>> Học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa: Trung Quốc cần tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc
>> Học giả Trung Quốc quyết liệt chỉ trích 'đường lưỡi bò
>> Mưu đồ xâm lấn đội lốt khảo cổ
|
Hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc ngày 8.5.1954, bế mạc ngày 21.7.1954 được chia làm 3 thời kỳ đàm phán. Thời kỳ thứ nhất, từ ngày 8.5.1954 tới ngày 19.6.1954. Thời kỳ thứ hai, từ ngày 20.6.1954 tới ngày 10.7.1954: coi như hội nghị tạm nghỉ. Các trưởng đoàn về nước báo cáo, chỉ có các cuộc họp hẹp và các đoàn quân sự họp với nhau. Thời kỳ thứ ba, từ ngày 11.7.1954 đến khi kết thúc hội nghị.
|
Đoàn Liên Xô do Viacheslav Molotov, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, làm trưởng đoàn. Đoàn Trung Quốc do Chu Ân Lai, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, làm trưởng đoàn. Đoàn Mỹ do Ngoại trưởng Dulles làm trưởng đoàn nhưng chỉ dự phần Triều Tiên, còn phần Đông Dương giao lại cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bedell Smith tham dự. Đoàn Anh do Ngoại trưởng Anthony Eden lãnh đạo. Đoàn Pháp, giai đoạn đầu là Ngoại trưởng Georges Bidault; giai đoạn sau là Pierre Mendès France - Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng lãnh đạo. Đoàn quốc gia Việt Nam do Ngoại trưởng Nguyễn Quốc Định, sau đó Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ sang thay. Đoàn Hoàng gia Lào do Phủi Sananikone làm Ngoại trưởng lãnh đạo. Đoàn Hoàng gia Campuchia do Ngoại trưởng Nhiêk Tiêu Long rồi Ngoại trưởng Tep Phan lãnh đạo. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn.
Ngoài Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn có 4 cố vấn, bao gồm: Hoàng Văn Hoan - Đại sứ tại Bắc Kinh, cố vấn và là người phát ngôn của đoàn, chủ trì các cuộc họp báo; Tạ Quang Bửu - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cố vấn về quân sự kiêm Trưởng bộ phận quân sự; Phan Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương, cố vấn về luật pháp; Trần Công Tường - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cố vấn giúp đoàn dịch và duyệt các văn bản bằng tiếng Pháp.
Trong thời kỳ thứ nhất hội nghị, các bên trình bày lập trường của mình về cách giải quyết vấn đề Đông Dương, tranh luận về các vấn đề lớn có liên quan tới mục tiêu của hội nghị và còn có quan điểm khác nhau, như bàn chung hay bàn riêng các vấn đề quân sự và vấn đề chính trị, bàn chung hay bàn riêng vấn đề Việt Nam và các vấn đề Lào và Campuchia.
Tại phiên họp đầu tiên, đại biểu Pháp trình bày lập trường của Pháp: tập kết quân đội hai bên vào vùng quy định; giải giáp lực lượng dân quân du kích; trao trả tù quân sự và dân sự; kiểm soát quốc tế; đình chỉ chiến sự. Về Lào và Campuchia, họ nêu: rút tất cả các lực lượng Việt Nam; giải giáp các lực lượng dân quân du kích; trao trả tù quân sự và dân sự; kiểm soát quốc tế. Bidault tuyên bố thêm: “Nếu sự có mặt trong hội nghị này của một bên đã tổ chức các lực lượng vũ trang để chống lại quốc gia Việt Nam đã được chấp nhận như một sự cần thiết để đi tới một sự thỏa thuận ngừng chiến sự, thì sự có mặt đó không thể được giải thích là bao hàm một sự công nhận có tính chất nào đó”.
Phạm Văn Đồng đứng ngay lên, yêu cầu để đại diện hai chính phủ kháng chiến Pathét Lào và Khơ me Issarak được tham dự hội nghị, vì họ đang kiểm soát những vùng rộng lớn trong mỗi nước và thiết lập các chính quyền dân chủ. Đại biểu Mỹ Bedell Smith và Bidault kiên quyết bác bỏ. Chủ tịch hội nghị Eden (Anh) tuyên bố nghỉ họp và gác vấn đề lại.
Ngày 16.5.1954, một viên chức Trung Quốc của Văn phòng Lao công quốc tế là Hu Tsiao Fong, đã từng làm việc cho chính phủ Đài Loan, nhưng có quan hệ mật thiết với Bắc Kinh, đến liên hệ trực tiếp với người Pháp, để cho biết ý của đoàn đại biểu Trung Quốc rồi đây muốn có quan hệ càng sớm càng tốt với đoàn đại biểu Pháp. Nếu đoàn Pháp đồng ý cử một viên chức ngoại giao làm việc thì đoàn Trung Quốc cũng chỉ định một viên chức có cấp bậc tương đương để đáp lại. Nhưng các cuộc nói chuyện giữa hai bên cần giữ bí mật triệt để. Theo Hu Tsiao Fong, đoàn đại biểu Trung Quốc muốn các cuộc nói chuyện này không chỉ giới hạn vào vấn đề Đông Dương, mà cả toàn bộ vấn đề quan hệ Đông - Tây, ví dụ, việc Pháp có thể góp phần làm cho chính phủ Mỹ thay đổi thái độ về việc Trung Quốc gia nhập Liên Hiệp Quốc mà Bắc Kinh rất quan tâm.
Các cuộc gặp gỡ Trung - Pháp sẽ bắt đầu từ ngày 16.5, giữa một bên là Vương Bính Nam, Tổng thư ký của đoàn đại biểu Trung Quốc, Tổng thư ký Bộ Ngoại giao, và một bên là Jean Paul Boncour, trước đây là đại diện Pháp tại Trung Quốc và Thái Lan, nay là thành viên đoàn Pháp (kiêm chức Tổng thư ký Hội nghị Genève) và Guillermaz, trước là Tùy viên quân sự Pháp tại Nam Kinh và Bangkok, nói thạo tiếng Trung Quốc và rất quen Vương Bính Nam. Ngoài các vấn đề thuần túy về Đông Dương, Vương Bính Nam còn đề cập đến các vấn đề tiếp xúc của nước CHND Trung Hoa với các nước mà Trung Quốc chưa có quan hệ, như Anh - Pháp, có lẽ sẽ là những cuộc tiếp xúc có tầm quan trọng lớn đối với Trung Quốc (đặc biệt là về quan hệ mậu dịch).
Các cuộc đàm phán ngày một nhiều giữa Trung Quốc và Pháp, tổng cộng có tới 5 cuộc từ ngày 30.5 tới ngày 7.6, kể cả giữa Chu Ân Lai và Bidault, hoặc giữa Vương Bính Nam và Chauvel, Đại sứ Pháp ở Thụy Sĩ. Trong các cuộc hội đàm này, điều đặc biệt là Chu Ân Lai tránh đi vào những vấn đề thuộc về quyền lợi của Trung Quốc như nhờ Paris vận động cho Trung Quốc vào Liên Hiệp Quốc hay cả việc lập quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Paris. Chu Ân Lai chỉ đi vào việc giải quyết vấn đề Đông Dương, bao gồm cả việc loại trừ sự đe dọa của Mỹ tại ba nước Đông Dương.
Sau 4 phiên họp công khai, Chủ tịch hội nghị A.Eden đề nghị họp hẹp. Phe ta tán thành, và Molotov đề nghị vấn đề quân sự và chính trị và vấn đề ba nước sẽ bàn song song. Anh, Pháp đồng ý, Mỹ đành phải chịu. Trong cuộc họp hẹp ngày 19.5, Pháp than phiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ thả các thương binh quốc tịch Pháp. Sau một đợt tranh luận giữa Molotov, Smith, Bidault, Phạm Văn Đồng và Nguyễn Quốc Định, Chu Ân Lai lại nói: “Mọi sự cản trở bất kể từ nguồn gốc nào đều đáng lên án”. Pháp hài lòng vì thấy Trung Quốc có thái độ xây dựng. Ngày 19.5, Hà Văn Lâu (thành viên phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) đồng ý giải quyết vấn đề thương binh mà không phân biệt quốc tịch.
Giữa lúc đó, ngày 12.6.1954, quốc hội Pháp đánh đổ chính phủ Laniel - Bidault. Một tuần sau, ngày 19.6, chính phủ Mendès France lên cầm quyền ở Pháp.
Hoàng Nguyên
Kiều Mai Sơn (lược trích)
>> CIA và gia đình họ Ngô: CIA tiến vào Đông Dương
>> Trận chiến cuối cùng của Mỹ ở Đông Dương
>> Hiệp định Paris - Đỉnh cao thắng lợi ngoại giao VN
>> Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris
Bình luận (0)