10.10, một cơn lốc xoáy quét qua xã Nguyên Xá làm 4 người bị thương, 10 nhà sập và hư hỏng,1 xe tải lật xuống ruộng lúa. Trong số 4 người bị thương, có 1 phụ nữ 69 tuổi bị thương nặng.
Hàng trăm nhà dân chìm trong nước
Do mưa lớn và hồ Yên Mỹ xả lũ, từ 4 giờ ngày 10.10 hơn 400 hộ dân 6 thôn gồm: Kén, Bồng Sơn, Vân Thạch, Cát Lễ, Sơn Long và Thị Long, xã Tượng Sơn, H.Nông Cống (Thanh Hóa), bị ngập chìm trong nước. Trong đó, 241 hộ dân thôn Bồng Sơn và 186 hộ dân thôn Kén bị ngập hoàn toàn. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến chiều 10.10, nước lũ tràn vào nhà dân, các con đường bị ngập từ 1 - 1,5 m.
Ông Vũ Quang Thơm, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, cho biết: “Do hồ Yên Mỹ xả lũ 24/24 từ 16 giờ ngày 7.10 nên nước lên nhanh gây ngập các hộ dân. Chúng tôi đã sơ tán gần 100 hộ dân các thôn bị ngập nặng và huy động các lực lượng cung ứng nước, mì tôm giúp người dân đang bị cô lập do mưa lũ”. Ông Thơm cho rằng nếu hồ Yên Mỹ tiếp tục xả lũ, trời tiếp tục mưa thì rất nguy hiểm cho người dân. Sáng cùng ngày, mưa lớn kéo dài làm 5 m đê bối (sông Hoàng) bị vỡ, khiến nước tràn vào làm nhiều hộ dân ở thôn 2, xã Tế Nông (H.Nông Cống) bị ngập. Chính quyền địa phương huy động hơn 300 người đến khắc phục, gia cố được đoạn đê vỡ.
Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về đã làm chia cắt nhiều xã ở các huyện miền núi Thanh Hóa như: Giao An, Giao Thiện, Tam Văn, Lâm Phú và bản Trải (TT.Lang Chánh) của huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa); xã Cẩm Châu (H.Cẩm Thủy)... Một số trường học ở H.Lang Chánh phải cho học sinh ở lại qua đêm vì nước dâng cao không thể đi qua các đập tràn.
Vỡ bờ đập, sạt lở đê
Tại Hà Tĩnh, do lượng mưa lớn kéo dài suốt gần 1 tuần qua kết hợp áp thấp nhiệt đới nên sáng 10.10, nhiều xã ở huyện miền núi bị ngập sâu từ 1,2 - 2 m, giao thông bị chia cắt nhiều nơi.
Hồ Yên Mỹ xả lũ cộng với mưa lớn làm hàng trăm nhà dân ở xã Tượng Sơn, H.Nông Cống (Thanh Hóa) bị ngập ẢNH: MINH HẢI
Tối 9.10, do lượng nước từ thượng nguồn đổ về lớn nên đập Cố Châu (xã Gia Hanh, H.Can Lộc) bị vỡ 20 m bờ đập, khiến nhiều héc ta hoa màu của người dân vùng hạ du bị ngập úng. Cũng trong tối cùng ngày, tuyến đê Hữu Phủ (xã Tượng Sơn, H.Thạch Hà) bị sạt lở khoảng 30 m, uy hiếp gần 1.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp. Đến sáng 10.10, chính quyền địa phương và hàng trăm người dân vận chuyển đất cát để đắp lại đoạn đê bị vỡ.
Tính đến chiều 10.10, H.Hương Sơn có 2 nhà dân bị sạt lở đất, sập tường; có 7 xã với trên 6.000 hộ dân đang bị nước lũ chia cắt như các xã Sơn Thịnh, Sơn Lệ, Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy...; hơn 300 ha bắp mới gieo bị ảnh hưởng. Các hộ dân nằm ở khu vực xung yếu bị di dời vào sáng cùng ngày đã trở về nhà an toàn.
Sáng 10.10, tại Quảng Bình, nước lũ ngập nhiều tuyến đường và khu dân cư của H.Quảng Trạch, H.Minh Hóa. Học sinh phải nghỉ học.
Hàng trăm người lội nước tìm học sinh mất tích dưới cống
Đến cuối giờ chiều qua, thân nhân và lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy em L.V.S (học sinh lớp 10, Trường THPT Lê Lợi, TP.Đông Hà, Quảng Trị). 18 giờ ngày 9.10, em S. lái xe máy chở một người bạn băng qua cống nước gần Trường THCS Phan Đình Phùng (KP.4, P.Đông Lễ, TP.Đông Hà).
ẢNH: THANH LỘC
Lúc này, trời mưa rất to, nước chảy xiết nên S. cùng xe máy bị cuốn xuống cống; người bạn đi cùng thoát nạn và vội kêu cứu. Người thân và lực lượng PCCC và cứu hộ cứu nạn, công an, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh huy động lực lượng tìm kiếm (ảnh). Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo công tác tìm kiếm. Đến 2 giờ ngày 10.10, tìm được chiếc xe máy cách điểm gặp nạn vài trăm mét, nhưng chưa tìm thấy em S.
Phụ huynh, giáo viên Trường THCS Phan Đình Phùng và người dân tỏ ra bức xúc về tình trạng nguy hiểm tại khu vực này. Cách đây 5 năm, một học sinh tiểu học cũng đã bị nước cuốn xuống cống tử vong; mặc dù người dân phản ánh nhiều lần nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý, khắc phục. Thầy Nguyễn Thế Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng, cho biết vào mùa mưa lũ, nước ở đoạn cống dâng lên cả mét, gây nguy hiểm cho người dân và học sinh qua lại.
Nguyễn Phúc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.