Ủy ban chấp hành án bản án tòa tuyên
Theo diễn biến vụ án, bà N.T.G (79 tuổi) là chủ sở hữu khu đất 2.354 m2 trên đường Lê Văn Thịnh (P.Bình Trị Đông, Q.2). Năm 2003, UBND Q.2 thu hồi khoảng 2.000 m2 để thực hiện dự án Trung tâm dạy nghề Q.2. Sau đó, năm 2012, UBND Q.2 thu hồi diện tích còn lại (332,5 m2) để thực hiện dự án Cao ốc P.A (do Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Q.2 làm chủ đầu tư). Song song với quyết định thu hồi 332,5 m2, UBND Q.2 bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư cho bà G. gần 600 triệu đồng.
Không đồng ý, bà G. khiếu nại và khởi kiện, cho rằng dự án Cao ốc P.A là dự án kinh doanh vì lợi nhuận, nên UBND Q.2 không thể áp giá bồi thường theo giá đất nông nghiệp. Xử sơ thẩm, TAND Q.2 bác yêu cầu khởi kiện của bà G.
Xử phúc thẩm năm 2015, TAND TP.HCM nhận định năm 2003, UBND Q.2 có cho phép bà G. xây dựng căn nhà kiên cố trên phần đất thu hồi, có nghĩa UBND Q.2 đã chấp nhận cho phép bà G. chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở. Vì vậy, TAND TP.HCM tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà G., buộc UBND Q.2 hỗ trợ 50% đơn giá đất ở trung bình đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi.
Năm 2016, UBND Q.2 đã chấp hành bản án của TAND TP.HCM, tính lại giá trị bồi thường, hỗ trợ cho bà G. hơn 3,8 tỉ đồng, tức chi bổ sung hơn 3,2 tỉ đồng so với gần 600 triệu đồng đã chi ban đầu.
Giám đốc thẩm hủy án
Tuy vụ việc đã được thi hành án xong, nhưng tháng 11.2019, TAND cấp cao tại TP.HCM ban hành quyết định giám đốc thẩm nhận định, bản vẽ hiện trạng vị trí đất lập 2011 thể hiện thực trạng khi giải tỏa là khu đất trống. Hơn nữa, năm 2003, UBND Q.2 chấp thuận cho bà G. xây dựng nhà ở theo đơn xin phép nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bà G. được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở. Từ đó, TAND cấp cao tại TP.HCM hủy bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND Q.2.
TAND tối cao lại phải giám đốc thẩm ?Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: Về nguyên tắc là hiểu khi hủy bản án phúc thẩm thì đương nhiên bà G. phải trả lại tiền. Nhưng nếu bà G. không trả thì cơ chế thu hồi sẽ không có bởi cơ quan thi hành án chỉ thi hành nội dung có trong bản án, quyết định có hiệu lực của tòa. Nếu quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao chưa rõ, liệu TAND cấp cao có thể giải thích lại nội dung bản án hay không? Theo luật sư Hoan, thẩm phán ra quyết định giám đốc thẩm có trách nhiệm giải thích những điểm chưa rõ trong quyết định. Tuy nhiên, việc giải thích bản án, quyết định của tòa án phải căn cứ vào biên bản phiên tòa và biên bản nghị án.
Luật sư Nguyễn Minh Cảnh (nguyên thẩm phán TAND TP.HCM) cũng nhìn nhận nội dung UBND Q.2 đã chấp hành án đối với bà G. là tình tiết mà quá trình xét xử giám đốc thẩm, Ủy ban Thẩm phán không biết cũng như nội dung này chưa từng được đề cập. Do đó, khi phát sinh và không thể thi hành quyết định giám đốc thẩm thì qua khiếu nại của UBND Q.2, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao có thể kháng nghị quyết định giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm để hủy quyết định giám đốc thẩm giao về TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử lại, hoặc Hội đồng thẩm phán có thể sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
|
Theo UBND Q.2, quyết định giám đốc thẩm chỉ tuyên hủy bản án hành chính phúc thẩm nhưng không tuyên hậu quả của việc đã thi hành án theo luật quy định, tức phải tuyên buộc bà G. trả lại tiền để UBND Q.2 cũng như cơ quan chức năng có biện pháp chế tài thu hồi tiền đã chi trả cho bà G. cho ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, đại diện Chi cục Thi hành án dân sự Q.2 cho biết cơ quan thi hành án chỉ thực hiện tổ chức bản án theo nội dung án tuyên. Trong đó, quyết định của TAND cấp cao tại TP.HCM chỉ tuyên hủy bản án phúc thẩm, y án sơ thẩm, không đề cập đến nội dung thu hồi hoặc buộc bà G. phải nộp lại hơn 3,2 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước, nên Chi cục Thi hành án dân sự Q.2 không thể tổ chức thi hành đối với nội dung này.
Bình luận (0)