An toàn sống chung với dịch

24/04/2020 06:06 GMT+7

TP.HCM đã có hướng dẫn cụ thể, ban hành những bộ tiêu chí thuộc nhiều lĩnh vực làm cơ sở để trở lại cuộc sống bình thường, an toàn với dịch Covid-19. Trong khi đó, Hà Nội vẫn chờ “chỉ thị chính thức của Thủ tướng”.

Chiều 23.4, UBND TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn các sở, ngành và 24 quận, huyện thực hiện công tác phòng chống dịch sau khi TP nằm trong nhóm có nguy cơ. Theo đó, TP tiếp tục yêu cầu thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng và nơi làm việc; đảm bảo giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu là 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng, người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết.

Đeo khẩu trang nơi công cộng

Các cơ quan, đơn vị nhà nước làm việc bình thường, thực hiện biện pháp phòng, chống dịch đối với người đến trụ sở làm việc và liên hệ công tác. Sau mỗi cuộc họp, nhân viên phải vệ sinh phòng họp, khử khuẩn bề mặt, đồ vật tiếp xúc với người dự họp. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, lãnh đạo UBND TP cho biết sẽ đẩy mạnh giải quyết các thủ tục hành chính qua mạng, bưu điện, tăng cường họp trực tuyến.
Một quán ăn trên đường Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM đã hoạt động trở lại Ảnh: Khả Hòa

Một quán ăn trên đường Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM đã hoạt động trở lại

Ảnh: Khả Hòa

Sau khi TP.HCM ban hành hướng dẫn, lãnh đạo một số quận, huyện cho biết sẽ triển khai vào sáng nay để thực hiện thống nhất, đồng bộ; trong đó hành vi không đeo khẩu trang ra nơi công cộng sẽ bị xử phạt như trước đây.
Trong tối cùng ngày, Sở GTVT TP thông báo các hoạt động vận tải bằng taxi, xe công nghệ sẽ được triển khai bình thường; xe buýt có trợ giá sẽ công bố các tuyến hoạt động trở lại sau ngày 3.5.
Ngoài ra, 62 chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào TP đã ngưng hoạt động từ ngày 23.4; các đơn vị đã dọn dẹp trả lại hiện trạng ban đầu.
UBND TP.HCM cũng đưa ra danh sách các lĩnh vực tiếp tục dừng hoạt động. Cơ sở kinh doanh ngoài các lĩnh vực này được phép hoạt động, tuy nhiên phải thực hiện theo các nội dung quy định của bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 do cơ quan nhà nước ban hành.

Yêu cầu tuân thủ giãn cách khách hàng

Ngày 23.4, Hà Nội chính thức kết thúc cách ly xã hội, nhiều cơ sở kinh doanh đã được phép mở cửa trở lại. Tuy nhiên, đến cuối ngày, văn bản chính thức của UBND TP quy định các loại hình kinh doanh nào được mở cửa, với điều kiện nào... vẫn chưa được ban hành.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện UBND TP cho biết Hà Nội đang đợi chỉ thị chính thức của Thủ tướng, và chiểu theo đó mới cụ thể hóa thành quy định của TP. Do đó, suốt cả ngày, nhiều cửa hàng vẫn mở theo diện “thăm dò” và điều chỉnh khi bị chính quyền địa phương nhắc nhở.
Tại Hà Nội, hành vi chắc chắn bị xử phạt trong ngày 23.4 là không đeo khẩu trang ra nơi công cộng và lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn xuất hiện rất nhiều, đặc biệt là ở các quán ăn. Việc xử phạt của lực lượng chức năng là không xuể. Trong khi đó, rất nhiều người dân quá phấn khích vì được ra ngoài sau thời gian bị hạn chế, đã đổ ra các quán ăn, hàng cà phê... mà không hề đeo khẩu trang.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, phần lớn các cửa hàng trong diện được mở như cửa hàng ăn uống, trung tâm thương mại... ở các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Ba Đình... đã đón khách trở lại sau hơn 3 tuần đóng. Đáng nói là, rất ít cửa hàng trong số này đảm bảo các biện pháp phòng dịch, giãn cách khách hàng theo yêu cầu của TP, một phần vì đa số các hàng quán tại Hà Nội đều nhỏ hẹp.
Đại úy Nguyễn Tài Nghĩa, Phó trưởng công an P.Hàng Trống (Q.Hoàn Kiếm), cho biết từ 6 giờ sáng, đơn vị này đã ra quân tuyên truyền trên các tuyến phố, cửa hàng kinh doanh mở cửa lại về việc thực hiện giãn cách, đảm bảo an toàn giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Đối với những cửa hàng kinh doanh, công an phường sẽ tuyên truyền về việc giãn cách khách hàng đồng thời nhắc nhở không được lấn chiếm vỉa hè, nếu cố tình lấn chiếm sẽ lập biên bản xử phạt theo quy định.

Vẫn phải tránh nơi đông người

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho rằng thời gian qua, nhiều trường hợp bị lây ở VN chủ yếu tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 (tiếp viên hàng không, lễ tân, hướng dẫn viên, người bán hàng điện máy...). Khi giãn cách xã hội, phải hết sức chú ý đến việc tiếp xúc với “người lạ”. Nguy cơ dễ xảy ra ở những nơi công cộng, các cơ sở tôn giáo, tiệc tùng, bệnh viện... Nếu buộc phải tham gia một sự kiện đông người, thì phải giữ khoảng cách, mang khẩu trang, rửa tay. Ngoài ra, bệnh nhân nặng và những người cao tuổi, cơ địa đặc biệt phải tiếp tục được bảo vệ.
Duy Tính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.