Nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và tránh lây lan dịch trong môi trường bệnh viện, kể từ 6 giờ ngày 29.3, người dân khi đến Bệnh viện T.Ư Huế đều phải qua kiểm tra của bộ phận khám sàng lọc tại các chốt ở bệnh viện. Riêng với người đang làm việc ở Bệnh viện T.Ư Huế, không được đi ra khỏi địa phận Thừa Thiên - Huế.
Thừa Thiên - Huế: Không được mang thức ăn, nước uống từ bên ngoài vào bệnh viện
Trước đó, ngày 28.3, Bệnh viện T.Ư Huế đã ra thông báo tiếp tục siết chặt việc người dân, người nhà bệnh nhân ra vào bệnh viện; nghiêm cấm việc ra vào thăm bệnh tại các khoa, phòng nhằm tránh sự lây lan và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, nhân viên y tế.
|
Bệnh viện sẽ tăng cường khai báo và sàng lọc y tế trong toàn hệ thống; bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải thực hiện khai báo y tế trung thực và chính xác; hạn chế tối đa việc đi lại trong bệnh viện. Bệnh nhân không được ra khỏi cổng bệnh viện khi không có lý do, mỗi người bệnh chỉ có duy nhất một người nhà chăm sóc; không được mang thức ăn, nước uống từ bên ngoài vào bệnh viện.
Đà Nẵng: Giám sát chặt công dân đến từ tỉnh thành có ca bệnh lây lan thứ phát tại cộng đồng
Tại Đà Nẵng, ngày 29.3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, ngành y tế TP.Đà Nẵng cũng đã yêu cầu dừng việc thăm bệnh nhân tại các bệnh viện, tạm dừng việc khám chữa bệnh tại các phòng khám tư nhân… đến ngày 15.4. Theo đó, bắt đầu từ 0 giờ ngày 30.3 đến ngày 15.4, tạm dừng việc thăm bệnh nhân đang điều trị nội trú tại các bệnh viện (ngoại trừ người trực tiếp chăm sóc người bệnh). Đồng thời, hướng dẫn, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc đối với người trực tiếp chăm sóc người bệnh, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người nhà thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các bệnh viện thực hiện bố trí giãn giường bệnh trong điều kiện có thể. Tăng tần suất vệ sinh, khử khuẩn môi trường bề mặt bằng dung dịch Chloramin B hoặc các dung dịch sát khuẩn được Bộ Y tế cấp phép tại các khu vực, vị trí nguy cơ cao.
Sở Y tế TP.Đà Nẵng cũng đặc biệt khuyến cáo các phòng khám tư nhân tạm dừng việc khám, chữa bệnh đến ngày 15.4, đặc biệt đối với các phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt. Nếu tổ chức khám, chữa bệnh, yêu cầu các cơ sở thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đảm bảo khoảng cách, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ đảm bảo chất lượng gồm khẩu trang, tấm ngăn che mặt, găng tay, dung dịch sát khuẩn…
Sở Y tế Đà Nẵng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng tăng cường phối hợp giám sát y tế đối với công dân đến TP.Đà Nẵng từ các địa phương có ca bệnh lây lan thứ phát tại cộng đồng; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho lực lượng tham gia tại các chốt kiểm dịch và thực hiện báo cáo hằng ngày về Sở Y tế...
Quảng Trị: Phân luồng, kiểm soát nhiều lớp
Tương tự, khoảng 1 tuần nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị đã thực hiện tổ chức phân luồng, cách ly người nghi nhiễm Covid-19 tại bệnh viện với nhiều “lớp” kiểm soát.
|
Cụ thể, đối với bệnh nhân, tất cả đều phải đi vào cổng số 3 và được nhân viên y tế đo nhiệt độ, sàng lọc sơ bộ. Những bệnh nhân không sốt sẽ được vào thẳng khu khám bệnh ở nhà A; nếu sốt thì được chuyển ngay qua lối đi có giăng dây màu đỏ để vào phòng khám lần 1.
Tại đây, qua sàng lọc, nếu bệnh nhân sốt nhưng không có yếu tố dịch tễ thì sẽ được chuyển qua khu khám bệnh bình thường (qua cửa hạn chế do nhân viên y tế quản lý). Nếu người bệnh sốt và có yếu tố dịch tễ thì sẽ được chuyển về sàng lọc tại phòng khám cấp cứu (phòng sàng lọc vòng 2) theo lối đi có giăng dây màu đỏ.
|
|
Theo bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, các yếu tố dịch tễ cần được khai thác kỹ.
|
Cũng theo bác sĩ Tuấn, tại phòng sàng lọc vòng 2, sau khi được thăm khám kỹ một lần nữa, nếu bệnh nhân có những nghi ngờ nhiễm Covid-19 thì Ban chỉ đạo chống dịch của bệnh viện sẽ họp và đưa ra quyết định đưa bệnh nhân về khu cách ly phòng bệnh đặt tại Khoa bệnh nhiệt đới để thu dung, cách ly, sàng lọc, điều trị.
|
Riêng đối với người nhà bệnh nhân, tất cả đều được đo nhiệt độ ngay từ nhà xe. Nếu không sốt, ho, khó thở... thì được vào thăm nuôi bình thường; còn nếu có các dấu hiệu này, thì sẽ được nhân viên y tế khuyên đi khám bệnh, hoặc đi thăm vào lúc khác...
|
“Các biện pháp nêu trên được thực hiện là để tránh sự lây nhiễm trong bệnh viện (trong trường hợp có ca nhiễm Covid-19); bảo vệ người bệnh, người thân của người bệnh và nhân viên y tế”, bác sĩ Tuấn nói và cho biết thêm, từ trước khi có sự việc tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị cũng đã có kế hoạch về phòng chống dịch trong bệnh viện. Tuy nhiên, sau sự việc tại Bệnh viện Bạch Mai và từ sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện đa khoa Quảng Trị đã khẩn trương thực hiện chương trình phân luồng bệnh nhân.
Bình luận (0)